(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị định 118/2014/NÐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 đặt mục tiêu sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng bền vững. Ðến nay, sau 5 năm thực hiện, việc sắp xếp, đổi mới các nông trường, lâm trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa như kỳ vọng đặt ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường

Nghị định 118/2014/NÐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 đặt mục tiêu sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng bền vững. Ðến nay, sau 5 năm thực hiện, việc sắp xếp, đổi mới các nông trường, lâm trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa như kỳ vọng đặt ra.

Nhiều diện tích rừng sản xuất của các lâm trường kém hiệu quả, trong khi người dân vẫn thiếu đất canh tác.

Tại Thanh Hóa, trước năm 2004, có 12 nông trường quốc doanh: Bãi Trành, Thạch Quảng, Vân Du, Thạch Thành, Phúc Do, Lê Đình Chinh, Sao Vàng, Yên Mỹ, Thống Nhất, Lam Sơn, Sông Âm, Hà Trung với tổng diện tích đất quản lý 22.591,28 ha. Từ năm 2003 - 2005 đã tiến hành sáp nhập 6 nông trường. Đối với lâm trường quốc doanh, trước năm 2004 có 16 đơn vị với tổng diện tích 96.824,85 ha. Từ năm 2003 - 2005 đã xáp nhập 3 lâm trường. Các nông, lâm trường có lịch sử hình thành trải qua nhiều giai đoạn với nhiều chính sách quản lý khác nhau, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp. Phần lớn các nông trường, lâm trường đều có địa hình khó khăn, trong khi phải quản lý quỹ đất lớn, lực lượng mỏng dẫn đến việc đổi mới, phát huy còn nhiều hạn chế.

Tính đến giữa năm 2019, Thanh Hóa có 32 đơn vị là các nông, lâm trường đang hoạt động và sử dụng 196.714,4 ha đất. Nghị định 118/2014/NÐ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng bền vững... Thế nhưng, đến nay tại Thanh Hóa, việc sắp xếp, đổi mới, cũng như hiệu quả sử dụng đất tại các nông trường, lâm trường còn chậm và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hiện trạng sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm của các công ty nông, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng phòng hộ chưa tương xứng tiềm năng. Còn 6 công ty nông, lâm nghiệp chưa trình phê duyệt phương án sử dụng đất nên chưa đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đất đai của các công ty TNHH 1 thành viên đều thực hiện giao khoán ổn định lâu dài cho các hộ công nhân và nông dân trên địa bàn theo Nghị định số 01/NĐ-CP, Nghị định số 135/NĐ-CP của Chính phủ, vì thế khi chuyển chủ sở hữu là công ty TNHH 2 thành viên thì việc giải quyết vấn đề đất đai đối với các hộ này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý quyền, nghĩa vụ hợp đồng giao khoán.

Tại Lâm trường Bá Thước, từ những năm 1990 đã có nhiều phương án thay đổi cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế nhưng không thành công. Đến năm 2000, lâm trường này buộc chuyển giao lại cho Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý với hy vọng thay đổi cục diện. Dẫu vậy, thực tế cũng chẳng có gì khác xưa. Một số hộ gia đình tại xã Điền Quang, huyện Bá Thước đã nhận giao khoán đất lâm nghiệp, với thời hạn 50 năm để khôi phục lại rừng luồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài cây luồng không đem lại hiệu quả kinh tế khiến họ lâm cảnh thua lỗ.

Chấp nhận bị phía công ty chủ quản đất đai xử phạt, nhiều gia đình đã tự ý phá bỏ cây luồng, chuyển sang trồng các loại cây khác với mong muốn nâng cao thu nhập. Dẫn đến, toàn bộ diện tích đất của lâm trường bị chia nhỏ, lẻ và cây trồng không thống nhất. Được biết, hiện Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang cho công nhân thuê lại đất với giá 600.000 đồng/ha/năm, mỗi năm thu tiền một lần. Cách làm này đang khiến dư luận nhầm tưởng thay vì phát huy, đổi mới cách làm, quản lý để phát triển lâm trường theo tinh thần của Nghị định 118, thì đơn vị lại đang làm theo hướng “phát canh, thu tô”.

Có một nghịch lý là, trong khi Lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý 3.442,54 ha đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất không đem lại hiệu quả cao, thì huyện Bá Thước đang thiếu trầm trọng đất sản xuất để bố trí cho người dân; cũng như quỹ đất để tái định cư cho đồng bào vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét và người dân vùng thủy điện Bá Thước phải di dời.

Không chỉ có ở một địa phương, theo thống kê đến tháng 7/2017, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20.914 hộ dân các huyện miền núi thiếu đất sản xuất, tương đương khoảng 39.065 ha. Trong khi, 32 đơn vị là các nông, lâm trường quản lý và sử dụng trên 197.714 ha đất... Sau chuyển đổi, hiệu quả sử dụng đất ở các nông, lâm trường cũng không được cải thiện nhiều, nhưng các đơn vị này lại không muốn bàn giao lại đất cho chính quyền quản lý. Phần đa là giữ lại để cho thuê, trong khi đồng bào miền núi của huyện đang thiếu đất sản xuất trầm trọng.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế là do một số đơn vị chưa quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở, công trình trên đất nhận khoán khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với các công ty trong việc giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên rừng có lúc, có nơi còn để kéo dài, chậm được khắc phục.

Để tăng cường công tác quản lý đất tại các công ty nông, lâm nghiệp, Sở NN&PTNN Thanh Hóa đã đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành việc trình phê duyệt phương án sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp; triển khai thực hiện phương án sử dụng đối với diện tích đất giữ lại và bàn giao về cho địa phương, triển khai đưa quỹ đất vào sử dụng thông qua việc xác định cụ thể đối tượng giao hoặc cho thuê, không để tình trạng tái lấn, chiếm để đất hoang; chú trọng tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]