(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục đưa ra các giải pháp và chế độ đãi ngộ hấp dẫn dịp đầu năm trong tuyển dụng cũng như giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Việc thiếu lao động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp cần đông công nhân lao động như may mặc, giày da.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tuyển dụng lao động dịp đầu năm: Nhiều doanh nghiệp gặp khó

Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục đưa ra các giải pháp và chế độ đãi ngộ hấp dẫn dịp đầu năm trong tuyển dụng cũng như giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Việc thiếu lao động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp cần đông công nhân lao động như may mặc, giày da.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Khu Công nghiệp Lễ Môn, Khu Công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa)... vẫn thường xuyên đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng nghìn lao động. Nắm bắt được tình hình thiếu hụt lao động dịp cuối năm, nên ngay từ đầu năm, các DN đã chủ động hoạch định chính sách tuyển dụng nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động dịp đầu năm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Công ty TNHH South Asia Garments Limited (xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) được biết, công ty bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/2018 với quy mô 900 lao động nhưng hiện nay, đơn vị vẫn trong tình trạng thiếu người làm. Là công ty mới thành lập và cũng là công ty áp dụng công nghệ may len đầu tiên trên địa bàn tỉnh nên công tác tuyển dụng có phần khắt khe hơn so với nhiều DN dệt may khác. Đối tượng được tuyển dụng phải trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi vì đặc thù của công việc là yêu cầu người làm có đôi mắt nhanh nhạy và đôi tay khéo léo. Tuy nhiên, số lượng đáp ứng yêu cầu này không nhiều vì đa số những người trong độ tuổi này đang có công việc ổn định tại những công ty khác. Được biết, đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp khi tuyển dụng như thông qua trung tâm dịch vụ việc làm, phát tờ rơi, đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhưng số lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cũng theo ghi nhận thực tế thị trường lao động trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy: Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp là khá lớn. Thế nhưng, nhu cầu tìm việc làm của người lao động lại không cao, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động. Theo phân tích của Liên đoàn Lao động tỉnh, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn một số huyện như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung... khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là dịp đầu năm. Nguyên nhân được đưa ra là do một số DN thực hiện việc chi trả các chế độ phúc lợi cho người lao động thấp, chậm, ít quan tâm đến đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho công nhân dẫn đến tâm lý chán nản tìm công việc khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Bên cạnh đó, số lượng công ty, DN trên địa bàn ngày càng nhiều chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn lao động và tâm lý không gắn bó với công việc của lao động địa phương.

Mặc dù các doanh nghiệp đã đưa ra những chế độ đãi ngộ cùng mức lương kha khá, nhưng điều đó vẫn chưa thật sự hấp dẫn người lao động để thu hút họ đến đăng ký làm việc. Theo các đơn vị tư vấn tại trung tâm dịch vụ việc làm, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông rất nhiều nhưng khi làm việc trở lại sau kỳ nghỉ tết, lượng người lao động đến các trung tâm đăng ký tìm việc chưa được bao nhiêu. Nguyên nhân là nhiều người lao động còn đang trong tâm lý muốn nghỉ ngơi, không vội đi làm và còn có ý định từ từ tìm việc mới. Mặt khác, mức tiền lương mà các DN trên địa bàn tỉnh đưa ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người lao động trong điều kiện giá cả tăng cao.

Ngoài ra, xu hướng tìm việc của người lao động cũng thay đổi. Ví như, hiện nay người lao động có rất nhiều lựa chọn khác. Ngoài tìm việc làm trong các DN sản xuất họ có thể tham gia vào vận chuyển, giao nhận hàng, bán hàng hoặc làm các loại hình dịch vụ khác. Đây là một trong những nguyên nhân gây biến động thị trường lao động đầu năm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cố gắng “giữ chân” người lao động bằng nhiều cách như vẫn trả lương khi đào tạo nghề, tăng lương cho công nhân lành nghề, hỗ trợ cơm trưa, chi tiền chuyên cần, thực hiện đầy đủ các chế độ khám sức khoẻ định kỳ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, thất nghiệp... cho người lao động. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa đủ để tạo ra sức hút đối với lực lượng lao động phổ thông, dẫn đến nguồn “cầu” thì lớn mà nguồn “cung” thì bé, không thể đáp ứng nhu cầu thực tế.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng tăng cao đã cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để thu hút và “giữ chân” lao động là các DN cần có định hướng chính xác trong vấn đề đầu tư và tổ chức hoạt động sản xuất nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, cần nỗ lực thực hiện các chính sách về pháp luật lao động, quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống, điều kiện làm việc của người lao động, thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, thu nhập cho công nhân. Có như vậy, DN mới có đủ nguồn nhân lực để ổn định sản xuất, kinh doanh, còn người lao động có được việc làm ổn định và có thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]