(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, ngày 24/4/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND về phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại 12 huyện phục vụ cho Nhà máy Sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển vùng nguyên liệu gai xanh: Hướng đi mới cho người nông dân

Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, ngày 24/4/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND về phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại 12 huyện phục vụ cho Nhà máy Sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo tìm hiểu chúng tôi, Dự án Nhà máy Sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) có công suất 10.000 cọc sợi/năm, tổng mức đầu tư 627,9 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2016, do Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước, Hà Nội (gọi tắt là Công ty An Phước - PV) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai, nhằm cung cấp các sản phẩm sợi, dệt cho ngành dệt may, góp phần thực hiện các mục tiêu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Để phát triển vùng nguyên liệu, ngày 26/5/2018, Công ty An Phước phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Cẩm Thủy tổ chức công bố Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được triển khai trên địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa với diện tích là 3.457 ha, đến năm 2025 diện tích phát triển lên 6.457 ha, với năng suất toàn vùng bình quân 110 tấn gai tươi/ha/năm, tổng sản lượng 700.000 tấn gai tươi/năm (bao gồm thân, vỏ, lá). Diện tích và sản lượng nói trên sẽ được giữ ổn định đến năm 2030.

Cây gai xanh đang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Cẩm Thủy.

Cẩm Thủy được xác định là vùng trọng điểm trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, khuyến khích các hộ dân liên kết góp ruộng, tạo thành vùng sản xuất lớn để trồng cây gai xanh theo quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Tính đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 60 ha cây gai xanh, chủ yếu là giống AP1. Tập trung chủ yếu tại các xã Cẩm Tú, Cẩm Quý...

Trên con đường bê tông dẫn vào xã Cẩm Tú, chúng tôi dễ dàng nhận ra những cây gai xanh đã phủ kín những sườn đồi, hình ảnh người dân cười nói vui vẻ tay thoăn thoắt khi thu hoạch những vỏ cây gai xanh. Ghé vào thăm vườn gai xanh của gia đình anh Nguyễn Đình Hùng, đội 8, xã Cẩm Tú, chúng tôi được biết: Trước đây anh đi làm thuê ở xa. Năm 2016 khi nghe tin huyện Cẩm Thủy có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, anh quyết định về quê lập nghiệp. Thông qua sự đấu mối của chính quyền địa phương, anh được Công ty An Phước cung cấp giống trồng cây gai, phân bón, hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng 3 triệu. Theo đó, gia đình anh và công ty ký hợp đồng 5 năm, được hỗ trợ trồng cây gai xanh trên diện tích 0,67 ha. Nhờ kiên trì chăm sóc nên các ruộng cây gai xanh đều phát triển tốt, mỗi năm anh thu hoạch được 4 vụ, mỗi vụ 2 tấn/sào, thu nhập bình quân khoảng 70 triệu/năm. Theo anh Hùng, trồng cây gai xanh AP1 không mất nhiều công chăm sóc, cây sinh trưởng phát triển rất tốt, sau 3 tháng trồng, cây cho thu hoạch lần 1. Sau đó chặt sát gốc để cây mọc lại. 45 ngày sau, cây cho thu hoạch vụ thứ 2. Sản lượng của đợt thu sau sẽ cao hơn nhờ cây phát triểnnhanh, đẻ nhánh khỏe. Giá trị thu nhập cao gấp 2,5 lần so với canh tác các cây trồng truyền thống. Cây gai xanh AP1 có điểm mới và khác biệt so với các loại cây trồng lấy sợi khác đó là: Trồng một lần thu hoạch 10 năm, mỗi năm thu được từ 4 - 5 lứa.

Rời Cẩm Thủy, chúng tôi về xã Tân Phúc (Lang Chánh), tìm đến gia đình anh Mai Xuân Thao, thôn Tân Thủy, có 1 ha trồng cây gai xanh. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh của gia đình anh phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Trong màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng gai xanh, anh Thao nhớ lại: "Khi được cán bộ xã vận động, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân ở đây đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất bãi cao, đất màu đồi thấp, vườn nhà, đất ruộng cao hạn để trồng cây gai xanh".

Đầu năm 2018, huyện Lang Chánh đã phối hợp với Công ty An Phước trồng thử nghiệm trên 16 ha cây gai xanh tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương, Quang Hiến. Công ty hỗ trợ giống, phân bón bằng hình thức vay trả chậm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Huyện Lang Chánh hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia tham gia trồng cây gai xanh tập trung, với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/1 ha.

Ông Lương Văn Phúc - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lang Chánh, cho biết: Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ cây gai xanh nên huyện Lang Chánh đang tiến hành mở các lớp tập huấn cho nhân dân nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh, bảo đảm có năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh. Tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết, thành lập hợp tác xã cây gai xanh, phấn đấu đến năm 2030, huyện trồng được trên 450 ha, góp phần nâng cao đời sống của người dân, và công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Được biết, ngày 17/10, tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty An Phước đã khánh thành Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã nhấn mạnh: Khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động thì nhu cầu về nguyên liệu là rất lớn, đây là yếu tố sống còn để nhà máy phát triển, phát huy hết công suất thiết kế. Sở NN&PTNT, Sở Công thương, các huyện vùng nguyên liệu cần tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ tập trung đất đai trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty An Phước triển khai hoạt động sản xuất có hiệu quả nhất.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]