(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, trên cơ sở định hướng nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thể chế hóa, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, tạo nên những bước tiến đột phá trên tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ

Những năm qua, trên cơ sở định hướng nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thể chế hóa, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, tạo nên những bước tiến đột phá trên tất cả các ngành, các lĩnh vực.

TP Thanh Hóa đang được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại.

Đột phá trong từng ngành, từng lĩnh vực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá trong phát triển KT-XH. Dựa trên những định hướng rõ ràng đó, ngành nông nghiệp tập trung vào tái cơ cấu. Căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương, năm 2019 tỉnh chỉ đạo mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 1 mô hình tích tụ, tập trung đất đai; phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung tăng thêm 20.400 ha. Hiện toàn tỉnh có 915 doanh nghiệp và 604 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều dự án quy mô lớn đang được triển khai như: Dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai, nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis...

Trong công nghiệp, tỉnh đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất sản phẩm mới, có hàm lượng công nghệ cao như: sản phẩm sau lọc hóa dầu, ô tô, plastic, cơ khí, thiết bị điện, linh kiện và thiết bị điện tử... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Ngày 7/12/2018 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định mở rộng quy hoạch KKT Nghi Sơn từ 18.600 ha lên 106.000 ha đồng thời các quy hoạch chi tiết khu chức năng cũng được lập. Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành và cho ra sản phẩm thương mại trở thành điểm nhấn trong giai đoạn phát triển vừa qua. Tính đến nay KKT Nghi Sơn đã thu hút được 214 dự án (20 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 110.256 tỷ đồng và 13.28 tỷ USD. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến 2025, đưa KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển của cả nước với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn về lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, cơ khí chế tạo, chế biến hàng xuất khẩu... gắn với khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành trung tâm cảng biển, dịch vụ thương mại cùng với các KĐT hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Cảng Hàng không Thọ Xuân.

Cùng với sự phát triển của KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa cũng huy động các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư hoàn thiện các công trình ngoài hàng rào KCN Hoàng Long, Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng, đảm bảo tính kết nối giữa các KCN với các vùng kinh tế động lực trong và ngoài tỉnh. Các khu công nghiệp hiện nay thu hút được 359 dự án (32 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 20.031 tỷ đồng và 369 triệu USD.

Đặc biệt, Thanh Hóa chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Năm 2017, TX Sầm Sơn được công nhận là thành phố. Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC giai đoạn 1 và 2, tổng mức đầu tư 11 nghìn tỷ đồng đã làm thay đổi lớn diện mạo của đô thị du lịch này. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư khác như: dự án quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí cao cấp Bến En... hứa hẹn mở ra nhiều bước đi mới cho du lịch. Số lượt khách bình quân hằng năm tăng 14%, doanh thu tăng 29,5%. Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đón 8,25 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 10.625 tỷ đồng.

Trong ngành dịch vụ, nổi bật hơn cả là sự phát triển nhanh của vận tải hàng không, số lượt khách hằng năm tăng bình quân 10%. Tại Cảng Hàng không Thọ Xuân, hiện có 4 hãng hàng không đang khai thác ổn định 8-9 chuyến/ngày.

Tạo nên sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp, nhu cầu vốn cho phát triển KT-XH lại rất lớn, những năm qua Thanh Hóa đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xúc tiến đầu tư.

Năm 2017, Thanh Hóa tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô cấp quốc gia, tổng vốn đăng ký đạt 6,3 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Đồng thời, đề án huy động thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP giai đoạn 2017 - 2020 được xây dựng đã tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cần nguồn vốn lớn, cấp bách.

Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm (2016 - 2018) đạt 327.849 tỷ đồng, gấp 1,3 lần giai đoạn 2013 - 2015.

Với hướng đi trên, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011 - 2020 ước tăng 10,8%; trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 8,1%, giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 13,6 %. Quy mô kinh tế năm 2020 ước đạt 140.432 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2010, cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Một góc Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Nhiều dự án sản xuất, hạ tầng lớn đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng có vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh như: Nhà máy LHD Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Long Sơn (dây chuyền 2), Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn; đại lộ Nam Sông Mã (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 217 (giai đoạn 1); Khu hàng không dân dụng Cảng Hàng không Thọ Xuân; Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (giai đoạn 1); đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh các bến cảng số 3,4,5 Nghi Sơn...

Ngoài ra còn có hàng loạt các dự án quy mô lớn đang triển khai thực hiện, gồm: 6 dự án cảng biển với tổng vốn đầu tư 17.058 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; tổng vốn đầu tư 60.750 tỷ đồng; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn giai đoạn 1 tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng; khu đô thị mới trung tâm TP Thanh Hóa của Tập đoàn VinGroup tổng vốn đầu tư 11.623 tỷ đồng; Khu đô thị du lịch sinh thái FLC - giai đoạn 2 tổng vốn đầu tư 4 nghìn tỷ đồng...

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, nguồn vốn đầu tư được huy động ở mức cao đã tác động mạnh mẽ đến Thanh Hóa giai đoạn vừa qua đặc biệt là những năm gần đây. Quý I năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 24,8%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 28.805 tỷ đồng, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Một số dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn trước nay đi vào vận hành đã tạo nên nguồn nội lực mạnh mẽ để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, triển khai thêm nhiều dự án quy mô tầm cỡ. Từ những cái “nhất” so với chính mình ở giai đoạn trước, Thanh Hóa dần trở thành một trong những trung tâm kinh tế của vùng và tiến tới là của cả nước.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]