(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm học cũ đã qua nhưng vẫn vắt nỗi lo sang năm học mới. Năm học cũ, có trường vẫn xảy ra hiện tượng học sinh bỏ học. Vì quá khó khăn, nên ở một số trường, phụ huynh mua sách giáo khoa cho con bằng... ký nợ và năm học này lại ký tiếp. Năm học mới, đường tới trường, ở nhiều nơi, xa vẫn còn xa...

Năm học mới và đường tới trường...

Năm học cũ đã qua nhưng vẫn vắt nỗi lo sang năm học mới. Năm học cũ, có trường vẫn xảy ra hiện tượng học sinh bỏ học. Vì quá khó khăn, nên ở một số trường, phụ huynh mua sách giáo khoa cho con bằng... ký nợ và năm học này lại ký tiếp. Năm học mới, đường tới trường, ở nhiều nơi, xa vẫn còn xa...

Năm học mới và đường tới trường...Bí thư Đoàn xã và Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Trường trao thưởng cho đội viên xuất sắc năm học 2023-2024. (Ảnh nhà trường cung cấp)

1.Khi năm học mới đã bắt đầu, đường lên thôn Đồng Lách, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) vẫn như nhiều năm về trước. Đường lên dốc, xuống đèo, hai bên là vực sâu, núi cao. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt, chả mấy ai dám qua con đường này.

Được biết, HĐND thị xã Nghi Sơn đã có nghị quyết về đầu tư Dự án đường giao thông từ thôn Đồng Lách đi Khu Công nghiệp số 14. Đây là tín hiệu vui đối với người dân, đặc biệt đối với những học sinh ở thôn Đồng Lách, còn niềm vui nào hơn.

Còn hiện tại, khi bước vào năm học mới, 33 học sinh thôn Đồng Lách đang theo học ở Trường THCS Tân Trường phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho việc đến trường. Nơi các em học cách nhà hơn 8km. “Lại một hành trình vất vả, lại như những ngày đã qua. 4 giờ sáng, tôi dậy rang cơm cho con ăn đi học. Khoảng 5 giờ, bố chở con đến trường. Nếu hôm nào mưa gió thì phải xin nghỉ học”. Anh Lục Văn Chuyên có con học ở Trường THCS Tân Trường cho biết.

Năm học 2024-2025, Trường THCS Tân Trường có 16 lớp với 710 học sinh. Trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số là 68 em, thuộc 2 thôn Tam Sơn và Đồng Lách. Nếu thôn Đồng Lách cách trường hơn 8km thì từ thôn Tam Sơn đến trường khoảng 5km. Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Trường: “Đối với gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa đón con hoặc không có tiền cho con ở trọ thì nếu là học sinh ở thôn Đồng Lách phải đi nhờ xe xuống thôn Tam Sơn, sau đó đi xe đạp mà các em đã gửi trước ở đây để đến trường. Học sinh phải đi học sớm, khoảng 5 giờ 30 phút để kịp thời gian vào học”.

Đường khó, trường cũng khó với 3 không: Không khu hiệu bộ, không các phòng chức năng và không phòng học bộ môn. Trong khi đó dãy 10 phòng học được xây dựng cách đây 21 năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dẫu vậy, chất lượng giáo dục ở ngôi trường vùng khó này luôn là niềm tự hào. Đặc biệt, đối với chất lượng mũi nhọn, hàng năm Trường THCS Tân Trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2023-2024, xếp thứ 6/34 trường THCS trong thị xã về hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi.

2.Học sinh ở bản Tân Sơn, xã Phú Xuân (Quan Hóa) bước vào năm học 2024-2025, chắc hẳn sẽ vui hơn những năm học trước. Năm học này, 5km đường từ bản Éo đi bản Tân Sơn đã được sửa chữa, nâng cấp, đường đất đã được đổ bê tông. Dự kiến, khoảng 1 tuần nữa, con đường sẽ hoàn thành.

Năm học mới và đường tới trường...Từ bản Éo đi bản Tân Sơn, 5km đường đã được đổ bê tông. Ảnh: Việt Anh

Đường đẹp liệu còn học sinh bỏ học? Câu hỏi lại được đặt ra với thầy giáo Nguyễn Danh Kiên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Phú Xuân trong năm học mới này. Vẫn biết, con đường chỉ là 1 phần của nguyên nhân và sâu xa hơn là từ khi bản Tân Sơn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Nói về con đường đến trường trước đây của học sinh ở bản Tân Sơn, Hiệu trưởng Nguyễn Danh Kiên thở dài. Ông nói: “Đường dốc cao, nhỏ hẹp, xe đạp cũng khó đi. Học sinh đến trường, bố mẹ đèo bằng xe máy hoặc các em đi bộ. Từ khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, không còn chế độ bán trú, học sinh phải về nhà hoặc ăn uống nhờ tại nhà dân. Những trở ngại này đã khiến cho một số học sinh bỏ học. Năm học trước đã có 3 học sinh ở bản Tân Sơn bỏ học”.

Tân Sơn cũng là bản có học sinh bỏ học nhiều nhất ở xã Phú Xuân. Dẫu vậy, năm học mới đang mở ra những hy vọng mới. “Trước khi bắt đầu vào năm học mới 2 tuần, nhà trường tổ chức họp chi bộ, họp hội đồng nhà trường và giao cho từng đảng viên phụ trách bản về việc vận động học sinh không được bỏ học. Vấn đề này phải làm chặt chẽ, quyết liệt vì đến năm 2025, tỉnh giao phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp đạt ít nhất 95%. Nếu học sinh bỏ học nhiều thì mức độ này khó đạt”, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Phú Xuân, thầy giáo Nguyễn Danh Kiên cho biết.

Tạm gác lại câu chuyện không vui này hãy nói về câu chuyện của thành tích. Năm học vừa qua, Trường PTDTBT THCS Phú Xuân có 1 học sinh đoạt giải văn hóa cấp tỉnh. Nhà trường cũng là 1 trong 3 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khối THCS ở Quan Hóa.

Đường tới trường còn bộn bề trăn trở, còn nhiều điều phải lo, phải làm. Và những lo lắng, trăn trở ấy ở năm học cũ lại tiếp tục vắt sang năm học mới. Hy vọng, Dự án đường giao thông từ thôn Đồng Lách đi Khu Công nghiệp số 14 sẽ được triển khai thực hiện, góp phần để đường thuận lợi hơn. Những mong có giải pháp hữu hiệu để không còn học sinh bỏ học ở bản Tân Sơn... Và chất lượng giáo dục tiếp tục khởi sắc...

VI AN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]