Náo nức trẩy hội Lam Kinh
(VH&ĐS) Hành trình trở về đất thiêng của hàng vạn du khách trong lễ hội Lam Kinh sẽ thêm phần ý nghĩa với những tour, tuyến du lịch đầy thú vị. Đó là khám phá, trải nghiệm về mảnh đất và con người xứ Thanh mến khách và cùng thưởng thức những sản vật nức tiếng khắp vùng.
Lam Kinh được xem là kinh đô thứ hai của nhà Hậu Lê. Đây là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh. Lê Lợi cùng những người chung chí hướng đã giữ trọn lời thề tại Hội thề Lũng Nhai, đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành lại non sông đất nước và lập ra vương triều nhà Lê. Sau khi ổn định việc triều chính tại kinh đô Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng Lam Kinh tại đất Lam Sơn (Thọ Xuân) mô phỏng kiến trúc kinh đô Thăng Long với chính điện, sân rồng… và đây cũng là nơi an nghỉ của các vị vua, hoàng hậu vương triều. Lễ hội Lam Kinh chính là dịp để người dân trên khắp mọi miền đất nước tưởng nhớ về một vương triều có võ công hiển hách và thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến nghìn năm.
Ông Trịnh Đình Dương - Trưởng Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh, người gắn bó với di tích từ những ngày đầu đi vào hoạt động chia sẻ: Lễ hội Lam Kinh hàng năm đón hàng vạn lượt khách. Du khách từ phía Bắc vào, từ miền Trung ra và người dân ở các huyện đổ về, tạo nên một không khí lễ hội náo nức vô cùng.
Du khách tham quan tại di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Khu di tích Lam Kinh cổ kính, phủ bóng dưới những tán cây cổ thụ được quy hoạch rộng gần 200 ha là không gian bao la để du khách thỏa lòng thưởng lãm. Ngoài khu chính điện, sân rồng, các tòa thái miếu là cả một quần thể để tham quan, tìm hiểu. Đó là Giếng cổ Lam Sơn, tương truyền có từ thời ông nội đức vua Lê Thái Tổ. Trải qua thăng trầm của thời gian, giếng vẫn giữ được khá vẹn nguyên kiến trúc vốn có. Dù thời tiết nắng hạn hay mùa khô kéo dài thì những mạch nước ngầm vẫn cứ chảy ra để giếng đầy ắp nước mát lành.
Rời giếng cổ qua cửa ngọ môn, khách tham quan lại ngỡ ngàng với cây đa thị khổng lồ, mang trong mình cả những truyền thuyết thực, hư, huyền ảo. Cây bao nhiêu tuổi chẳng ai dám chắc, chỉ có điều, nó đã trở thành một phần đặc biệt của Khu di tích Lam Kinh, được công nhận là cây di sản.
Và du khách đến Lam Kinh có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không vào thăm nhà bia Vĩnh Lăng và khu lăng mộ của các triều vua Lê kế nghiệp, các hoàng hậu. Đó là nơi an nghỉ vĩnh hằng của những người đã có công vào sự thịnh trị kéo dài của một triều đại phong kiến trong lịch sử.
Có lẽ, để hành trình về với lễ hội Lam Kinh được trọn vẹn, du khách đừng quên ghé thăm đền Tép - đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, vị khai quốc công thần từng có công liều mình cứu chúa. Đền Tép nằm ở thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc). Đền thờ ông nằm trên đất mẹ, cách di tích Lam Kinh chừng 6km. Và theo lệ cũ, ngày 21, người dân trong vùng sẽ làm lễ tại đền Tép và đến chiều cùng ngày thì rước kiệu xuống khu di tích Lam Kinh, chuẩn bị cho ngày đại lễ vào sáng 22/8.
Rộn rã nhất có lẽ là phần hội. Một không gian văn hóa truyền thống được tái hiện và duy trì với các trò chơi, trò diễn: trò Xuân Phả độc đáo; biểu diễn cồng chiêng… và cùng thưởng thức những sản vật ngon nức tiếng cả vùng: bánh gai Tứ Trụ và bánh lá răng bừa, hai món ăn dân dã mà vô cùng đậm đà, phù hợp với số đông. Tương truyền, xưa kia bánh gai Tứ Trụ còn là sản vật để dâng lên đức vua trong những dịp ngài về thăm quê. Ngày nay, trong mâm lễ cúng của nhiều địa phương, cũng không thể thiếu được món bánh truyền thống này.
Ngày hội đã đến, tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng đón chào du khách đến với xứ Thanh, với Lam Kinh.
Thu Trang
{name} - {time}
-
7 giờ trước
Về câu “rau bợ là vợ canh cua”
-
9 giờ trước
Giỗ Tổ Hùng Vương 2025: Tạm dừng, hoãn và lùi một số hoạt động
-
13:34 21/09/2016
Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi - Ông tổ Trung Hưng quốc gia Đại Việt
Vị thế của thư viện và văn hóa đọc trong thời kỳ CNH, HĐH
Tục thờ cúng, diễn xướng dân gian và tục ngữ, ca dao về hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn
Lễ hội Lam Kinh 2016 sẽ đậm sắc màu nghệ thuật dân gian
Hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn qua truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, truyện kể dân gian
Hướng đi nào cho các Trung tâm VH-TT (Bài cuối): Đi tìm lời giải cho trung tâm VH-TT
Anh hùng Dân tộc Lê Lợi và nghệ thuật kinh điển về dụng binh
Hướng đi nào cho các Trung tâm VH-TT (Bài 2): Trớ trêu những hợp đồng lao động
Khánh thành Nhà trưng bày Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long
Thanh Hóa sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện