(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có hơn 91 nghìn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có trên 26 nghìn hộ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển thành doanh nghiệp (DN). Trên thực tế, với nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích của các ngành, các địa phương, nhiều hộ kinh doanh cá thể đã mạnh dạn chuyển đổi lên DN và có bước phát triển rõ rệt trong sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiềm năng trong phát triển doanh nghiệp mới

Thanh Hóa hiện có hơn 91 nghìn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có trên 26 nghìn hộ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển thành doanh nghiệp (DN). Trên thực tế, với nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích của các ngành, các địa phương, nhiều hộ kinh doanh cá thể đã mạnh dạn chuyển đổi lên DN và có bước phát triển rõ rệt trong sản xuất kinh doanh.

Phát triển hộ kinh doanh đủ điều kiện trở thành DN là định hướng, giải pháp quan trọng trong phát triển DN tỉnh Thanh Hóa.

Hộ kinh doanh chưa mặn mà lên doanh nghiệp

Thời gian qua, song song với công tác vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh lớn chuyển lên DN, cơ quan quản lý nhà nước cũng chủ động tìm giải pháp hỗ trợ như: tạo sự thông thoáng dễ dàng trong thủ tục; rút ngắn thời gian, xem xét cấp lại giấy phép kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các giấy phép con... Có thể nói, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển lên DN ở tỉnh đã được sàng lọc cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, khảo sát từ thực tế cho thấy, do hạn chế về trình độ quản trị cùng những lo ngại trong chính sách kê khai thuế, kế toán, nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa mặn mà với định hướng chuyển đổi, khiến mục tiêu thành lập DN mới gặp khó khăn.

Chị Phạm Thị Thu, chủ một cơ sở kinh doanh mặt hàng thời trang tại đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, chia sẻ, mặc dù kinh doanh hàng hóa có doanh thu lớn, tuy nhiên, khách hàng chủ yếu lại là khách lẻ nên ít khi có nhu cầu xuất hóa đơn. Hơn nữa, khi kinh doanh với tư cách hộ cá thể, mình chị vừa có thể điều hành sản xuất, vừa kiêm luôn khâu sổ sách, kế toán. Nếu phát triển lên DN, chị e ngại sẽ phải “cõng” thêm nhân sự do phải đáp ứng nhiều quy định khác.

Anh Lê Văn Nhân, chủ một cơ sở sản xuất tăm xiên tại xã Quảng Văn (Quảng Xương), cho biết: Gia đình anh đã hoạt động trong lĩnh vực này được 5 năm. Quy mô cũng được mở rộng dần để đáp ứng sản lượng cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, doanh thu và số lao động hoạt động tại cơ sở đủ điều kiện thành lập DN nhưng anh vẫn chưa muốn chuyển đổi. Nguyên nhân là do khách hàng của cơ sở là các đơn vị trung gian, không yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Kinh doanh với tư cách hộ cá thể, anh vừa có thể điều hành sản xuất, vừa kiêm luôn công tác kế toán. Nhưng khi thành lập DN, anh lo ngại cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ phải thực hiện nhiều quy định, như: sổ sách kế toán, báo cáo thuế...

Việc các hộ kinh doanh không muốn “lên” DN là một thực trạng khá phổ biến hiện nay. Lý giải về vấn đề này, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Vẫn biết, mô hình kinh doanh hộ có nhiều hạn chế, nhất là việc hộ cá thể không có tư cách pháp nhân để vay vốn sản xuất. Tuy nhiên, do phần lớn của các hộ kinh doanh cá thể thường không qua trường lớp đào tạo, trong khi chuyển đổi lên DN đồng nghĩa với việc phải lo sổ sách kế toán sẽ không phù hợp với trình độ của họ, khiến hộ cá thể thực sự lo ngại và không mấy mặn mà. Địa phương đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chứ không thể ép buộc.

Theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ đầu năm 2018, khi hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí hồ sơ, thủ tục thành lập DN; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn theo quy định của pháp luật...

Phát triển cả chất và lượng

Thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển DN từ hộ kinh doanh của tỉnh là còn rất lớn với hơn 91 nghìn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 26 nghìn hộ kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên, thuộc đối tượng quản lý thuế, có những hộ quy mô rất lớn. Do đó, phát triển hộ kinh doanh đủ điều kiện trở thành DN là định hướng, giải pháp rất quan trọng trong phát triển DN của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm có 1.827 DN được thành lập mới, với số vốn đăng ký 18.645 tỷ đồng, giảm 1% về số DN và tăng 17,2% về số vốn so với cùng kỳ, nhưng đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 7 cả nước về số DN thành lập mới; có 659 DN tạm ngừng kinh doanh, quay trở lại hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ; lũy kế có 16.457 DN đang hoạt động. 3 năm liên tiếp gần đây, mỗi năm tỉnh Thanh Hóa thành lập mới khoảng 3.000 DN, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thành lập DN , phấn đấu năm 2020 sẽ có ít nhất 20.000 DN hoạt động. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan sẽ tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển DN. Trong đó, phát triển DN từ các hộ kinh doanh cá thể được xem là giải pháp trọng tâm.

Công ty TNHH Boobo Eco Việt Nam, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) cũng mới được chuyển đổi và thành lập vào tháng 8/2019, với ngành nghề kinh doanh là sản xuất ống hút xuất khẩu. Sau khi thành lập DN, với định hướng hoạt động bài bản, công ty đã xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy tiện, đánh bóng, khắc chữ và hấp sấy khá hiện đại, bảo đảm quy trình hoàn thiện thành phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo công suất thiết kế, mỗi tháng, đơn vị có thể sản xuất 500.000 ống hút cung ứng ra thị trường. Sản phẩm chủ yếu được đối tác thu gom đưa đi xuất khẩu và bán lẻ theo đơn đặt hàng của các quán cafe, kinh doanh đồ uống trong cả nước.

Thực tế cho thấy, không chỉ là đối tượng tiềm năng trong phát triển DN mới, các DN đi lên từ mô hình hộ cá thể đã có sẵn nền tảng, thị trường kinh doanh. Đối tượng này nếu hoạt động bài bản, sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn so với các DN lần đầu tham gia thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động về cơ chế của Nhà nước, chính quyền các cấp cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng để hộ sản xuất cá thể yên tâm khi đăng ký thành lập DN. Hơn nữa, mục tiêu của phát triển DN là không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. Do đó, các địa phương cần tích cực phối hợp với ngành thuế trong việc rà soát, xác định doanh thu của các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện thành lập DN và có tiềm năng phát triển để vận động.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]