(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Năm 2016 cùng xu thế chung của cả nước, môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa ghi nhận những cải thiện đáng kể. "Thảm đỏ" dài, rộng hơn, thuận lợi hơn để đón các nhà đầu tư. Và thành tựu trong phát triển KT-XH là kết quả cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực cao, thành tựu lớn

(VH&ĐS) Năm 2016 cùng xu thế chung của cả nước, môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa ghi nhận những cải thiện đáng kể. "Thảm đỏ" dài, rộng hơn, thuận lợi hơn để đón các nhà đầu tư. Và thành tựu trong phát triển KT-XH là kết quả cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Vươn tới những chuẩn mực quốc tế

Cùng cả nước vươn tới những chuẩn mực quốc tế trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, trên nền tảng Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/6/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015.

Nhìn lại 6 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều bước đi, nhiều tiến trình và cũng nhiều kết quả đáng mừng được ghi nhận, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Các lĩnh vực tuyên truyền, quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính cũng như các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư... đều được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Vấn đề hàng đầu mà các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư vào một tỉnh, một địa phương đó là lợi ích đem lại từ cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư cũng như nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... Hiểu được điều đó, việc trải "thảm đỏ" đón nhà đầu tư ở tỉnh Thanh Hóa được thực hiện từng bước theo lộ trình. Trong 5 năm từ 2011 - 2015 đã có 213 dự án quy hoạch được phê duyệt như các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng các khu đô thị... Cũng trong 5 năm, tỉnh đã ban hành 18 chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều chính sách trong số đó được các nhà đầu tư hoan nghênh và đóng góp thiết thực vào thu hút đầu tư của tỉnh.

(Ảnh: Lê Hợi)

Nguồn nhân lực được quan tâm nâng cao về chất lượng, số lượng, đủ đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn. Tính đến hết năm 2015, số lao động qua đào tạo của tỉnh đã được nâng lên 55%, ngành nghề đào tạo được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế. Nguồn lao động dồi dào và từng bước được chuẩn hóa đã và đang là điểm mấu chốt thu hút các nhà đầu tư nhất là những ngành cần nhiều lao động như may mặc, giày da... bước chân vào thị trường Thanh Hóa.

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Thể chế quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm dần được hoàn thiện. Tỉnh đã rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, tăng cường áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời công bố công khai quy trình, thủ tục hành chính và quy định “3 không” (không phiền hà sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc và không trễ hẹn) trong xử lý công việc cho tổ chức, công dân; đề cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm lời nói phải đi đôi với việc làm. Các cấp, ngành cũng kiên quyết rà soát, chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các sự cố môi trường; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra không gây chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp... Tất cả đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, tạo được sự hài lòng đối với các nhà đầu tư.

Ngoài đổi mới, cải thiện về thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh cũng chú trọng công tác đối ngoại nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác, tìm nhà đầu tư. Những năm qua, mối quan hệ của Thanh Hóa với các tổ chức tài chính quốc tế, Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam và một số tỉnh, thành trong cả nước được củng cố và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn đầu tư vào Thanh Hóa. Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã có các chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, Ấn Độ, một số nước Tây Âu; gặp gỡ doanh nghiệp Hàn Quốc, phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch tại TP Hồ Chí Minh... Qua đó đã quảng bá mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế và sức hấp dẫn của thị trường Thanh Hóa đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Với tinh thần mở cửa, hội nhập, hoạt động đối ngoại này góp phần thiết thực tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư giữa các bên.

Thay đổi diện mạo quê hương

Với những nỗ lực trên, nhìn lại 6 năm thực hiện Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh đã thấy có nhiều chuyển biến rõ nét trong môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Từ 2011 đến hết năm 2015, toàn tỉnh thu hút được 414 triệu USD vốn ODA, 50 triệu USD vốn tài trợ của các Tổ chức phi chính phủ; 705 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 32 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 132 nghìn tỷ đồng và 12,57 tỷ USD (riêng dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD). Ngoài ra, còn có 34 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn thêm 3,065 tỷ USD. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 327 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ. Nhiều dự án đầu tư quan trọng thuộc lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, hạ tầng có tác động lan tỏa lớn đã và đang triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu hút đầu tư vào tỉnh.

Dự án cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương đang góp phần cải thiện diện mạo du lịch Sầm Sơn.

Những năm qua số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng nhanh đáng kể. Cụ thể, trong 5 năm (2011 - 2015), có tới 5.358 doanh nghiệp ra đời với số vốn đăng ký 22.552 tỷ đồng, gấp 1,5 lần về số doanh nghiệp và 1,4 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn trước đó. Lũy kế đến năm 2015, có 7.719 doanh nghiệp đang hoạt động.

Riêng năm 2016, tính đến 30/11, có 199 dự án được chấp thuận đầu tư. Trong đó có 11 dự án FDI, so với cùng kỳ tăng 84 dự án và gấp 2,2 lần vốn đăng ký. Một số dự án quy mô lớn có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế như: Dây chuyền 2 xi măng Long Sơn, quần thể du lịch cao cấp Bến En, sản xuất máy kéo hạng trung, tái chế chất xúc tác thải tại KKT Nghi Sơn, xử lý rác thải sinh hoạt tại TP Thanh Hóa... Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt hơn 125 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ. Trong năm đã đưa vào sử dụng một số dự án quan trọng như: Dây chuyền 1 xi măng Long Sơn; dự án cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương (TX Sầm Sơn); Đại lộ Nam Sông Mã (giai đoạn 1); khu hàng không dân dụng, Cảng Hàng không Thọ Xuân...

Năm 2016, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Sungroup đầu tư dự án du lịch Bến En với số vốn trên 5 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Trần Đàm)

Từ những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, chỉ số PCI của tỉnh (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trên bảng xếp hạng cả nước trong các năm qua đã tăng cao. PCI của Thanh Hóa đứng thứ 38 cả nước (năm 2006) đã vượt lên và lọt tốp 10 cả nước từ năm 2015, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

Kết quả này đã phản ánh sự tác động tích cực của những chủ trương, chính sách và hiệu quả chỉ đạo điều hành của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, là đòn bẩy thuận lợi cho Thanh Hóa thực hiện các mục tiêu lớn hơn.

Nguyên Mai

Ông Đoàn Thế Minh - Phó Giám đốc Co.opmart Thanh Hóa

Thanh Hóa được biết đến là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Hiện có nhiều công ty bán lẻ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và đầu tháng 12 vừa rồi có thêm siêu thị điện máy Nguyễn Kim, sắp tới có thêm sự ra đời của Vincom hứa hẹn tạo ra thị trường bán lẻ sôi động, nhiều sự cạnh tranh và cũng nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng của Thanh Hóa đang ngày càng hoàn thiện, các thủ tục hành chính được tinh gọn, cơ chế, chính sách được tỉnh hỗ trợ phần nào vì thế thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh.

Co.opmart, đã 4 năm đứng chân trên thị trường Thanh Hóa. Ngay từ khi có mặt và phát triển ở Thanh Hóa, Co.opmart luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cấp, ngành của tỉnh.

Ông Đỗ Đình Hiệu - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa

Thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến rất rõ nét. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, qua theo dõi và làm việc trực tiếp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ghi nhận những phản hồi khá tích cực từ các doanh nghiệp. Đặc biệt, trên tinh thần cải tiến mạnh mẽ, thông qua việc ban hành các văn bản, quy định phù hợp hơn với thực tiễn, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới đất đai còn chậm, công tác thu hồi đất còn kéo dài, do đang tồn tại nhiều bất cập và chồng chéo giữa Luật Đầu tư với Luật Nhà ở hay với Luật Đất đai nên doanh nghiệp khó tránh khỏi vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình dự án...

Để giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, tỉnh ta đã tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nắm bắt khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Đơn cử như chuyển biến trong việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, khâu mà doanh nghiệp vướng nhiều nhất trong quá trình đầu tư đã được tháo nút thắt, đây là những tín hiệu rất đáng mừng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Bà Phạm Hoài Thương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Eagle Thanh Hóa

Thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư vào ngành du lịch. Nhiều dự án lớn đã đầu tư, tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Đặc biệt với việc vào cuộc quyết liệt nhằm đổi mới môi trường du lịch như: Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch biển; phát triển thị trường - sản phẩm du lịch biển; tăng cường giao lưu, xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng chiến lược tuyên truyền nhằm phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực... nhận thức, tư duy của người dân làm du lịch đã có sự thay đổi. Điều này được thể hiện qua việc TX Sầm Sơn đã thực hiện tốt “9 có, 9 không”, như: Có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện và trung thực; có đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; có môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; có trang phục lịch sự, đúng quy định; có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; có hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, số lượng; có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nhờ sự đổi mới về cách làm du lịch nên du khách đến với Thanh Hóa trong 2 năm gần đây tăng đột biến. Phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng tạo việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH.

Ông Lê Tiến Đại - Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Xây dựng và Thương mại Thành Đạt

“Trong những năm gần đây môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa đã phát triển mạnh và có sự thay đổi khá tích cực. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn và các nước ngày càng được củng cố, mở rộng; thu hút đầu tư đạt được kết quả tích cực. Nhiều dự án đầu tư quan trọng thuộc lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, hạ tầng có tác động lan tỏa lớn, đã và đang được triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Với những thuận lợi như trên, Công ty CP Kiến trúc Xây dựng và Thương mại Thành Đạt trong quá trình thành lập và hoạt động cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích đầu tư và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên để nền kinh tế xã hội của tỉnh ngày một phát triển lên tầm cao hơn thì việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn cần được triển khai. Các doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh và đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]