(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa đã và đang trở thành một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài việc có vị trí thuận lợi, nhân lực dồi dào, Thanh Hóa còn có môi trường thông thoáng và nhiều ưu đãi lớn. Ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và nước ngoài quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn vào Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo làn sóng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư vào Thanh Hóa

Thanh Hóa đã và đang trở thành một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài việc có vị trí thuận lợi, nhân lực dồi dào, Thanh Hóa còn có môi trường thông thoáng và nhiều ưu đãi lớn. Ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và nước ngoài quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn vào Thanh Hóa.

Nhờ chính sách thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Những con số ấn tượng

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm giảm đầu tư của toàn bộ nền kinh tế thế giới, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, tổng huy động vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 62.841 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Đồng thời, các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã được triển khai một cách đồng bộ. Nhờ đó, PCI năm 2019 của Thanh Hóa đạt 65,64 điểm, xếp thứ 24 cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2018. Từ năm 2016 đến nay, vị trí, điểm số PCI của tỉnh liên tục tăng và tỉnh Thanh Hóa luôn được xếp trong nhóm khá của cả nước, minh chứng cho những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút được 80 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 71 dự án đầu tư trực tiếp trong nước với tổng số vốn là 7.583 tỷ đồng. Một số dự án lớn đã được thu hút như: Dây chuyền 4 xi măng Long Sơn (4.300 tỷ đồng); Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía (205,7 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial (60 triệu USD); Nhà máy sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam (70 triệu USD); Nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu Như Thanh (30 triệu USD)... Đã thu hút được 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đầu tư là 204,7 triệu USD, gấp 1,8 lần về số dự án và gấp 4,8 lần số vốn đăng ký so với với cùng kỳ; điều chỉnh vốn 6 dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm 94 triệu USD.

Cũng theo số liệu công bố từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), điểm sáng trong chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa năm nay, là nhiều những chỉ số thành phần quan trọng, tác động trực tiếp tới chất lượng điều hành doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Điển hình như chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số tính minh bạch, chỉ số chi phí thời gian, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Sự cải thiện những chỉ số quan trọng trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã phản ánh hiệu quả những chủ trương, chính sách và chỉ đạo điều hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và cán bộ, công chức tại các cơ quan Nhà nước.

Mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường xúc tiến đầu tư

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại và hoạt động đối ngoại. Qua đó đã góp phần quan trọng quảng bá mạnh mẽ hình ảnh tốt đẹp về vùng đất, con người và sự phát triển của Thanh Hoá đến với bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời huy động các nguồn lực cho xây dựng và phát triển.

Theo đó, Thanh Hóa áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Đã đẩy mạnh cải cách hành chính phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài; đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả các thoả thuận hợp tác đã ký với các tổ chức, địa phương nước ngoài. Đặc biệt, Thanh Hoá đã chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại với chính quyền, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp, làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới, Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng (Liên doanh nhà đầu tư Tập đoàn HOKUETSU và Tập đoàn sản xuất giấy LEE&MAN), Tập đoàn ADANI (Ấn Độ);... nhằm thúc đẩy thực hiện các dự án và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa, cho biết: “Những năm gần đây, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có chất lượng điều hành tốt, với chi phí gia nhập thị trường thấp, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Không những vậy, lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ sớm nhận được những chủ trương, điều hành tích cực hơn để phát triển.”

Từ những chủ trương đúng, sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, linh hoạt và quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang tạo ra cho tỉnh những đổi thay vượt bậc về diện mạo từ quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng đến đời sống nhân dân. Và, không chỉ mình Nghi Sơn, Thanh Hóa đang nỗ lực kiến thiết để “tứ sơn” phát triển, đưa Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn thành những động lực tăng trưởng lớn về kinh tế.

Với nhận thức “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, Thanh Hóa khẳng định quan điểm nhất quán và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn.

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]