(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Hậu Lộc, nhiều phụ nữ xã Ngư Lộc có hoàn cảnh khó khăn, éo le trong cuộc sống đã vươn lên thoát nghèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vốn vay NHCSXH giúp nhiều phụ nữ Ngư Lộc vượt khó

Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Hậu Lộc, nhiều phụ nữ xã Ngư Lộc có hoàn cảnh khó khăn, éo le trong cuộc sống đã vươn lên thoát nghèo.

Một ngày giông gió trời bể, con tàu chìm đắm, 9 ngư phủ mất tích. 1 năm, 3 năm, 5 năm... giờ niềm hi vọng trở về từ khơi xa đã tắt lặn. 9 người phụ nữ mất chồng, những người con mất cha, mẹ già mất con, tưởng chừng họ sẽ không thể gượng dậy, nhưng họ vẫn sống vì... những đứa con! Chị Trần Thị Tuyết (SN 1983) là một trong số 9 người phụ nữ xấu số trong vụ đắm tàu ấy. Năm 2010, gia đình chị Tuyết có một cuộc sống hạnh phúc khiến nhiều người ganh tỵ; là chủ một con tàu có công suất lớn với nhiều thuyền viên,... nhưng tất cả đã tan biến, trở về con số không chỉ trong một chiều giông gió.

Mất chồng, mất tàu, mọi tài sản trong gia đình lần lượt đội gánh ra đi, lo phần trả nợ. Lúc chị Tuyết tuyệt vọng nhất, thì cán bộ hội phụ nữ xã, các đoàn thể thôn xóm, bà con đã đến thăm hỏi, động viên rồi bình bầu cho chị tiếp cận vay vốn NHCSXH. 30 triệu đồng, số tiền không phải để chị Tuyết trả nợ mà đó là “cần câu” để chị gây dựng lại công việc, làm ăn.

Chị Tuyết đã đứng lên từ việc đi bóc tôm thuê từng ngày. Giờ đây chị vừa kinh doanh hải sản, vừa là đầu mối nhận đặt hàng cho các nhà hàng, khách sạn.

Chị Tuyết tâm sự: “Tôi đã sống vì tương lai, hạnh phúc của những đứa con, nhưng để duy trì được cuộc sống ấy là sự động viên, chung tay của bà con lối xóm khi hoạn nạn. Trong những nỗ lực đó, không thể không nhắc tới 30 triệu đồng nguồn vốn NHCSXH lúc bấy giờ. Nó là cứu cánh giúp cho 4 mẹ con chúng tôi vực dậy từ dưới hố sâu của nợ nần”.

Gần 10 năm qua, số vốn vay phải trả nợ sau tàu đắm giờ cũng gần hết. Chị Tuyết vẫn vay vốn NHCSXH, vẫn trả lãi và gửi tiết kiệm hàng tháng. Không nhiều, nhưng đó sẽ là số vốn chị dành cho các cháu học hành về sau. Hiện tại chị Tuyết đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động địa phương, mức lương trung bình mỗi lao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Đó là những lao động có tuổi, tranh thủ thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập. Ý nghĩa hơn, những người phụ nữ ấy cũng chủ yếu là những góa phụ có chung hoàn cảnh với chị.

Chị Trần Thị Tuyết (áo tím) nhờ vốn vay NHCSXH đã vượt lên những đau thương, làm ăn phát triển kinh tế.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Nguyễn Thị Bảy nhờ nguồn vốn vay NHCSXH đã góp phần giúp gia đình chị duy trì được ngành nghề thu mua, cải hoán tàu. Chị Bảy cho biết, ngày trước gia đình chị cũng thuộc diện có của ăn, của để từ kinh doanh hậu cần nghề cá và cải hoán tàu thuyền. Tuy nhiên, kể từ khi chồng chị nhận tin dữ sau lần thăm khám bệnh, mọi tài sản của gia đình lần lượt đội gánh ra đi. Hiện tại mỗi tuần, anh Hoàng Văn Lực (chồng chị Bảy) phải 3 lần xuống bệnh viện tỉnh để chạy thận. Chị Bảy bảo: “Nếu không có sự động viên và một phần nguồn vốn từ NHCSXH thì có lẽ cái nghề duy nhất để kiếm cơm và chi lo kinh phí chữa trị cho chồng không biết rồi sẽ lấy đâu!”

Tâm tư với chúng tôi, chị Triệu Tuyết Mai - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã không kiệm lời khi nhắc tới hiệu quả từ các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Nhờ những nguồn vốn vay mà chị em phụ nữ xã, chị em “làng góa bụa” có thêm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, con cái học hành... Dù nguồn vốn vay không lớn nhưng lãi suất ưu đãi, cũng như sự phong phú các chương trình vốn cho vay, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, chính sách... Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ mà hội phụ nữ nhận ủy thác là 16 tỷ đồng, với 10 tổ TK&VV.

Ông Nguyễn Hải Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc bộc bạch: Nhờ những nguồn vốn vay thiết thực, hiệu quả nhiều chị em phụ nữ xã Ngư Lộc có hoàn cảnh éo le như mất chồng, đơn thân... đã có cơ hội đầu tư vào những ngành nghề hậu cần nghề cá vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo. Trong thời gian sắp tới, mong rằng phía NHCSXH sẽ có thêm nhiều chương trình vốn vay ưu đãi khác, mở rộng thêm nhiều đối tượng vay hơn và nguồn vốn vay được tăng nâng để nhân dân địa phương được tiệm cận, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình vừa góp phần thay đổi diện mạo xã biển còn nhiều khó khăn.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]