(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp vẫn duy trì vai trò nòng cốt của kinh tế hộ, tức lấy người nông dân làm trọng tâm. Song để phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay, quan điểm lấy doanh nghiệp làm trọng tâm đang được xem là phương án “gỡ nút thắt” cho ngành nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những dự án nông nghiệp bị ‘lãng quên’ (Bài cuối): Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm

(VH&ĐS) Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp vẫn duy trì vai trò nòng cốt của kinh tế hộ, tức lấy người nông dân làm trọng tâm. Song để phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay, quan điểm lấy doanh nghiệp làm trọng tâm đang được xem là phương án “gỡ nút thắt” cho ngành nông nghiệp.

Tăng cường tích tụ ruộng đất thu hút doanh nghiệp

Vấn đề được nhắc lại nhiều lần trong quá trình thu hút đầu tư vào nông nghiệp đó là quá trình tích tụ ruộng đất. Đối với Thanh Hóa, tuy diện tích đất nông nghiệp lớn, đa dạng loại hình song cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, manh mún và nhỏ lẻ. Dễ hình dung hơn, để có khoảng 10ha tập trung cho một dự án, phải có sự đồng thuận của khoảng 500 hộ nông dân. Từ đó nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ hạn điền để mở rộng đường cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đến nay đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Tính đến 1/1/2017, đất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa chiếm hơn 82% tổng diện tích đất tự nhiên với 912.280,05 ha. Trong đó, diện tích đất đã giao sử dụng là 911.891,79 ha, diện tích đất đã giao UBND cấp xã quản lý là 388,25 ha. Sau khi thực hiện giao đất, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 3/9/1998 về thực hiện cuộc vận động dồn điền đổi thửa, tập trung sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch và xây dựng phương án thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 14 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 6.146 ha.

Được biết, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đang hoàn thiện “Đề án tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo”. Theo đề án này, ngoài việc phân tích thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh và thực trạng thu hút doanh nghiệp còn thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu trong việc tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh và đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách.

(Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chung của nền nông nghiệp. Ảnh: N.D)

Manh nha những dự án lớn thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp

Quay lại với chuỗi các dự án đang dần bị “lãng quên” đã đề cập trong các bài báo trước, có ý kiến cho rằng ngành nông nghiệp cần quan tâm tới hàng hóa thị trường cần thay vì chỉ chú trọng hàng hóa mình có. Thực tế, trong khi các dự án này dần trở nên “lạc hậu” thì có hàng loạt dự án khác đang được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư. Trong đó có thể kể tới một loạt các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao (Công ty TNHH hai thành viên bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa); Dự án chăn nuôi bò Úc (Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước); Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp (Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm Yên Mỹ); Nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước); Dự án sản xuất rau an toàn, rau cao cấp; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, chăn nuôi lợn thịt (Công ty TNHH hai thành viên FLC Lam Sơn)… Trong số này có những dự án tổng mức đầu tư lên tới 3.800 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất hơn 1.300 ha. Với những dự án quy mô lớn như thế, diện mạo, tính chất ngành nông nghiệp Thanh Hóa dần thay đổi.

Thời gian qua, UBND tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, địa phương cấp huyện, đặc biệt Sở NN&PTNT với vai trò là ngành chủ quản đã và đang thực hiện nhiều chương trình, giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp quy mô lớn như: Xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới mía mặt ruộng; khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Đồng thời, với mục tiêu 3.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017, Thanh Hóa cũng chú trọng tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đó cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang diễn ra, để tạo nên sức bật mới và để không còn những dự án bị “lãng quên” do không kêu gọi được đầu tư!

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]