(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuôi ngược khắp nơi làm ăn kiếm sống cũng không đủ, Nguyễn Văn Cường (SN 1987) trở về quê hương thôn Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH, nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thoát nghèo nhờ vốn chính sách

Xuôi ngược khắp nơi làm ăn kiếm sống cũng không đủ, Nguyễn Văn Cường (SN 1987) trở về quê hương thôn Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH, nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình.

Dẫn chúng tôi đi thăm đàn bò đang ăn cỏ ở trong chuồng, anh Cường vui ra mặt khi hai con bò mẹ vừa mới sinh thêm 2 con bê con khỏe mạnh. Anh Cường bảo, là một gia đình mang danh hộ “nghèo lâu dài” của thôn xóm, anh cũng đã nhiều lần vào Nam ra Bắc, ngược xuôi khắp nơi làm ăn kiếm sống, nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Một ngày năm 2010, anh nghĩ phải về quê. Song về quê một thời gian anh vẫn loay hoay đi làm thuê, cuốc mướn, làm lụng cực nhọc nhưng tiền công cũng chả được là bao. Nhiều đêm thức trắng, trằn trọc không thể nào chợp mắt vì đã 25 tuổi vẫn lông bông, không công ăn, việc làm ổn định.

Một ngày, anh được nghe thông báo về vay vốn Ngân hàng CSXH, sau đó lại có cán bộ đến tận nhà để hướng dẫn, tuyên truyền về nguồn vốn này nên đã bàn với bố mẹ làm hồ sơ để vay vốn ngân hàng. “Năm 2010, gia đình được Ngân hàng CSXH cho vay 5 triệu đồng. Nhận tiền về tôi mua 2 con bò giống sinh sản. Ban đầu chưa có kinh nghiệm chọn bò giống, cũng chưa có kinh nghiệm nuôi bò sinh sản nên 2 năm sau thu nhập từ bò cũng chẳng được là bao” - anh Cường tâm sự.

Vốn NHCSXH giúp chàng trai tật nguyền thoát nghèo.

Dù thất vọng về đợt nuôi bò đầu tiên nhưng anh Cường không bỏ cuộc.Được sự động viên của vợ và bố mẹ, mấy năm sau, anh tiếp tục làm đơn vay thêm 15 triệu đồng của Ngân hàng CSXH. Anh tiếp tục mua bò giống về nuôi. “Ngày con bò đẻ lứa đầu, vợ chồng tôi đã không ngủ, hồi hộp ngồi trông. Đến khi bò đẻ ra một con bê lông vàng óng, to khỏe hai vợ chồng nhìn nhau cười tít, người thì lấy nước cho bò uống, người thì đốt củi cho bò sưởi" - anh Cường nhớ lại.

Lứa bò thứ hai cho thu nhập, anh Cường trả được tiền vay trước đó của ngân hàng. Không ngần ngại, anh lại làm đơn vay 30 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư nuôi bò tiếp. Sau 7 năm “bén duyên” với vốn vay của Ngân hàng CSXH, đến năm 2017, gia đình anh đã thoát nghèo.

Anh Cường cho biết: Trước đây, khi chưa biết đến vốn vay của Ngân hàng CSXH, người dân trong thôn không có việc làm chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng. Bản thân anh cũng nhiều lần vào rừng kiếm gỗ, bán lấy tiền để có tiền sinh hoạt. Từ khi có “cứu cánh” là vốn vay của Ngân hàng CSXH, không một thửa đất nào của thôn, xã bị bỏ hoang, bởi đều được sử dụng để trồng cỏ nuôi bò. Người dân bỏ thói quen sống phụ thuộc vào rừng.

Hiện tại đàn bò của anh Cường có 17 con. Thời điểm nhiều nhất là 25 con. Mỗi năm anh bán 6-8 con bê, thu nhập cả 100 triệu đồng. Để có nguồn thức ăn dồi dào cho bò ăn, sinh trưởng tốt, anh đã mượn ruộng, đồ bỏ hoang của hàng xóm, anh em để trồng cỏ nuôi bò.

Với bản tính hay lam, hay làm của một chàng trai sinh ra từ núi rừng, anh Cường còn trồng thêm 2 ha keo. Dự kiến vào cuối năm nay, đồi keo sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Tháng 6/ 2020, gia đình anh muốn mở rộng thêm chuồng trại để chăn nuôi nên đã vay thêm 100 triệu của Ngân hàng CSXH. Với nguồn vốn vay này, anh Cường dự tính sửa sang lại chuồng bò, xây mới thêm chuồng để bắt đầu nuôi thêm gà tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nuôi bò lâu cũng có thêm kinh nghiệm, cách chọn bò giống cũng tốt hơn trước nên bò sinh sản của anh luôn đúng lứa. Anh cũng hay lên mạng internet tìm hiểu kiến thức về phương pháp nuôi bò sinh sản cho thu nhập cao, rồi đi xe máy ra tận Trung tâm Y tế huyện mua thuốc về tiêu độc, khử trùng phun muỗi cho đàn bò. Vì thế đàn bò của anh luôn khỏe mạnh. Bình quân mỗi năm bò sinh sản 10 - 12 con, anh giữ lại nuôi một nửa, một nửa bán, đủ sức trang trải cho gia đình có 8 người.

Ông Phùng Bá Hồng - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân cho biết: Chỉ trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng cho thấy, Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân đã giúp cho hơn 15 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với số tiền lên tới hơn 466 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay giúp người dân phát triển sản xuất là gần 200 tỷ đồng với hơn 5 nghìn lượt hộ vay vốn... Từ những nguồn vốn vay, đã giúp cho gần 5 nghìn lượt hộ nghèo được cải thiện về đời sống, gần 2 nghìn hộ có sự chuyển biến về nhận thức và cách làm ăn... Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Như Xuân từ 37,36% xuống còn 7,8% với gần 5 nghìn lượt hộ thoát nghèo.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]