(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Câu chuyện của những chàng trai, cô gái khởi nghiệp thành công cho thấy, nếu có ý tưởng đúng đắn cùng quyết tâm dấn thân, biết đứng dậy sau những lần vấp ngã thì “cánh cửa” khởi nghiệp sẽ thành công.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thúc đẩy đam mê, tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

(VH&ĐS) Câu chuyện của những chàng trai, cô gái khởi nghiệp thành công cho thấy, nếu có ý tưởng đúng đắn cùng quyết tâm dấn thân, biết đứng dậy sau những lần vấp ngã thì “cánh cửa” khởi nghiệp sẽ thành công.

Thắp lửa

Trong năm 2016 và đến nay “khởi nghiệp” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất, ngay từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương cho đến các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Theo đó, sự hỗ trợ, quan tâm, khích lệ của cộng đồng dành cho thanh niên cũng rất lớn nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, nhất là sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên, để cùng thực hiện mục tiêu xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp”.

Tại Thanh Hóa, mỗi thanh niên có hoài bão, ước mơ khởi nghiệp sẽ được tiếp cận với nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau như vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn 120 của Trung ương đoàn, Chương trình ưu đãi cho thanh niên của UBND tỉnh. Với những thanh niên xuất thân từ gia đình thuần nông, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì những nguồn vốn vay ưu đãi này thực sự là “cứu cánh” đắc lực đặt nền móng vững chắc để họ thoát nghèo, khởi nghiệp.

Thanh niên Bùi Văn Thành, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, con đường học hành của anh cũng dở dang do khó khăn về kinh tế, những tưởng cuộc đời sẽ là những chuỗi ngày làm thuê cơ cực. Nhưng khi bản thân tự học được nghề cơ khí, rồi được hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Trung ương Đoàn, anh đã mạnh dạn mở xưởng cơ khí riêng, tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/ người/ tháng. Anh Thành cho biết: “Nguồn vốn vay thực sự rất có ích cho gia đình tôi. Kinh tế gia đình cũng khá hơn, nếu công việc ổn định, tôi sẽ mở rộng xưởng, tạo thêm việc làm cho thanh niên trong xã”.

Và khi nguồn “trợ lực” đã sẵn sàng thì điều quan trọng là phải khơi dậy dòng máu nóng khởi nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới Tỉnh Đoàn phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho tất cả những thanh niên, học sinh, sinh viên có đam mê. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn đã và đang xây dựng mô hình “200 bí thư tiên phong khởi nghiệp”. Đã có 160 mô hình bí thư đoàn cơ cở đăng ký khởi nghiệp, trong đó có nhiều mô hình đã hoạt động hiệu quả.

Trong đại hội đại biểu đoàn thanh niên cấp cơ sở vừa qua, các huyện, thị, thành phố đều đặt ra mục tiêu thành lập mới các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Đồng thời, tổ chức “Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp” để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc cho thanh niên trên con đường khởi nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho những ý tưởng hay, thiết thực.

Khởi nghiệp cần sự đam mê, dấn thân

“Đã từng học tập rất nhiều mô hình khởi nghiệp, cũng như trò chuyện với các bạn trẻ cùng chí hướng, tôi nghĩ yếu tố đầu tiên để khởi nghiệp là sự đam mê”. Đó là tâm sự của anh Lê Ngọc Đạt - Bí thư Chi đoàn thôn 4, xã Xuân Khánh (Thọ Xuân). Là kỹ sư nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp ra trường, Đạt có ngay một công việc ổn định cùng nghề kinh doanh kiếm ra tiền. Nhưng khát vọng gắn bó với cây trồng vẫn luôn cháy bỏng trong anh. Cuối năm 2015 Đạt đã bỏ lại tất cả, quyết chí về quê khởi nghiệp trồng dưa lưới. Trước khi gây dựng 3.000m2 dưa lưới, anh đã khổ công đi học tập kinh nghiệm tại Nhật, Trung Quốc, rồi chọn giống phù hợp đem về nghiên cứu hàng năm trời ở Trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội để tìm ra quy trình, phương pháp canh tác phù hợp. Mới chưa đầy 2 năm nhưng vườn dưa lưới của Đạt đã được mở rộng lên 7.000m2, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí), tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động.

Anh Lê Ngọc Đạt với mô hình dưa lưới.

Thực tiễn, con đường khởi nghiệp mang rất nhiều màu sắc, khởi nghiệp không chỉ làm kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho người khác mà mục tiêu ban đầu khi lựa chọn là để giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm với cách làm sáng tạo. Đó cũng là điều cộng đồng đang mong và khuyến khích thanh niên lựa chọn khi bắt tay khởi nghiệp.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]