(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những mảnh đất khô cằn tưởng chừng như không còn sự sống, thế nhưng qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ tài hoa, họ không những đã làm cho những mảnh đất ấy dần hồi sinh mà còn góp phần vào sự phát triển KT-XH của quê hương mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phụ nữ làm giàu trên vùng đất khó

(VH&ĐS) Những mảnh đất khô cằn tưởng chừng như không còn sự sống, thế nhưng qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ tài hoa, họ không những đã làm cho những mảnh đất ấy dần hồi sinh mà còn góp phần vào sự phát triển KT-XH của quê hương mình.

Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi đặt chân đến mảnh đất Xuân Du (Như Thanh), khi hỏi về gia đình chị Đỗ Thị Hải ở thôn Tân Hùng, thật ngạc nhiên là người dân ở đây hầu như ai cũng biết và chỉ đường rất tường tận. Có lẽ, với họ, chị là một điển hình vươn lên làm kinh tế trên vùng đất khó và sự thành công của chị đã làm cho người ta thán phục, ngưỡng mộ.

Trò chuyện với chúng tôi chị cho biết: Sau nhiều năm lam lũ, vất vả, tôi đã tìm được hướng phát triển kinh tế từ các lớp chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt do xã tổ chức. Đồng thời, được Hội phụ nữ tạo điều kiện cho gia đình vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư sản xuất. Được tiếp thêm sức mạnh, tôi đã mạnh dạn đầu tư vào trồng keo từ năm 2001 của dự án lâm trường. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi chỉ dám đầu tư trồng 8ha với phương châm vừa trồng vừa rút kinh nghiệm.

Qua thực tế trồng keo, chị nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thuận lợi để phát triển loại cây này. Nhờ học hỏi kỹ thuật cũng như tính cần cù chăm sóc tỉ mỉ cho vườn keo, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình chị khá cao, bình quân thu nhập khoảng 80 triệu/ha. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ cây keo mang lại đến nay chị đã mở rộng diện tích trồng keo lên gần 20 ha. Khi diện tích keo ngày càng cho hiệu quả chị quyết định đầu tư thêm chăn nuôi trâu bò và dê với gần 100 con. Nhờ những cách làm linh hoạt đó mà hiện nay tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị khoảng 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.

Chị Đỗ Thị Hải đang chăm sóc cho vườn keo của mình.

Đến xưởng mộc của gia đình chị Nguyễn Thị Nhài, xã Hà Lâm (Hà Trung), khi mặt trời đã đứng bóng. Vận bộ quần áo lao động, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi chị Nhài đang tất bật với những công việc không tên của người làm nghề mộc thực thụ. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xưởng, chị kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện khởi nghiệp của mình: Hà Lâm xưa nay là vùng đất cằn cỗi, người dân vốn chỉ bám trụ với vài mảnh ruộng, với suy nghĩ mình phải tìm được một công việc gì đó vừa để có thu nhập cho gia đình lại vừa tạo ra công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã, suy nghĩ rồi mày mò cuối cùng chị cũng quyết tâm theo đuổi nghề mộc.

Thời gian đầu gia đình chị chỉ mở xưởng nhỏ, thế nhưng xưởng sản xuất của chị cũng gặp không ít khó khăn về đầu ra cho sản phẩm do chị phải tự đi tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm và tự mày mò, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm phù hợp. Sau một thời gian từ sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường đến đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của chị ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Nhờ vậy, các sản phẩm nội thất của gia đình chị đã được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng khắp ở nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 30 lao động có hoàn cảnh khó khăn, với mức lương bình quân từ 4,5 - 7 triệu đồng/ người/ tháng. Mỗi năm, gia đình chị bán ra thị trường rất nhiều sản phẩm mang lại lãi suất trên 1 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, gia đình chị tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và mở rộng cửa hàng để giới thiệu và bày bán sản phẩm.

Với tinh thần vượt khó vươn lên lập nghiệp, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình chị không chỉ góp phần xây dựng, phát huy và bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, mà còn chứng tỏ tinh thần vượt khó đi lên, làm giàu chính đáng trên quê hương mình, tạo công ăn việc làm, dạy nghề cho lao động trong xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở địa phương. Bằng sự nỗ lực của bản thân năm 2016, chị đã vinh dự được nhận danh hiệu nông dân xuất sắc toàn quốc.

Rời xưởng mộc của gia đình chị khi trời đã nhá nhem tối, trong chúng tôi còn đọng mãi hình ảnh hàng chục công nhân nữ, họ là những người bà, người mẹ, người chị, người vợ với những mái tóc dài được búi gọn theo kiểu truyền thống. Nhưng mỗi khi tiếng máy xình xịch được vang lên là họ xắn tay áo thoăn thoắt thực hiện những động tác xẻ cây, bào, đục, đánh bóng... một cách chuyên nghiệp không thua gì cánh đàn ông.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]