(vhds.baothanhhoa.vn) - Xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để các sản phẩm đứng vững trên thị trường. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai các giải pháp, đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu nhằm phát triển các sản phẩm của địa phương thành sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thành phố Thanh Hóa: Xây dựng sản phẩm OCOP

Xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để các sản phẩm đứng vững trên thị trường. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai các giải pháp, đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu nhằm phát triển các sản phẩm của địa phương thành sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Câu chuyện OCOP: biến “rác thải” thành sản phẩm

Đến thăm cơ sở sản xuất nước tẩy rửa được chế biến từ “rác” nông sản của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa-3e do chị Bùi Thị Bích Ngọc làm giám đốc mới thấy rõ sự nỗ lực không ngừng của chị. Trong tiềm thức của nhiều người, rác thải chỉ là những thứ bỏ đi, thậm chí gây hại cho môi trường, tuy nhiên, với chị Ngọc thì nhiều thứ bỏ đi đó lại quý như vàng khi được “phù phép” thành nước tẩy rửa sinh học, vừa mang lại lợi nhuận kinh doanh cao, vừa bảo vệ môi trường.

Chị Bùi Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa-3e chia sẻ: “Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất nhì miền Bắc. Chứng kiến mỗi ngày có hàng chục tấn vỏ dứa đổ bỏ ra môi trường, số rác này nếu không được xử lý sẽ phân hủy, gây ra mùi khó chịu, hòa vào nguồn nước tự nhiên gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân. Tôi đã luôn trăn trở tìm hướng giải bài toán môi trường và cũng là để nâng cao giá trị quả dứa ở địa phương”.

Trong quá trình tìm tòi, chị Ngọc tình cờ được biết đến nghiên cứu của Tiến sĩ Rosuko người Thái Lan có 30 năm nghiên cứu về Eco enzyme. Bằng phương pháp ngâm ủ thủ công và lên men tự nhiên từ vỏ trái cây, đem đến những sản phẩm sinh học, xanh cho trái đất, sạch cho môi trường, tốt cho sức khỏe cộng đồng. Chị nhận ra rằng “rác” của dứa là nguyên liệu tốt nhất để làm ra các chế phẩm tẩy rửa sinh học, đây chính là ứng dụng rất mới mẻ cho cây dứa. Từ ý tưởng đó, chị Ngọc đã quyết tâm khởi nghiệp với việc nghiên cứu, thực nghiệm ra một loại nước tẩy rửa sinh học từ “rác” của dứa, kết hợp thêm với các loại vỏ trái cây giàu vitamin, tinh dầu khác như vỏ cam, vỏ chanh, vỏ bưởi... Hàng chục lần nghiên cứu thử nghiệm thất bại, đầu năm 2019, chị Ngọc đã chính thức đưa đứa con tinh thần của mình ra thị trường, với 4 dòng sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và enzyme mang thương hiệu Fuwa-3e. Đây đều là những sản phẩm tẩy rửa an toàn lành tính, vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa không để lãng phí nguồn rác thải hữu cơ.

Cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa-3e.

Hiện tại, các sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn, của Fuwa-3e đã có mặt ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị và cửa hàng uy tín ở một số tỉnh, thành như: TP Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Nẵng... Công ty cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo. Trung bình mỗi tháng công ty đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm, với doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Điều đặc biệt là sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn, của Fuwa-3e đã được TP Thanh Hóa chọn là 1 trong 3 sản phẩm để xây dựng OCOP của thành phố. Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa-3e đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để được công nhận là sản phẩm đạt chất lượng OCOP trong năm 2020.

Và những sản phẩm tiếp theo

Cùng chung mục đích hướng đến được xếp hạng là sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ yếu mà thành phố Thanh Hóa xây dựng sản phẩm OCOP bao gồm: Trà cà gai leo, Trà dây thìa canh, Trà Hoàng thảo mộc. Tất cả đều được chế biến từ dạng thô và dạng túi lọc của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc. Hiện tại các sản phẩm trà của công ty đã và đang tiêu thụ tại hơn 40 tỉnh, thành trong nước; sản phẩm tiếp tục phát triển không những trong nước mà dự kiến tiếp tục vươn ra nước ngoài.

Sản phẩm rượu Tỏa Dương cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Tỏa Dương tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga. Đây là sản phẩm gia truyền của dòng tộc họ Hoàng do cố Lương y Hoàng Văn Thâm - Nguyên quyền viện trưởng Viện nghiên cứu Đông y Việt Nam nghiên cứu. Rượu được ngâm, chiết, chế biến từ dược liệu quý hiếm, được âm can trong lòng đất nhiều năm. Đây là sản phẩm của đề tài khoa học về bảo vệ sức khỏe cho toàn dân là đặc sản của tỉnh đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế cho phép lưu hành trên toàn quốc. Hiện các đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền tổ chức đánh giá công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2020.

Nhận thấy các sản phẩm OCOP sẽ góp phần quan trọng trong việc khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Lãnh đạo thành phố Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban và các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò của chương trình OCOP. Mời các doanh nghiệp tham quan địa điểm làm cơ sở trình tỉnh xin đất mở rộng sản xuất, có phương án hỗ trợ theo từng bước chương trình OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng phim nhằm quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm tại hội chợ triển lãm sắp tới; tập huấn quy trình và cách làm chương trình OCOP, tổ chức đi tham quan các địa phương đã triển khai chương trình OCOP tại các huyện trong tỉnh; chủ trì phối hợp với các phòng ban xây dựng các bước, hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ quảng bá các sản phẩm thông qua chương trình xúc tiến thương mại. UBND thành phố Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo các khách sạn, nhà hàng có không gian trưng bày các sản phẩm của 3 cơ sở sản xuất.

Ông Trần Đức Năng - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: “Tôi đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của thành phố trong công tác xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Để các sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP thì ngoài sự hỗ trợ của thành phố, của tỉnh thì điểm mấu chốt quyết định sự thành công vẫn phải là chất lượng của sản phẩm, là giá trị mà sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, yếu tố không thể thiếu được là sự quyết tâm của doanh nghiệp, của đơn vị sản xuất ra sản phẩm để từ đó sẵn sàng thay đổi từ tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ cho đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường... Và quan trọng nhất là sau khi được xếp hạng là sản phẩm OCOP thì đơn vị phải phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Đó mới là giá trị thực mà sản phẩm được xếp hạng OCOP cần hướng tới”.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]