(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về chương trình phát triển nông nghiệp và Nghị quyết XVI của BCH Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tái cơ cấu để nông nghiệp phát triển bền vững

(VH&ĐS) Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về chương trình phát triển nông nghiệp và Nghị quyết XVI của BCH Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Nhiều địa phương tích cực triển khai

Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và điều kiện thực tế địa phương, huyện Thạch Thành đã xây dựng và triển khai đề án “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2015 - 2020. Năm 2016, huyện đã chuyển đổi 416 ha đất lúa năng suất thấp sang trồng mía nguyên liệu. Theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2020 sẽ chuyển đổi khoảng gần 3.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, trồng cỏ chăn nuôi và một số mô hình khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đi đôi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Thạch Thành đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa. Từ chỗ bình quân mỗi hộ có tới 10 thửa ruộng, đến nay chỉ còn 1,6 thửa/1 hộ. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn và kinh tế trang trại. Tại một số xã như Thành Vân, Thành Hưng, Thành Tiến, Thành Tâm... các mô hình chuyển đổi đã cho kết quả bước đầu, giúp nông dân nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đây cũng là cơ sở để huyện Thạch Thành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững.

Bắt đầu từ vụ trồng mía nguyên liệu 2016, vùng mía đường Lam Sơn đã đưa vào sử dụng hệ thống tưới mía mặt ruộng với diện tích 1 nghìn 500 ha. Hệ thống tưới mía mặt ruộng này được đầu tư từ cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh với mức hỗ trợ 15 triệu đồng cho 1 ha. Trong vụ trồng mía 2016, toàn vùng nguyên liệu mía của tỉnh được hỗ trợ 7,5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống tưới mía mặt ruộng, trong đó, vùng mía đường Lam Sơn được hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng. Mặc dù hệ thống tưới mía mặt ruộng được lắp đặt đơn giản, chi phí thấp hơn nhiều so với hệ thống tưới bằng công nghệ nhỏ giọt, nhưng hiệu quả mang lại là rất cao.

Yên Định là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi trang trại của tỉnh. Ngay sau khi cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh được ban hành, huyện đã nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, để tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình: Phát triển vùng lúa thâm canh; vùng rau an toàn, phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn và liên kết sản xuất.

Ông Hà Duyên Lục - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Định cho biết: “Với cơ chế chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh là rất phù hợp đối với huyện Yên Định. Tỉnh cũng đã rất kịp thời về hỗ trợ kinh phí thực hiện ngay từ đầu năm. Đối với việc triển khai của huyện Yên Định, cơ bản đã đáp ứng được những chỉ tiêu mà tỉnh giao”.

Những kết quả khả quan

Theo cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 được HĐND tỉnh ban hành, có 8 lĩnh vực được hưởng cơ chế hỗ trợ kinh phí, bao gồm: Hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; hỗ trợ sản xuất tập trung quy mô lớn; hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp. Có thể nói, cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 do HĐND tỉnh ban hành là tương đối đồng bộ và sát với nhu cầu thực tiễn, kế thừa trên những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hiện có.

Bước đầu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan, đó là sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá”. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, như: Vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, vùng sản xuất mía, sắn, cói... Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị cao hơn. Đồng thời, xây dựng cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến và nhân rộng.

Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, mô hình trồng rau sạch được áp dụng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân xã Hoằng Hợp, Hoằng Hóa. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Trong chăn nuôi, cùng với quy hoạch, tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các địa phương phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, bước đầu đã hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ, giá trị sản phẩm lâm nghiệp qua chế biến, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về mặt đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo chiều sâu.

Cùng tô điểm cho bức tranh sinh động trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, lĩnh vực thủy sản cũng có đóng góp đáng kể. Người nuôi trồng đã áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt; phát triển các vùng nuôi trồng, thủy sản theo hướng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường; chuyển dịch các đối tượng vào xuất khẩu. Chuyển đổi cơ cấu khai thác thủy sản theo hướng giảm tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, tăng tàu có công suất xa bờ; chuyển giao công nghệ khai thác tiên tiến, trang thiết bị phục vụ khai thác và bảo quản sản phẩm xa bờ...

Có thể thấy, thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững”, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế và nhu cầu thị trường; sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm được thúc đẩy... Kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xây dựng và phát triển các mô hình chuyên canh, xen canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết “4 nhà” để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm lợi ích cho nông dân, khuyến khích phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]