(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi trở về làng khi mùa gặt đã vãn. Những mô rạ gối đầu lên ruộng giữa ngày bình yên. Gió ùa vào lòng chiều hoài niệm xa xôi...

Nẻo về rơm rạ

Tôi trở về làng khi mùa gặt đã vãn. Những mô rạ gối đầu lên ruộng giữa ngày bình yên. Gió ùa vào lòng chiều hoài niệm xa xôi...

Nẻo về rơm rạ

Minh họa. MD

Hoàng hôn lững thững choàng nhẹ chiếc voan màu tím nhạt lên vạt cỏ dại ven sông. Vẳng xa, câu hỏi diết da như vọng từ bến xưa, bên gốc gạo già: “Về chưa ơi cọng gió đồng/ Để em trải lá triền sông ta nằm” *.

Vâng. Tôi đã về để nhớ... Nhớ những đêm hè trăng sáng vằng vặc, bầu trời xanh văn vắt lấp lánh những vì tinh tú. Trong không gian và thời gian ấy, thi thoảng có ngôi sao sa xuống tình tự cùng cỏ may đẫm sương đêm.

Trở về làng vào mùa rơm chín, những hạt lúa vàng cũng đã về nhà nhảy nhót trên sân sấy khô áo cánh. Trăng tháng sáu tròn trong như mâm ngọc mừng lễ cơm mới, cứ hênh hênh tỏa sáng.

Ở làng còn sót lại mấy đứa bạn nặng lòng với quê không nỡ ra đi. Thế là kéo nhau ra triền đê ngồi ôn lại chuyện xưa... nơi gắn với những kỷ niệm thuở thiếu thời. Chiều dần phai. Xa xa dâng lên vài làn khói trắng ai đó đốt đồng... Chẳng biết tự khi nào, cái màu khói lam từ rơm rạ cuộn bay trong ánh tà dương đã trở thành nỗi buồn nhớ của bao người con xa xứ.

Vệt khói lam gầy vương vấn, kể cả khi không có khói rơm từ bếp nấu cơm chiều, thì nó vẫn hiển nhiên là một biểu tượng bất biến, mãnh liệt và đầy ám ảnh. Có thằng bạn học cạnh nhà, chả biết nó có ý gì với tôi không mà buổi học cuối cùng gọi tôi ra đống rơm sau nhà. Nó nhét vào tay tôi quyển truyện: “Nhãn đầu mùa”, trong có tờ giấy viết hai câu thơ chôm của ai chả rõ: “Khói đồng ai đốt mà cay/ cỏ may ngơ ngác để say mắt chiều”. (Ngày ấy lũ bạn thường gọi tôi là cỏ may).

Vào vụ gặt, rơm phơi vàng đường làng, ngõ xóm. Sau vụ gặt nhà nào nhà nấy có thêm một đống rơm gọn gàng tươm tất. Nhà ai cấy nhiều ruộng thì đống rơm to. Có nhà tới ba bốn đống, đánh cả ra vệ đường.

Nhớ hồi còn nhỏ chơi trò trốn tìm tôi chui vào đống rơm rồi ngủ quên. Nửa đêm tỉnh dậy, thấy đàn đom đóm thấp thoáng bên giàn mướp, tưởng ma, sợ hú hồn. Rơm được nắng thật thơm. Rơm nếp quý hơn vì nó còn dùng để làm chổi, bện mũ đội để tránh máy bay ném bom. Tối tối, chị em tôi thường ngồi tuốt rơm thành từng bó nhỏ. Bà tết được khoảng chục cái là sáng sau đem ra chợ bán.

Nghỉ hè cũng là vào mùa gặt. Từ năm giờ sáng tôi đã chuẩn bị liềm, dây, đòn xóc. Chân quấn xà cạp gọn gàng ra đồng.

Chắc hẳn sẽ chẳng ai quên được cái cảm giác sáng sớm đi trên cánh đồng lúa chín. Mùi thơm của rơm, của lúa, của mít, của vải, quện vào nhau. Đó là hương quê.

Hôm nào cũng vậy, gánh lúa về là kèm theo cua giắt cạp quần, ếch treo đầu đòn xóc. Bữa trưa đủ thức ăn rồi.

Có lần, thấy đôi ếch đang tình tự trong mà, mừng quá lấy rơm trói nghiến eo hai con vào (bây giờ thấy mình thật nhẫn tâm). Nhưng mà trói lỏng, về đến gần nhà chúng tuột dây, nhẩy òm xuống ao bèo tây. Nhìn vào sân thấy thằng em út ngồi khóc. Ôi giời, hóa ra là đống rơm bị đổ khi nó trèo lên hái chùm vải chín. Nó sợ bị chị mắng.

Đống rơm nhà tôi đánh gần bờ ao. Đôi khi mưa rào, cá rô rạch lên nằm hàng đàn. Rồi con gà mái mải chơi quên ổ, đẻ vài quả trứng ngay chân rơm.

Biết bao người đã sống cả một đời buồn vui với rơm rạ. Có những em bé được rơm lót ổ chào đời, khi mẹ chưa kịp đến trạm xá. Có những mối tình được ngỏ vào đêm trục lúa trăng thanh...

Đêm đông giá rét, cái ổ rơm là thiên đường của bọn trẻ. Trên thì chiếu, dưới thì rơm, nằm lên nghe lao xao rì rầm. Hình như rơm đang kể chuyện. Rồi chiếc chăn bông trùm kín người, rơm thơm lên những giấc mơ êm đềm thơ bé...

Còn rạ ư? Đó là chị của rơm. Nhưng rạ phải ở ngoài đồng lâu hơn. Những mô rạ được dựng lên thẳng hàng. Khi chia phần cho từng nhà sẽ đếm theo mô. Chờ khô, gánh về nhà, đánh lên từng đống như rơm. Rạ tốt thì để lợp nhà. Rạ xấu hơn để đun nấu.

Rơm rạ thân thiết với người quê như bạn bè, như người thương. Rơm cười rơm hát, rơm vương trên tóc, rơm biết khóc khi mỗi lần bè bạn chia xa.

Tháng sáu máu rồng, nắng thiêu mưa vãi. Tôi lạc giữa cánh đồng. Lạc giữa những xa xăm thời gian... Bây giờ xóm Chùa của tôi, nhà không còn lợp rạ. Rơm cũng ít đi nhiều. Khu công nghiệp mọc lên. Dân quê đã thành công nhân nhà máy. Chỉ những nàng cào cào yếm xanh yếm đỏ thì vẫn vậy, hồn nhiên bước ra từ cầu vồng bẩy sắc sau mưa.

Ngày mai xa mẹ, xa làng, để về phố. Đành vậy. Lòng tự nhủ lòng: “Nửa đời đói lả bàn chân/ Áo khăn phố thị vẫn ngần ngận quê” *

Rơm rạ mãi là ngõ xưa dẫn lối tôi về.

(*) Thơ Lê Phương Liên

Tản văn của Lê Phương Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]