(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Về xã Quảng Vinh (TX Sầm Sơn) vào dịp nắng ấm mùa xuân, được ngắm bầu trời chim yến liệng bay, tiếng chim kêu gọi đàn, tiếng loa dụ chim tới râm ran khắp mọi nẻo đường. Tại đây, người dân đã thử nghiệm thành công với mô hình nuôi chim yến tại nhà. Tính đến nay đã khoảng chục năm, số hộ làm nghề này ngày càng tăng, thu nhập từ việc kinh doanh tổ yến cũng lớn dần theo quy mô sản xuất...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề nuôi chim yến ở Quảng Vinh

(VH&ĐS) Về xã Quảng Vinh (TX Sầm Sơn) vào dịp nắng ấm mùa xuân, được ngắm bầu trời chim yến liệng bay, tiếng chim kêu gọi đàn, tiếng loa dụ chim tới râm ran khắp mọi nẻo đường. Tại đây, người dân đã thử nghiệm thành công với mô hình nuôi chim yến tại nhà. Tính đến nay đã khoảng chục năm, số hộ làm nghề này ngày càng tăng, thu nhập từ việc kinh doanh tổ yến cũng lớn dần theo quy mô sản xuất...

Trao đổi với ông Đỗ Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách kinh tế xã Quảng Vinh chúng tôi được biết, nghề nuôi chim yến tại địa phương do người dân tự phát hiện, đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh và về tìm tòi áp dụng. Nuôi yến trong điều kiện khí hậu miền Bắc mùa đông lạnh giá là bất lợi lớn nhất chưa thể khắc phục ở xã Quảng Vinh. Chính vì vậy chính quyền xã chưa thể nhân rộng mô hình này.

Tuy vậy, từ một hộ nuôi chim yến đầu tiên vào thời điểm cách đây khoảng chục năm, đến nay toàn xã đã có trên dưới 30 hộ tham gia đầu tư nuôi chim yến. Nhiều hộ trong số đó nhờ vào nghề này đã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mở rộng thêm sản xuất kinh doanh. Nhắc tới cái tên “Tuấn yến” người dân địa phương không ai không biết tới gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn. Anh là một trong những người tham gia nuôi yến từ những ngày đầu tiên và đến nay đang là chủ sở hữu một cơ ngơi khang trang. Nắm được kỹ thuật nuôi chim yến đồng thời chủ động được đầu ra, anh cũng như các hộ khác đang dần mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm cho mảnh đất bãi ngang vốn khi xưa chỉ biết với vươn khơi, bám biển.

Yến sào nuôi ở Thanh Hóa có chất lượng không thua kém yến sào ở một số tỉnh phía Nam chuyên về nghề này.

Cũng là một trong những người đi tiên phong, anh Nguyễn Văn Hòa (45 tuổi) cho biết mình là người đầu tiên phát hiện và tiến hành bảo vệ, nuôi yến trên nhà cao tầng ở địa phương cũng như ở Thanh Hóa. Với điều kiện thuận lợi là gia đình có người làm nghề nuôi chim yến trong Bình Định, anh Hòa đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, đầu tư xây nhà cao tầng, lắp đặt thiết bị máy móc để dụ yến tới làm tổ. Kể về những ngày đầu tiên bắt tay vào triển khai, anh thật thà chia sẻ: Tôi thất bại mất 4 năm đầu sau đó mới thu được kết quả. Hiện gia đình anh có khoảng 90m2 nhà cao tầng dùng để nuôi yến. Nếu thời tiết ủng hộ, thu hoạch có năm lên tới 25 kg tổ yến.

Đầu tư trang thiết bị một lần và dùng lâu dài, không mất chi phí giống, không mất chi phí thức ăn, những ưu điểm này của nghề nuôi chim yến đã và đang thu hút ngày càng nhiều hộ dân ở xã Quảng Vinh tận dụng lợi thế của mình để nuôi yến nâng cao thu nhập. Hiện có hộ nuôi với diện tích lớn tầm 200m2. Là mặt hàng “sang”, giá thành cao và luôn được thị trường ưa chuộng bởi công dụng tốt đối với sức khỏe con người, tổ yến có mức giá bình quân từ 35 - 40 triệu đồng/kg, chưa kể những năm khan hàng, giá đẩy lên cao. Vì thế, đầu tư vào nuôi yến, người dân xã Quảng Vinh hằng năm thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Nhiều hộ gia đìnhđã vươn lên làm giàu chính đáng, diện mạo KT-XH xã bãi ngang có nhiều thay đổi tích cực.

Anh Nguyễn Văn Hòa đang sơ chế tổ yến trước khi đưa ra thị trường.

Nhưng khó khăn lớn nhất như ông Đỗ Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã cũng như các hộ nuôi yến ở đây cho biết đó là điều kiện khí hậu lạnh giá vào mùa đông không phù hợp. Một năm lạnh giá, người nuôi yến mất mùa 2 năm do lượng chim suy giảm. Nắm được đặc điểm khí hậu, các hộ dân ở địa phương đã và đang tìm mọi cách khắc phục.

Từ thực tế ở Quảng Vinh, nghề nuôi chim yến đang dần phát triển ở một số địa phương trên địa bàn Thanh Hóa. Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin Khoa học công nghệ và dịch thuật Thanh Hóa, nghề nuôi chim yến bắt đầu du nhập vào Thanh Hóa từ năm 2007. Các hộ nuôi yến chủ yếu tận dụng tầng 2, tầng 3 của nhà ở cải tạo làm nhà nuôi chim, tập trung nhiều nhất là ở huyện Quảng Xương và TX Sầm Sơn. Ngoài ra có một số hộ gia đình ở TP Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để dụ chim yến đến sinh sống.

Đông y coi yến sào là vị thuốc và thực phẩm quý có tác dụng bổ phổi, bổ huyết, thanh nhiệt, tăng sức đề kháng của cơ thể, đẹp da, chống lão hóa, tăng tuổi thọ... Yến sào còn có nhiều hoạt chất kích thích miễn dịch, tốt cho mọi lứa tuổi. Chim yến chỉ phân bố ở vùng Đông Nam Á, nên đây là một đặc sản có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]