(vhds.baothanhhoa.vn) - Tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng từ 43,8% lên 66,4%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín hiệu vui từ đầu tư công

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng từ 43,8% lên 66,4%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân cao.

Tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn được hoàn thành đã tăng thêm sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp

Theo đó, tính bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi tháng tỉnh Thanh Hóa giải ngân vốn đầu tư công đạt 600 tỷ đồng. Riêng trong hơn 1 tháng từ ngày 15/7 đến nay, giải ngân đạt 1.157 tỷ đồng, gấp 1,9 lần mức bình quân mỗi tháng trước đó. Đâythực sự là con số đáng mừng và mở ra nhiều hy vọng hơn đối với giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh nhà trong thời gian tiếp theo.

Để đạt được những kết quả này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nếu không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật. Ngoài ra phải kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các chương trình, dự án trong quá trình triển khai, thực hiện kế hoạch. Cụ thể phải tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công của các dự án lớn, trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông, văn hóa và vốn ODA. Hơn nữa phải rà soát, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ công việc và cải cách thủ tục hành chính. UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, rút ngắn từ 30-50% thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục của dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến giai đoạn thực hiện và kết thúc xây dựng công trình đưa vào khai thác sử dụng... UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cụ thể về tiến độ, thời gian giải ngân đối với 3 nhóm dự án: Dự án đã hoàn thành quyết toán, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới...

Hiệu quả dự án sau đầu tư

Cách đây 6 năm, vào ngày 19/8/2014, dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn được khởi công, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.598 tỷ đồng, do Sở GT-VT làm chủ đầu tư. Tháng 6/2017, dự án hoàn thành, bảo đảm đúng tiến độ. Dự án đến nay đã giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Riêng kế hoạch vốn giao năm 2020 cho dự án này là 900 tỷ đồng, trong đó giao kế hoạch vốn từ đầu năm là 400 tỷ đồng và giao kế hoạch vốn sau ngày 15/6/2020 là 500 tỷ đồng. Sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án đã phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, trong việc phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương...

Năm 2016, Dự án Cải tạo nâng cấp đường liên huyện từ xã Yên Lâm, huyện Yên Định đi các xã Cao Thịnh, Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc bắt đầu được triển khai, thực hiện với tổng mức đầu tư 33 tỷ đồng, do UBND huyện Yên Định làm chủ đầu tư. Năm 2018, công trình được đưa vào sử dụng đúng với thời gian thực hiện dự án là 3 năm, từ 2016 - 2018. Đây là dự án đã giải ngân đảm bảo tỷ lệ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh với giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Trong năm 2020, kế hoạch vốn giao còn lại là 7,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: Tuyến đường được cải tạo, nâng cấp đã tạo tuyến nối thông suốt giữa các xã miền núi Yên Lâm, Cao Thịnh, Lộc Thịnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Ngọc Lặc, Yên Định. Đối với các dự án đầu tư công do huyện làm chủ đầu tư, việc giải ngân chưa bao giờ chậm. Vốn có đến đâu thì giải ngân hết đến đó...

Cũng trong năm 2016, Dự án đê tả sông Dừa, xã Thiệu Toán - Thiệu Chính - Thiệu Hòa - Thiệu Tâm và Thiệu Viên của huyện Thiệu Hóa được khởi công với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng do UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư. Năm 2018 dự án hoàn thành. Dự án này cũng đã giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Ông Lê Xuân Lượng - Chủ tịch UBND xã Minh Tâm cho biết: Trước đây mặt đê hẹp, giao thương khó tránh xe, có những đoạn lại là đường đất. Đến mùa mưa nước lại dâng vào nhà dân... Nhưng sau khi có dự án, mọi chuyện đã thay đổi, người dân và phương tiện giao thông đi lại thuận tiện hơn, không còn vất vả như trước đây...

Trên đây là 3 trong số rất nhiều dự án đầu tư công đã được giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều dự án gặp khó khăn, cần tháo gỡ...

Chủ đầu tư nào chậm tiến độ sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh có một số vướng mắc, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công như tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện các dự án ODA gặp một số khó khăn do Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA... Hiện nguồn vốn ODA và nguồn vốn cho chương trình xây dựng NTM là 2 nguồn vốn giải ngân chậm nhất.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải quyết vốn đầu tư công năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã phát biểu: Vai trò của đầu tư công rất quan trọng trong tăng trưởng của tỉnh, đóng góp cho thu ngân sách tỉnh. Chủ tịch yêu cầu các ngành rà soát lại các dự án đầu tư công để có kế hoạch đôn đốc chủ đầu tư thực hiện, báo cáo UBND để điều chuyển vốn đối với những chủ đầu tư để chậm tiến độ. Chủ đầu tư nào chậm tiến độ sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ...

Anh Việt


Anh Việt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]