(vhds.baothanhhoa.vn) - Giá điện tăng, các mặt hàng tiêu dùng khác không loại trừ khả năng tăng giá theo, khiến doanh nghiệp, người dân canh cánh một nỗi lo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo giá điện tăng

Giá điện tăng, các mặt hàng tiêu dùng khác không loại trừ khả năng tăng giá theo, khiến doanh nghiệp, người dân canh cánh một nỗi lo.

Người dân lo lắng khi giá điện tăng.

Sau khi Chính phủ chấp thuận phương án điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, từ ngày 20/3/2019 Bộ Công thương đã điều chỉnh giá bán lẻ điện trong cả nước với mức tăng 8,36% ( từ 1.720 đồng/Kwh lên 1.864Kwh). Điều đó đồng nghĩa, các doanh nghiệp, người dân, lao động, sinh viên... có những mối lo nhất định cho các khoản chi phí.

Trong vài năm trở lại đây, mặc dù đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, song không vì thế người tiêu dùng có lý do vui mừng khi giá điện tăng.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, khai thác... đang có chung lo lắng khi chi phí đầu vào tăng, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, người dân cũng có lý do để lo lắng khi giá các mặt hàng tiêu dùng có khả năng tăng trong thời gian tới.

Nghe tin tăng giá điện, nhiều công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp Lễ Môn (P. Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa) ở trọ không khỏi lo lắng. Họ lo chủ nhà trọ có thể tăng giá điện hoặc tăng tiền thuê phòng trọ.

Chị Nguyễn Thị H., (công nhân thuê trọ cạnh khu CN Lễ Môn), cho hay, mặc dù chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng, cộng thêm chi phí chiếu sáng, bơm nước. Nếu thu sai hoặc cao hơn giá quy định sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, các chủ nhà họ vẫn lách luật để thu cao giá điện, phần lớn công nhân trong khu nhà trọ đều đi làm cả ngày nên không ai để ý tới.

Một doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn xã Hà Tân (Hà Trung) chia sẻ: “Ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn, hàng hóa bán chậm, trong khi hàng tháng ngoài tiền lãi suất ngân hàng, đơn vị cũng phải trả rất nhiều chi phí phát sinh, trong đó phải kể đến tiền điện”.

Còn tại khu làng nghề chế biến đá mỹ nghệ (xã Vĩnh Minh và Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc), với diện tích sử dụng 13,38 ha, cùng hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh doanh nhỏ lẻ. Do hoạt động liên quan nhiều đến máy móc, trang thiết bị, trung bình lượng điện tiêu thụ tại đây khá lớn.

Theo quan sát, hầu hết các cơ sở này có lượng công nhân đông, máy móc nhiều, mỗi phân xưởng có trạm biến áp riêng. Để người lao động yên tâm sản xuất, vào mùa nắng nóng, chủ cơ sở đều bố trí lượng lớn quạt mát, chưa kể số máy xẻ, máy cưa “ngốn” rất nhiều điện.

Chủ một cơ sở chế biến đá mỹ nghệ xã Vĩnh Thịnh cho biết, vẫn biết giá điện tăng chung cho cả nước, song không vì thế đơn vị hoạt động cầm chừng chờ giá điện giảm mới hoạt động mạnh. Trước mắt doanh nghiệp tiến hành nhiều biện pháp như tiết kiệm điện năng, áp dụng nhiều giải pháp tăng năng suất lao động, hạn chế sản xuất các giờ cao điểm, đầu tư cải tiến công nghệ máy móc...

Giá điện tăng, trước mắt các doanh nghiệp phải mất thêm những chi phí không hề nhỏ cho tiền điện hàng tháng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản...

Cũng theo lời chủ một xưởng cơ khí đóng trên địa bàn P. Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) mọi dây chuyền sản xuất tại đây chủ yếu sử dụng điện, do đó nếu giá điện tăng, chi phí không hề nhỏ. Để không tăng giá sản phẩm, cơ sở buộc phải điều chỉnh, giảm các chi phí khác để cân đối.

Ông Đỗ Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), tâm sự: “Công sở của xã hiện có 21 chức danh, do ngân sách chi trả tiền điện hàng tháng tăng cao, hiện các phòng làm việc chỉ lắp quạt trần, chưa phòng nào lắp điều hòa. Trung bình hàng tháng đơn vị phải chi trả từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng tiền điện. Đó là chưa kể mùa hè”.

Lãnh đạo chi nhánh điện lực huyện Hậu Lộc bộc bạch: “Bên cạnh việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, chống quá tải cho các máy biến áp các xã trên địa bàn, sửa chữa thường xuyên lưới điện hạ thế quá tải, kém chất lượng, điện lực Hậu Lộc cũng tăng cường tuyên truyền, vận động bà con áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng sắp tới”.

Còn đại diện chi nhánh điện lực huyện Đông Sơn cho rằng, hơn 2 năm (kể từ 2016) ngành điện mới tăng giá một lần. Đông Sơn hiện có hơn 100 khách hàng là các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, khách hàng còn lại tập trung là người dân, cơ quan hành chính...

Nhằm tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng khi giá điện tăng, điện lực Đông Sơn cũng triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm điện đến từng hộ gia đình, khu phố, công sở, vận động người dân tham gia bảo vệ an toàn công trình lưới điện...

Giá điện tăng không chỉ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, còn tác động không hề nhỏ đến đời sống người lao động vốn hàng ngày tiết kiệm từng đồng để trang trải cuộc sống. Bởi thế, khi có sự điều chỉnh tăng giá điện, nỗi lo ấy ngày một lớn hơn.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]