(vhds.baothanhhoa.vn) - Bình Sơn là xã có số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP nhiều nhất của huyện Triệu Sơn. Mỗi sản phẩm OCOP ở địa phương này là một câu chuyện về sự nỗ lực của các hộ sản xuất, của HTX trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về xã 135 có hai sản phẩm OCOP

Bình Sơn là xã có số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP nhiều nhất của huyện Triệu Sơn. Mỗi sản phẩm OCOP ở địa phương này là một câu chuyện về sự nỗ lực của các hộ sản xuất, của HTX trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Sản phẩm OCOP của HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn tham gia hội chợ quảng bá, hướng đến người tiêu dùng.

Hành trình đi tìm thương hiệu

Chúng tôi đến thôn Đông Tranh, nơi được xem là hạt nhân phát triển mạnh mẽ của vùng chè xã Bình Sơn. Ở đây, hầu như nhà nào cũng trồng chè, từ những mảnh vườn nhỏ đến những vạt đồi trải dài tít tắp đều phủ màu xanh của chè. Trên khuôn mặt của những người nông dân lộ niềm vui tươi khỏe khoắn khi đang thoăn thoắt hái những lá chè xanh vào giỏ. Chị Hoa, người trong thôn cho biết: "Gần 30 năm nay, gia đình tôi đã tham gia trồng cây chè. Trước đây, do chưa có điều kiện nên hầu hết các gia đình trong thôn đều trồng rải rác, manh mún, lượng sản phẩm thu được và bán ra rất ít, bình quân mỗi tháng chỉ bán ra khoảng 15-20kg chè khô. Nhưng đến nay, nhờ công tác quy hoạch vùng trồng và khâu quảng bá cùng với việc xây dựng thương hiệu chè để đạt sản phẩm OCOPthì lượng tiêu thụ đã đạt 25-30kg/hộ/tháng và hàng tạ chè tươi. Cũng nhờ đó, nhiều hộ đã cải thiện đời sống rõ rệt, nâng cao thu nhập"...

Nói đến việc xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chè Bình Sơn, hầu hết mọi người trong thôn đều giới thiệu chúng tôi đến gặp anh Lê Đình Tú - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn. Theo anh Tú chia sẻ: Cây chè được đưa vào đồng đất xã Bình Sơn - 1 xã thuộc khu vực miền núi 135 của huyện Triệu Sơn từ năm 1992. Song lúc đó chủ yếu bà con phát triển tự phát nên hiệu quả rất thấp. Từ năm 2016, khi HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn “vào cuộc”, giá trị kinh tế của chè và cuộc sống của người trồng chè đã được nâng lên rõ rệt. HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn đã thành lập các tổ, đội trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap tại các thôn, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch và làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân. Những năm gần đây, hợp tác xã đã tổ chức sơ chế chè khô thay vì xuất bán chè tươi như trước đây, giúp nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế; đồng thời, quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Hiện nay, sản phẩm chè của HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn đã được công nhận đạt chất lượng 3 sao sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2019.

Cùng với chè thì sản phẩm Mật ong hoa rừng nguyên chất của HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn cũng đã được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao. Trên địa bàn xã Bình Sơn hiện có hơn 400 hộ nuôi ong; sản lượng trung bình đạt khoảng 5.300kg mật/năm. Theo chia sẻ của các hộ nuôi ong: Nghề này phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, kỹ thuật, kinh nghiệm chứ không mất quá nhiều chi phí đầu tư vì nguồn thức ăn nuôi ong chủ yếu từ thiên nhiên, rất phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất của người dân. Với giá bán tại chỗ dao động từ 150-170 nghìn đồng/chai, thu nhập bình quân mà nghề nuôi ong mang lại cho nhiều gia đình trong xã khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.

Để sản phẩm Chè sạch Bình Sơn và Mật ong hoa rừng nguyên chất có thế mạnh, đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè, kỹ thuật nuôi ong. Anh Lê Đình Tú - Chủ nhiệm HTX cho biết thêm: Để 2 sản phẩm OCOP thật sự đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn 3 sao, hiện HTX chọn 30 thành viên, diện tích khoảng 50 ha chè, 20 hội viên nuôi ong mật, với khoảng 600 đàn tham gia chương trình OCOP.

Lộ trình cho tương lai

"Phải nói rằng để được công nhận đạt chuẩn OCOP chất lượng 3 sao cho sản phẩm Chè sạch Bình Sơn và Mật ong hoa rừng nguyên chất là cả một hành trình dài, từ việc tuân thủ sản xuất theo qui trình VietGAP, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm đến tham gia các hội chợ quảng cáo sản phẩm... Tất cả đều hướng đến mục tiêu sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, giá trị gia tăng cao hơn” - anh Lê Đình Tú - Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn chia sẻ.

Trong thời gian tới HTX tiếp tục mở rộng thêm 20 ha diện tích chè, phát triển từ 150 - 200 đàn ong, trên 10 ha cây ăn quả, kết nạp thêm nhiều hội viên vào tham gia HTX, đồng thời tham gia thêm 2 sản phẩm OCOP là trà Xanh túi lọc, trà Cà gai leo túi lọc. Với sự năng động sáng tạo của ban lãnh đạo HTX và các hội viên, tin tưởng rằng trong thời gian tới, các sản phẩm của HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn sẽ đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo chia sẻ của ông Lò Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, thì: Thời gian tới để nâng cao chất lượng của các sản phẩm OCOP trên địa bàn, xã tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các hộ kinh doanh trong việc giữ thương hiệu của các nhãn hiệu đã xây dựng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu. Triển khai đồng bộ các giải pháp từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, và các tầng lớp nhân dân trong việc quảng bá, giới thiệu và đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu các sản phẩm địa phương đến tay người tiêu dùng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm đặc trưng của xã đến với khách hàng...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]