Trong thời đại số, tài khoản ngân hàng không chỉ là công cụ giao dịch, mà còn gắn liền với danh tính pháp lý của mỗi cá nhân. Tuy vậy, tình trạng mua bán tài khoản tràn lan trên mạng xã hội và các diễn đàn “chợ đen” đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người bán lẫn hệ thống tài chính quốc gia.

Mua, bán tài khoản ngân hàng: Gánh nặng pháp lý

Trong thời đại số, tài khoản ngân hàng không chỉ là công cụ giao dịch, mà còn gắn liền với danh tính pháp lý của mỗi cá nhân. Tuy vậy, tình trạng mua bán tài khoản tràn lan trên mạng xã hội và các diễn đàn “chợ đen” đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người bán lẫn hệ thống tài chính quốc gia.

Vô tình tiếp tay cho tội phạm

Chỉ cần một cú nhấp chuột trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Telegram, Zalo... người ta dễ dàng bắt gặp các lời rao vặt: “Cần mua tài khoản ngân hàng, giá cao”, “Thu mua tài khoản mở sẵn, hỗ trợ từ A-Z”, hay thậm chí “Bạn chỉ cần cho thuê tài khoản, tiền sẽ về đều mỗi tháng”. Những lời mời gọi hấp dẫn kèm theo cam kết “không liên đới pháp lý”, “chỉ cần căn cước công dân”, đã khiến không ít người - đặc biệt là sinh viên, lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng bán tài khoản ngân hàng của mình để nhận vài trăm nghìn đồng.

Mua, bán tài khoản ngân hàng: Gánh nặng pháp lý

Theo ghi nhận từ các đơn vị chức năng, tình trạng mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, nhiều đối tượng còn thuê người khác mở tài khoản hàng loạt, sử dụng giấy tờ giả, thậm chí lợi dụng chính sách ưu đãi của một số ngân hàng để mở tài khoản nhanh chóng, không cần gặp mặt trực tiếp. Hành vi mua bán tài khoản ngân hàng không chỉ vi phạm các quy định về bảo mật và sử dụng tài khoản, mà còn tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, tổ chức đánh bạc, lừa đảo qua mạng, tín dụng đen online...

Một khi tài khoản đã được bán cho người khác, chủ tài khoản mất hoàn toàn quyền kiểm soát. Trong khi đó, theo quy định pháp luật, chủ tài khoản vẫn là người chịu trách nhiệm trước mọi giao dịch phát sinh. Điều này đồng nghĩa với việc: khi tài khoản bị sử dụng để nhận tiền lừa đảo, giao dịch bất hợp pháp, chính người bán có thể bị cơ quan chức năng triệu tập, điều tra, thậm chí bị xử lý hình sự. Thực tế, đã có không ít trường hợp “dở khóc dở cười” khi người dân bán tài khoản từ nhiều tháng trước, nhưng sau đó bị công an mời làm việc vì tài khoản của họ liên quan đến một vụ án lừa đảo hàng trăm triệu đồng. Có trường hợp còn bị khởi tố với vai trò đồng phạm vì tiếp tay cho hành vi chiếm đoạt tài sản.

Mua, bán tài khoản ngân hàng: Gánh nặng pháp lý

Lỗ hổng nhận thức và hệ lụy pháp lý

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng công khai trên các nền tảng mạng xã hội là do nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt là giới trẻ còn hạn chế. Nhiều người cho rằng tài khoản ngân hàng cũng giống như một món hàng, có thể cho thuê, chuyển nhượng mà không cần lo về trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, theo các điều luật hiện hành, tài khoản thanh toán là tài sản gắn với danh tính pháp lý của người sở hữu, không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, hành vi tiếp tay cho tội phạm sử dụng tài khoản ngân hàng để lừa đảo, rửa tiền, tổ chức đánh bạc... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ và hậu quả. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có quyền chấm dứt quan hệ với khách hàng, đóng tài khoản vĩnh viễn nếu phát hiện có dấu hiệu cho thuê, bán tài khoản trái phép. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tín dụng, cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng, vay vốn, làm việc trong lĩnh vực tài chính của cá nhân đó trong tương lai.

Tội phạm ngày càng tinh vi - khó kiểm soát

Các đường dây mua bán tài khoản ngân hàng hiện nay không còn hoạt động nhỏ lẻ, mà được tổ chức bài bản với nhiều lớp trung gian, sử dụng công nghệ cao để che giấu danh tính và truy vết dòng tiền. Thậm chí, một số đối tượng còn kết hợp với các hình thức deepfake, giả mạo giấy tờ tùy thân, khiến việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) nhiều lần cảnh báo: các đối tượng mua tài khoản ngân hàng thường là mắt xích trong các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, chuyển tiền, rửa tiền qua nhiều nước. Một tài khoản ngân hàng “ma” có thể được dùng để giao dịch hàng trăm triệu đồng, khiến việc thu hồi tài sản cho bị hại trở nên khó khăn.

Mua, bán tài khoản ngân hàng: Gánh nặng pháp lý

Không ít trường hợp tài khoản được mua để lập ví điện tử ảo, mở tài khoản chứng khoán, các kênh đầu tư ảo, khiến danh tính người bán bị đánh cắp, còn kẻ xấu thì lẩn khuất sau những lớp thông tin giả mạo. Trước tình trạng đáng báo động này, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng siết chặt quy trình mở tài khoản, đặc biệt là khâu xác minh danh tính khách hàng. Đồng thời, Bộ Công an cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chiến dịch truy quét, triệt phá các đường dây mua bán tài khoản ngân hàng trái phép, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, lôi kéo người dân tham gia. Về phía người dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên, người lao động tự do, cần nâng cao ý thức cảnh giác, không vì lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh đổi tương lai của bản thân. Mỗi tài khoản ngân hàng là một phần danh tính, không cho mượn, thuê hoặc bán vì bất cứ lý do gì. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến hành vi này, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]