(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, đồ ăn, thức uống nuôi anh em tôi lớn khôn trong những ngày thơ bé đều là những thứ kiếm được trong lúc cha mẹ đi làm đồng, trong đó có thứ rất khó quên, đó là bát canh tập tàng mẹ nấu.

Nhớ mãi bát canh rau tập tàng ở làng xưa

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, đồ ăn, thức uống nuôi anh em tôi lớn khôn trong những ngày thơ bé đều là những thứ kiếm được trong lúc cha mẹ đi làm đồng, trong đó có thứ rất khó quên, đó là bát canh tập tàng mẹ nấu.

Nhớ mãi bát canh rau tập tàng ở làng xưa

(Ảnh nguồn: Internet)

Những thứ rau dại vừa nhú lên mơn mởn non tơ dưới những trận mưa rào nơi cánh đồng sau vụ gặt. Mẹ thường bảo rau tập tàng ở đây ngon nhất vì nó được nuôi dưỡng bởi gốc rạ mỡ màu và được tắm gội bởi hương vị ngọt ngào của lúa chín.

Nằm xen lẫn với cỏ, từng ngọn tập tàng cố trồi lên hứng lấy nắng, đón lấy gió, đùa giỡn với mưa, ngất ngây với giọt sương đêm, sương mai, âm thầm lớn giữa đêm vàng trăng bạc của đất trời. Theo đám bạn đầu trần, chân đất, tôi hít hà căng lồng ngực mùi thơm của rơm rạ, tận hưởng không khí trong lành ngan ngát hương cỏ, hương rau, hương hoa dại, rồi mải mê nhổ rau. Chao ôi là nhiều rau: rau sam, rau dền cơm, rau cúc, rau dệu, rau muối, chua me.... Tất cả các loài rau ấy hợp lại được gọi bằng cái tên mộc mạc giản dị, dân dã: rau tập tàng. Đem các loại rau nấu canh với mắm tôm hay tép đồng hoặc cá rô nướng thì gọi là canh tập tàng.

Rau muối lá 2 màu: màu xanh phía mặt trên của lá, mặt dưới của lá màu đỏ đậm có nhiều hạt phấn trắng bám khắp mặt lá, mang vị mặn tự nhiên của muối. Rau dền cơm lá mỏng tang, xanh mướt, lá to nhất bằng ngón chân cái, lá nhỏ dần như cái móng tay, trên đầu ngọn chi chít hoa li ti như trứng cáy. Rau cúc lá răng cưa dài như ngón tay màu xanh đậm phơn phớt màu phấn bạc nơi phần ngọn của lá. Rau sam lá nhỏ xíu như cúc áo xanh dày mọng nước, thân màu đỏ nhiều nhánh nằm ép mình xuống đất, hoa vàng mơ nhụy đỏ e ấp bên mép lá.

Rau tập tàng ngắt bỏ phần rễ, nhặt lấy phần non, rửa sạch đem luộc, khi luộc nhớ cho ít muối. Luộc vừa chín tới vớt lên đĩa. Rau tập tàng luộc chấm với mắm tép hoặc mắm cáy ăn với cơm nấu có ghế khoai khô thì ngon biết nhường nào. Rau mềm, ngon con mắt bởi màu xanh ngắt của rau cúc, màu đỏ của rau sam rau muối, thơm vị dịu ngọt của hương đồng quê. Nước rau có vị ngọt dịu mát tự nhiên khác xa với vị ngọt lợ của mỳ chính.

Rau và canh rau tập tàng có đặc điểm dễ kiếm và dễ nấu. Ở thôn quê chỉ cần đi ra đồng, ra nương ra bãi, hay ra vườn nhà đi một vòng trong tay đã có được nẹn rau tập tàng. Thứ này không đòi hỏi chế biến cầu kỳ, ngược lại rất đơn giản và dễ nấu, ai nấu cũng được. Dễ nấu nhưng ăn rất ngon lành, bổ mát, ăn nhiều lần không chán, chỉ cần thêm hoặc bớt đi một hai loại rau người ăn lại có cảm giác ngon như lần đầu mới được ăn thứ rau và loại canh này.

Khi xưa buổi “cơm cao gạo kém”, gặp khi mùa màng thất bát nhà nghèo thường lấy rau tập tàng độn với gạo nấu cháo ăn cho qua bữa.

Hôm nay với những người phụ nữ hiện đại họ chẳng còn nấu rau và canh rau tập tàng nữa, chỉ nơi thôn dã rau và canh rau tập tàng vẫn còn mãi như luỹ tre, bến nước sân đình, mái nhà gỗ thân thuộc ấm áp nghĩa tình.

Thời gian trôi qua, anh em chúng tôi lớn lên theo năm tháng mùa màng, còn mẹ tôi thì đã già. Những buổi trời nóng nực mẹ chẳng đòi hỏi gì chỉ dặn cô con dâu nấu cho nồi canh tập tàng ăn cho mát ruột.

Tôi biết ơn mẹ, ơn những đĩa rau, bát canh tập tàng nuôi anh em tôi khôn lớn, dẫu đi đâu về đâu, tôi nào quên được quê, quên được rau tập tàng mẹ nấu.

Hữu Ngôn


Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]