(vhds.baothanhhoa.vn) - Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) Thanh Hóa mới được triển khai hơn 1 năm nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Đã có 30 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao và 24 sản phẩm đạt 3 sao) và phấn đấu năm 2020 có 53 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh và 1 sản phẩm công nhận cấp quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sản phẩm OCOP: Phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân

Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) Thanh Hóa mới được triển khai hơn 1 năm nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Đã có 30 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao và 24 sản phẩm đạt 3 sao) và phấn đấu năm 2020 có 53 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh và 1 sản phẩm công nhận cấp quốc gia.

Nỗ lực cho một chương trình

Thanh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ. Qua khảo sát có 150 sản phẩm truyền thống, không ít sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như: Mắm tôm Hậu Lộc, chiếu cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn, Quế Ngọc Châu Thường và 23 sản phẩm được công nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vì thế, Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm" đang là lợi thế của xứ Thanh, động lực thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động và tăng thu nhập cho người dân... Đây được xác định là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, đồng thời là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Tại Thanh Hóa chương trình này mới được triển khai hơn 1 năm nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Qua 2 đợt xếp hạng theo quy định (đợt 1 cuối năm 2019) có 13 sản phẩm được công nhận, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm đạt 3 sao. Đợt 2 tháng 2 năm 2020 có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đã được cấp giấy chứng nhận, sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm, hỗ trợ phát triển sản phẩm theo chương trình. Chủ yếu các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược. Chỉ có 1 sản phẩm "Ống hút tre" giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH VIBABO huyện Thường Xuân đạt 4 sao. Dự kiến hết năm 2020 Thanh Hóa phấn đấu có 53 sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh và 1 sản phẩm được công nhận cấp quốc gia.

Khách hàng mua sản phẩm OCOP - dưa lưới Taki đang truy xuất nguồn gốc tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP TP Thanh Hóa.

Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm

Đến thăm HTX Ong mật Hưởng Hoa, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, sản phẩm Mật ong Hưởng Hoa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch HĐQT cho biết: Thạch Thành là huyện miền núi, đất đai chủ yếu là đất rừng và nông nghiệp, khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả, nhất là cây vải, nhãn, cam nên nghề nuôi ong lấy mật phát triển rất tốt. HTX Mật ong Hưởng Hoa có 19 thành viên. HTX đã đầu tư được công nghệ hạ thủy phần và khử men, nấm mốc, lọc mịn, xử lý mật ong đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP lượng tiêu thụ tốt hơn, nhãn mác bao bì đẹp và hấp dẫn. Những thông tin cần thiết như: công dụng, thành phần, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm được in rõ ràng nên khách hàng rất yên tâm. Với mong muốn tạo ra sản phẩm mật ong sạch, thuần khiết, có độ sánh cao, hương thơm tự nhiên đặc trưng làm tăng giá trị, do đó lượng tiêu thụ từ các đại lý trên địa bàn được khách hàng đánh giá cao. HTX đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương có mức thu nhập khá...

Anh Nguyễn Văn Hưởng giới thiệu về sản phẩm OCOP của HTX Ong mật Hưởng Hoa và quy trình công nghệ hạ thủy phần lọc mật ong.

Đến thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Thực phẩm & Thương mại, Dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa), chứng kiến không khí lao động của công nhân giữa những ngày tháng 6 nóng nực càng thấy thêm niềm tự hào của miền quê đất biển. Họ là những người góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Nơi đây vừa được công nhận 3 sản phẩm OCOP 4 sao là: nước mắm, mắm tôm, mắm tép.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm trang trại của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Queen Farm) có địa chỉ tại thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Trang trại với màu xanh mướt của các loại rau, dưa chuột baby, dưa lưới đang độ thu hoạch. Trang trại có 2 sản phẩm là dưa lưới Taki và dưa chuột baby được công nhận sản phẩm 4 sao. Anh Trần Văn Tân - Giám đốc công ty cho biết: Để có 1 cơ sở sản xuất 5,5 ha như thế này không hề đơn giản. Đây là diện tích đất của 84 hộ dân xã Quảng Tân (giờ là thị trấn Tân Phong) được thỏa thuận, đền bù, xây dựng nhà kính, nhà màng, các cơ sở hạ tầng. Để có sản phẩm, tôi đã bỏ thời gian sang Nhật 6 tháng tham quan, học hỏi, chuyển giao công nghệ. Nơi đây đang kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tham quan, trải nghiệm. Từ mô hình này, công ty đã liên kết nhân rộng ra một số huyện, thị trấn trong tỉnh với hình thức chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm. Theo anh Tân, cái khó nhất là tiếp cận vốn, mặc dù công ty đã có cơ sở đầu tư, sản phẩm, bìa đỏ 49 năm nhưng các quỹ tín dụng đều từ chối vì những rủi ro trong nông nghiệp. Nên rất cần sự bảo lãnh của quỹ tín dụng nhà nước để anh được vay vốn đầu tư giai đoạn tiếp theo...

Qua trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Long huyện Hà Trung, nơi đây đang có 200ha diện tích lúa nếp cái hoa vàng với 1.500 hộ tham gia, mỗi năm ước thu hoạch khoảng 800 tấn. Trong đó có 6,7ha đang thực hiện theo mô hình VietGap và OCOP - chương trình lúa chất lượng cao theo hình thức HTX liên kết với Công ty CP Thương mại Sao Khuê sản xuất gạo chất lượng cao, có sự phối hợp với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông hỗ trợ phân bón. Từ lợi thế của xã Hà Long phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng nếp cái hoa vàng, những hộ tham gia đều chủ động sản xuất và có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp. So với cây lúa thường, hiệu quả kinh tế của nếp cái hoa vàng tăng từ 2 - 3 lần, người dân rất phấn khởi tích cực tham gia. Ông Đỗ Thế Anh - Giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê cho biết: Sự liên kết theo hình thức 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà nước) thực sự có hiệu quả vì mỗi năm công ty chỉ đầu tư phân bón trả chậm, tập huấn cho hộ nông dân sản xuất theo mô hình VietGap, cuối vụ thu mua toàn bộ lúa tươi đưa về nhà máy để sấy, chế biến đóng gói và đưa ra thị trường. Do đó Nhà nước đóng vai trò "bà đỡ" hỗ trợ kinh phí đầu tư cho người nông dân, góp phần giữ gìn và phát huy sản phẩm truyền thống của địa phương...

Để tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình OCOP theo định hướng đến năm 2030, trước mắt đến năm 2025 có 120 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao và 3 sản phẩm được công nhận OCOP Quốc gia (5 sao), Thanh Hóa rất cần có 1 chiến lược và bước đi phù hợp, nhất là nguồn kinh phí hỗ trợ cho mỗi sản phẩm. Đặc biệt làviệc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý, điều hành, triển khai thực hiện chương trình, chú trọng nâng cấp các sản phẩm đăng ký tham gia, giám sát tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời tăng cường quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP cũng như quá trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng. Song song là việc liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị thương hiệu tạo sự phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP. Từ đó mức sống của người dân sẽ được nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Thúy


Thanh Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]