(vhds.baothanhhoa.vn) - Cây cói đâu chỉ gắn liền với đời sống kinh tế, tự bao giờ nó đã trở thành một biểu tượng của mảnh đất, con người cần lao của vùng đất ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa). Đã có những giai đoạn cây trồng này mang lại một cuộc sống thực sự no đủ cho người dân. Gần hai thập kỷ, dù có nhiều thăng trầm với cây cói và sản phẩm từ cói nhưng người nông dân và doanh nghiệp trồng cói nơi đây vẫn không ngừng hi vọng tìm được thị trường lớn, ổn định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển cây cói truyền thống Nga Sơn (Bài 1): Tự hào cây ‘đặc sản’ của một vùng đất

Cây cói đâu chỉ gắn liền với đời sống kinh tế, tự bao giờ nó đã trở thành một biểu tượng của mảnh đất, con người cần lao của vùng đất ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa). Đã có những giai đoạn cây trồng này mang lại một cuộc sống thực sự no đủ cho người dân. Gần hai thập kỷ, dù có nhiều thăng trầm với cây cói và sản phẩm từ cói nhưng người nông dân và doanh nghiệp trồng cói nơi đây vẫn không ngừng hi vọng tìm được thị trường lớn, ổn định.

Ngược thời gian

Chúng tôi tìm về xã Nga Thanh (Nga Sơn) một trong ít địa phương hiện còn duy trì diện tích trồng cói lớn nhất của huyện với 6/7 thôn trồng cói. Sau đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua, một số hộ dân của xã đã trắng tay vì thu hoạch cói về nhà mà không phơi được, khiến cói bị hỏng hoàn toàn. Loại cây này, sống ở nơi vùng trũng ven biển nhưng khi đã thu hoạch thì chỉ ưa nắng, gió.

Còn nhớ giai đoạn trước năm 1990 (thời điểm Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã), với sức hút của thị trường ngoài nước, sản phẩm từ chiếu cói ở đây thậm chí còn không đủ cho nhu cầu. Dù không phải địa phương duy nhất trồng cói nhưng Nga Sơn là vựa cói lớn nhất nước và sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã chinh phục phần đông khách hàng. Nhiều gia đình trồng cói, làm cói đã khấm khá, giầu có lên từ cói. Vậy nên người ta nâng niu, trân quý cây cói như một báu vật mà tạo hóa đã ban tặng cho những giải đất mặn phù sa ven biển. Giống cói cũng lạ, trong khi nhiều cây trồng không thể thích nghi, thì cói lại đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng phù sa mặn ven biển. Có lẽ bởi vậy mà mà tự ngàn đời qua, đây vẫn là cây trồng độc canh duy nhất ở vùng đất này.

Nhưng bây giờ, những khung cửi đã nguội lạnh, xưởng sản xuất cũng chỉ cầm chừng. Và niềm tự hào về thứ cây trời cho cũng dừng lại ở nguyên liệu cói sau thu hoạch. Còn sau đó, cói đi đâu, về đâu, làm gì thì hình như nó không khiến nhiều người phải bận tâm.

Tiếng rao “Ai chiếu Nga Sơn” hẳn đã từng là thanh âm quen thuộc ở nhiều vùng quê không chỉ ở xứ Thanh. Người ta dành niềm tin, sự kỳ vọng cho những sản phẩm mang thương hiệu “chiếu Nga Sơn”. Nhưng bây giờ, nó cũng chỉ là thứ thanh âm đã từng quen.

Nga Thanh là địa phương mà nông nghiệp chủ yếu thuần độc canh cây cói. Với tổng diện tích trồng cói đến thời điểm hiện tại còn trên 122 ha, năng suất 7 tạ/ sào mỗi năm (thu hoạch hai vụ). Và giá thành trung bình 10 nghìn đồng/kg thì dễ nhận ra giá trị đã gần gấp đôi so với trồng lúa. Tuy vậy, diện tích, sản lượng cói qua mỗi năm của địa phương vẫn đứng trước nguy cơ suy giảm. Và Nga Thanh cũng không phải địa phương duy nhất đối mặt với tình trạng này.

Theo thống kê, hiện trên toàn huyện Nga Sơn có khoảng 810 ha diện tích cói thâm canh cho thu hoạch, diện tích này đã giảm gần một nửa so với 1.500 ha diện tích trồng cói ngày trước. Và hiện tại, vẫn đang có xu hướng giảm khi ở nhiều địa phương người dân đã và đang chuyển đổi mục đích sản xuất sang mô hình kinh tế khác.

Sản phẩm cói Nga Sơn là mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.

Âm thầm sản xuất, lặng lẽ giữ gìn

Khi Liên Xô sụp đổ và các nước Đông Âu tan rã được xem là thời điểm đánh dấu sự suy thoái của cây cói Nga Sơn. Bởi đây được xem là thị trường trọng điểm của sản phẩm cói Nga Sơn ở thời điểm hiện tại. Hàng trăm tấn hàng vẫn chưa kịp xuất đi phải nằm lại kho mòn mỏi. Người nông dân điêu đứng vì sản phẩm thu hoạch không ai mua. Loay hoay chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc được xem là một lối thoát lúc bấy giờ. Song, đây vốn dĩ là thị trường lớn nhưng không ổn định. Lúc lên, lúc xuống không thể biết trước để dự tính. Nó khiến cho hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đã phải nhiều phen lao đao.

Cùng với đó là sự ra đời, cạnh tranh của những sản phẩm: chiếu nhựa, chiếu trúc, đệm… khiến cho chiếu cói mất dần thị trường. Người ta gọi đó là thời kỳ “đen tối” của cây cói Nga Sơn.

Sau những thăng trầm, biến động của thị trường, đến thời điểm hiện tại cây cói và sản xuất cói ở Nga Sơn được đánh giá là đã tạm đi qua giai đoạn khủng hoảng. Song vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.

Tìm hiểu kỹ về loại cây này mới thấu hiểu phần nào sự vất vả của người nông dân trồng cói. Vốn được xem là thứ cây tự nhiên, tự sinh ra, bởi vậy dù hàng trăm năm đã trôi qua, cây cói vẫn cứ phát triển tự nhiên như vậy, không thể lai tạo ra giống mới cho năng suất cao dù đã có không ít các nhà khoa học, người nông dân tâm huyết với câu chuyện này. Cùng với đó, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng đang là thách thức. Với đặc tính của những cánh đồng cói, đến thời điểm hiện tại tất cả các công đoạn từ làm đất, trồng cói, chăm sóc, thu hoạch đều phải làm thủ công, mất rất nhiều công sức. Phải chăng vì vậy nên dù giá thành cói có cao hơn trồng lúa song vẫn không khiến người nông dân mặn mà với loại cây truyền thống này.

Không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định cũng là một rào cản khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thu mua cói hiện nay. Thay vì làm thành phẩm chiếu cói như trước kia thì hiện nay, phần lớn cói được thu mua dưới dạng nguyên liệu và xuất bán theo con đường tiểu ngạch chủ yếu cho thị trường Trung Quốc. Anh Mai Sĩ Quyết, chủ cơ sở thu mua nguyên liệu cói đóng trên địa bàn xã Nga Thanh cho biết: Ở thời điểm hiện tại, tất cả nguyên liệu cói cùng những phụ phẩm từ cói của người dân địa phương và các xã lân cận đều được cơ sở thu mua hết với giá thành khá cao. Tuy nhiên để nói về sự ổn định trong thời gian tới thì quả thật phải phụ thuộc rất nhiều vào thị trường đối tác Trung Quốc.

Sự thiếu ổn định của thị trường bên kia biên giới phía Bắc không phải là điều mới xuất hiện. Bà Trần Thị Việt - Giám đốc doanh nghiệp Việt Trang (thị trấn Nga Sơn) từng làm việc với đối tác Trung Quốc cho biết: Thị trường Trung Quốc rất lớn và tiềm năng song ẩn chứa không ít nguy cơ về sự ổn định. Bởi vậy, làm việc với họ phải hết sức cẩn thận và nên luôn có phương án dự phòng.

Suy giảm diện tích cói, khó khăn trong sản xuất, tìm kiếm đầu ra, thị trường ổn định cho sản phẩm hiện đang là trở ngại, thách thức với người nông dân doanh nghiệp. Vậy nhưng, đó không phải là bài toán không tìm được lời giải. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ liệu người ta có sẵn sàng tìm kiếm con đường mới?

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]