Mường Lát chờ mùa hoa mận mới
Những ngày đông, Mường Lát lạnh và hoang vắng. Những gốc mận già trên đỉnh đồi, dưới thung lũng, trong góc vườn bên hông nhà tường trình... khẳng khiu, rêu mốc se sắt trong cái mưa rét cứa vào da thịt. Suốt một năm dãi nắng dầm mưa, ăn sương uống gió, những gốc mận ấy nuôi ủ, dồn nén, chất chứa biết bao nhựa sống, chỉ chờ xuân về để bật mầm, ra lộc, đơm nụ và nở hoa rực rỡ... bắt đầu cho hành trình của bài ca giống loài.
“Lão nông” Lầu Văn Chá ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi - một trong những người đầu tiên “cắm rễ” cây mận hậu trên đất Pù Nhi.
Hành trình "bén rễ"
Khác với cây đào - loài cây gắn với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông từ đời này qua đời khác, cây mận “được chọn” vì nó phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, đặc biệt rất dễ chăm sóc. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã Nhi Sơn và xã Pù Nhi (Mường Lát) từng là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Vào mùa xuân, hoa thuốc phiện nở bạt ngàn, nhưng cuộc sống người Mông ở đây vẫn quẩn quanh bế tắc. Tệ nạn nghiện hút cùng với tập tục du canh, du cư, đốt nương làm cho rừng cạn kiệt, đời sống người dân càng bấp bênh. Năm 1996, Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Đến năm 1997, Pù Nhi và Nhi Sơn xóa được cây thuốc phiện, thay vào đó là trồng mận và đào - giống cây góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc nơi đây.
Đi dưới tán những cây mận hậu có tuổi đời hàng chục năm, bộ rễ cắm sâu vào lòng đất, “lão nông” Lầu Văn Chá ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi - một trong những người đầu tiên cắm rễ cây mận hậu trên đất Pù Nhi, nhớ lại: Thời kỳ xóa bỏ cây thuốc phiện, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Bởi nguồn thu nhập của đồng bào dân tộc Mông xưa nay chủ yếu là từ việc trồng và bán cây thuốc phiện. Tạo sinh kế mới cho đồng bào, nhiều loại cây đã được đưa về trồng, trong đó có cây mận. Tuy nhiên, gần 20 năm trước, đường lên Mường Lát hãy còn khó khăn, huống chi đường vào các xã, bản. Vì thế, người nông dân trồng xong cũng không biết bán cho ai. Cây mận hậu Pù Nhi ngon nức tiếng “bất đắc dĩ” trở thành cây trồng phụ trong vườn nhà. Dù ngon, ngọt nhưng chỉ để cho nhau hoặc làm quà gửi người miền xuôi lên.
Vài năm trở lại đây, giao thông thuận lợi, việc bán mận dễ dàng hơn khi có thương lái dưới xuôi lên bao tiêu sản phẩm, quả mận cũng vì thế được “đổi vận”. Mận từ vài ngàn đồng/kg lên vài chục ngàn đồng/kg, thậm chí có năm vào đầu mùa giá mận lên đến 30 ngàn đồng/kg. Tính nhanh, một gốc mận già cũng thu được tiền trăm, tiền triệu. Thấy được hiệu quả, xã, huyện tổ chức các lớp tập huấn, khuyến khích nhằm khôi phục lại diện tích. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mận. Đơn cử như gia đình ông Chá, ngoài việc duy trì hơn 60 gốc mận, 30 gốc đào có tuổi thọ cả chục năm tuổi đang cho thu hoạch, thì ông cũng đã mạnh dạn trồng thêm 300 gốc mới.
Không chỉ vườn mận nhà ông Chá, khắp vùng núi đồi ở Pù Toong, Pha Đén giờ cơ man là mận. Vào mùa xuân, đi dọc Quốc lộ 15C sẽ bắt gặp ngút ngát một màu trắng tinh khôi trải dài. Cũng bắt “đất đẻ ra tiền”, anh Gia Văn Khua ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn chọn cây mận Tam Hoa - giống mận nổi tiếng của đất Bắc Hà (Lào Cai) về trồng để tạo sự khác biệt, giảm cạnh tranh. Gọi là mận Tam Hoa vì cây mận này ra rất nhiều hoa, mọc thành chùm bám trắng cành cây, từ gốc đến ngọn tựa như hoa cà phê ở Tây Nguyên, nhưng mỗi chùm có ba cái hoa, nên khi đậu quả thường rất sai. Giống mận này da căng láng, ánh màu đỏ tím bắt mắt; cắn trái mận thấy giòn tan, vị ngọt thanh, thoáng lại dôn dốt chua nhẹ... rất được lòng người thưởng thức, nhất là phụ nữ.
Bước đầu, anh Khua trồng thử nghiệm 5 gốc mận giống. Mận Tam Hoa bén duyên mới, lớn nhanh như thổi, phát tán xanh tốt và năm thứ 4 đã cho thu hoạch. Không dùng phân hóa học, anh Khua chỉ dùng phân chuồng từ nuôi lợn, ngựa, trâu và rơm rạ ủ mục bón lót, bón thúc nuôi cây. Nhờ thế, mùa đầu tiên dẫu chưa nhiều quả nhưng quả to và giòn, ngọt. Anh và vợ hái bỏ gùi đem ra chợ Nhi Sơn, chợ thị trấn bán, người mua tấm tắc khen ngon.
Sau gần 10 năm, 5 gốc mận đầu tiên đã nhân bản thành hơn 200 gốc mận, giúp anh thu về hàng trăm triệu mỗi năm. Song song với việc trồng mận, anh còn trồng gần 4.000 gốc đào, gần 100 gốc cam Vinh và bưởi, đầu tư thêm 60 đàn ong nuôi lấy mật, tận dụng nguồn thức ăn từ hoa rừng, hoa đào và mận. Tổng thu nhập từ đầu năm đến nay của gia đình là hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí có lãi khoảng 300 triệu đồng.
Hướng đi nào cho cây mận?
Nhớ lại ngày đầu tiên và những năm tháng đã qua, ông Chá vẫn không nghĩ rằng quyết định và mong ước giản dị ban đầu là có giống quả ngon về trồng, sau mấy chục năm, lại biến mảnh vườn đầy đá sỏi thành điểm đến thú vị. Chuyện là một ngày, khi những bức ảnh check-in tại vườn mận của nhà ông Chá theo chân cô con dâu Thao Thị Dua lên facebook thì địa chỉ này đã được nhiều người tìm đến xin được vào tham quan vườn mận, check-in và đặt mua một ít làm quà khi về xuôi. Đây là cách làm rất hay nhằm kích cầu việc mua bán, quảng bá mận hậu. Thao Thị Dua chia sẻ: “Khách đến họ vừa được trải nghiệm, vừa được ăn thử, rồi đặt mua rất nhiều. Mình đỡ công vận chuyển ra chợ, nhất cử lưỡng tiện”. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như Dua, bởi việc sử dụng công nghệ đa số là người trẻ. Người lớn tuổi, đặc biệt là ở vùng cao, điện thoại thông minh, mạng xã hội vẫn là một cái gì đó khá xa vời.
Đồng bào Mông ở xã Pù Nhi chăm sóc cây mận.
Theo thống kê, xã Pù Nhi có khoảng gần 100 ha cây mận hậu, trong đó có khoảng hơn 40 ha đang cho thu hoạch, chủ yếu ở các bản Pù Toong, Pha Đén; xã Nhi Sơn có 5,8 ha mận Tam Hoa, tập trung ở bản Lốc Há. Thường, mận Tam Hoa trổ bông vào đầu tháng giêng và cho thu hoạch quả từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 hằng năm. Mận hậu ra hoa và kết quả muộn hơn một chút. Được biết, chính quyền xã Pù Nhi và Nhi Sơn đang hướng bà con liên kết sản xuất theo mô hình “liên gia”, “nhóm hộ” trồng mận. Riêng bản Pù Toong có khoảng 15 đến 20 hộ đăng ký nhóm trồng mận hậu (mỗi hộ từ 3 đến 5 ha), bản Lốc Há có 6 hộ đăng ký nhóm trồng mận Tam Hoa, số còn lại các hộ trồng có diện tích ít hơn. Mọi người làm vườn sinh thái, trồng mận theo tiêu chuẩn VietGAP, bán quả tươi và sẵn sàng cho khách trải nghiệm, tham quan vườn mận.
Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn Thao Văn Lênh, cho biết: Xã đang lên kế hoạch tạo ra vùng chuyên canh cây mận, cây đào - là hai loại cây trồng tiềm năng chủ lực của địa phương. Mục tiêu của xã là hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, có liên kết bao tiêu và được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch... chứ không dừng lại là gùi bán tự do như bây giờ.
Qua rà soát từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, trên địa bàn có khoảng 200 ha trồng mận, đào. Trong đó, diện tích mận chủ yếu được trồng ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, với khoảng 100 ha. Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đã cho loại cây trồng này ngon, ngọt hơn so với nhiều nơi khác. Thời gian qua, để nâng cao chất lượng, nhiều hộ đã được tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào việc lai tạo, cắt ghép nên năng suất, sản lượng cây trồng không ngừng tăng qua các năm. Tuy nhiên, diện tích mận nằm rải rác ở nhiều xã nên chưa tập trung thành mô hình lớn.
“Phát triển loại cây trồng này là một chuyện, để bà con có thu nhập ổn định từ nó lại là một chuyện khác. Đó là việc tìm đầu ra cho loại nông sản. Hiện tại, việc thu mua mận phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái, chưa có một đơn vị nào nhận bao tiêu sản phẩm, trong khi đặc thù loại cây trồng này là chín nhanh, đồng loạt, thời gian bảo quản ngắn. Những đặc thù trên khiến đào, mận dù được ưa dùng nhưng vẫn chưa thể phát triển thành mô hình chuyên canh ở Mường Lát”, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Mường Lát Trần Văn Thắng nói.
Tạm biệt những gốc mận nơi biên viễn Mường Lát, chúng ta cùng đợi sự đổi thay khi mùa xuân này sẽ được lên Mường Lát ngắm hoa mận nở; và chào mừng hành trình của bài ca giống loài, từ những mùa hoa làm đẹp cho đời đến những mùa quả ngọt “hái ra tiền” giúp đồng bào Mông có của ăn, bát để...
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2023-12-18 08:35:00
Khi thôn, bản ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Chuyện vui hay buồn
Nỗ lực giữ và phát triển nghề
Quảng Xương: Khai thác lợi thế phát triển sản phẩm OCOP
Tất bật làng nghề
Tự hào 70 năm Đảng bộ xã Yên Trường
Mối lo ở các chợ truyền thống
Tết ở làng nghề: “Bắt tay” với công nghệ
Vườn Quốc gia Bến En: Bảo tồn, phát triển một số loài gặm nhấm quý hiếm
Cảnh báo lừa đảo tuyển dụng lái xe, phụ xe lương cao
Đẫm nước mắt hoàn cảnh của người phụ nữ hơn 30 năm trở về từ xứ người