(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi năm, Thanh Hóa có gần 300 lễ hội với đủ các loại hình theo quy định, phần lớn là các lễ hội truyền thống, lễ hội lịch sử và lễ hội dân gian. Mỗi lễ hội có một nét văn hóa đặc sắc riêng và việc tổ chức gìn giữ các lễ hội chính là lưu giữ truyền thống, gìn giữ bản sắc và bảo tồn các di sản văn hóa...

Nét đẹp văn hóa làng

Mỗi năm, Thanh Hóa có gần 300 lễ hội với đủ các loại hình theo quy định, phần lớn là các lễ hội truyền thống, lễ hội lịch sử và lễ hội dân gian. Mỗi lễ hội có một nét văn hóa đặc sắc riêng và việc tổ chức gìn giữ các lễ hội chính là lưu giữ truyền thống, gìn giữ bản sắc và bảo tồn các di sản văn hóa...

Nét đẹp văn hóa làngNgười dân làng Xuân Phả là chủ nhân của các trò diễn độc đáo trong lễ hội làng Xuân Phả.

Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận định: Ở xã hội nông nghiệp, với những đất lề quê thói, “không chỉ có lý, có luật, mà vượt lên trên lý và luật, còn có tình, có tục. Trong vùng trời nhỏ bé này, cộng cảm là nhu cầu bức thiết. Và lễ hội đã góp phần củng cố cái tinh thần cộng đồng của làng quê, xóm cũ” (Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm).

Trên cái tinh thần cộng cảm ấy, hơn bất kể mọi hoạt động, lễ hội là sự kết nối uyển chuyển của cái linh thiêng và phần trần thế. Bởi người ta đi lễ ngoài cung kính, thể hiện tâm thành, ý tốt đối với các thế lực siêu nhiên nhưng thực chất cũng là phục vụ cho phần tinh thần của con người tại thế. Suy cho cùng, đến với lễ hội, bên cạnh sự mong chờ những điều tốt đẹp thì hơn hết là để giữ sợi dây tình cảm “thương nhau cùng”. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa chung của làng, vì thế mọi người nhập cuộc trong “hội làng quê ta”, và cùng thủ vai trong đám hội.

Sáng sớm ngày mùng 7 tháng Giêng, theo nhịp trống, nhịp chiêng, bà con thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi (Như Thanh) nô nức tham gia lễ hội cơm mới. Bà Hoàng Thị Hiền, trưởng ban công tác mặt trận thôn, chia sẻ: Trước đây, do giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài và do khí hậu nên lúa nương được trồng muộn khoảng tháng 5 đến tháng 6 và gặt vào tháng 10 âm lịch, lễ hội cơm mới vì thế được tổ chức vào tháng 10, với quy mô các hộ gia đình tổ chức. Hiện nay, người dân thâm canh giống lúa mới ngắn ngày, lúa được thu hoạch sớm hơn, lễ mừng cơm mới cũng tổ chức sớm.

Rõ ràng, sự dịch chuyển về mặt thời gian không làm giảm đi sự linh thiêng, ý nghĩa của ngày hội. Và sự thay đổi thời gian hoàn toàn là chủ động của người dân. Cũng theo bà Hiền: Những năm gần đây, lễ hội cơm mới thôn Bái Đa 1 được tổ chức vào tháng Giêng. Điều này có một phần lý do về thời điểm con cháu đi làm ăn xa trở về sum họp, quây quần bên gia đình, làng xóm. Lễ hội cơm mới nhằm cảm ơn ông bà tổ tiên, những người được con cháu “nhờ trông nom” nương rẫy, giờ đây mùa màng tươi tốt, lúa đã chín, đã đến lúc thu hoạch. Con cháu gặt lúa làm mâm cơm mới, cùng với chút lễ vật mời ông bà, tổ tiên về hưởng lộc, ăn cơm mới và phù hộ cho gia đình, làng bản thêm những mùa màng bội thu.

Mở đầu lễ hội mừng cơm mới là nghi thức rước vía lúa và nghi thức cúng cơm mới tại Thành hoàng của bản Mường. Tham gia lễ cúng mừng cơm mới có đại diện già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn. Ngoài phần lễ, trong lễ hội mừng cơm mới còn diễn ra các trò chơi, trò diễn dân gian, như: nhảy sạp, đánh mảng, tung còn... và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.

“Dù là vẫn ở quy mô cấp thôn/làng nhưng lễ hội mừng cơm mới thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi được bà con tổ chức rất trang trọng. Bởi đến với lễ hội, họ được thể hiện tâm tư, ước vọng trong cuộc sống. Phải khẳng định rằng, nếu mùa xuân không có lễ hội thì bà con cũng không có cơ hội cùng vui, cùng nâng rượu để chia sẻ những buồn vui năm cũ và chúc nhau năm mới tốt đẹp”, Lê Viết Hương, Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi cho biết.

Từ một lễ hội làng, do những người trong làng tổ chức, trình diễn, đến nay, lễ hội Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) đã được nhiều người biết đến và trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vượt ra ngoài không gian của lễ hội Xuân Phả, trò Xuân Phả đã được “thoát ly” để góp mặt ở nhiều sự kiện văn hóa - xã hội lớn trong và ngoài tỉnh.

Nét đẹp văn hóa làngLễ hội cơm mới thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi (Như Thanh) dù quy mô nhỏ nhưng diễn ra rất trang trọng.

Hằng năm, trong 2 ngày mùng 10 và 11 tháng 2 âm lịch, bà con Nhân dân xã Xuân Trường gác hết mọi công việc để về nghè Xuân Phả xem những “nghệ nhân nông dân” diễn trò Xuân Phả trong lễ hội cùng tên nhằm tôn vinh và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mà cha ông để lại.

“Ăn bánh với giò không bằng xem trò Xuân Phả“, để lưu truyền, giữ gìn và phát triển được, theo Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, Trưởng Đoàn nghệ thuật truyền thống múa Xuân Phả, khẳng định: "Trò Xuân Phả được trao truyền từ đời này qua đời khác, đặc biệt trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phần lớn là vai trò của người dân”. Ở Xuân Trường không ai không biết hát múa Xuân Phả, từ nghệ nhân cao tuổi đến những đứa trẻ đều ngân nga câu hát, vừa đi vừa múa vài điệu.

"Chính sự say mê của người dân mà dù trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trò diễn Xuân Phả đã được khôi phục, từ đó phát triển bền vững”, NNƯT Bùi Văn Hùng tự tin nói. Thực ra, sự tự tin của NNƯT Bùi Văn Hùng có cơ sở bởi Xuân Phả là một trong số hiếm lễ hội được Nhà nước và Nhân dân quan tâm, gìn giữ các tích trò. Không chỉ những “diễn viên” trong Đoàn nghệ thuật truyền thống múa Xuân Phả ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy giá trị của di sản Xuân Phả mà người dân trong làng, ai ai cũng tự nguyện tham gia các công việc liên quan như chuẩn bị trang phục, đồ diễn, nhạc cụ, đồ ăn, thức uống cho diễn viên... bởi nếu biểu diễn đầy đủ các trò diễn, trò Xuân Phả cần từ 220 - 230 người cho một lần diễn. Tất cả các thôn trong xã Xuân Trường đều có đội múa Xuân Phả. Hàng năm, khoảng 120 - 150 học sinh Trường THCS Xuân Trường được tập huấn, truyền dạy múa, hát Xuân Phả để các cháu thêm hiểu, thêm yêu trò diễn quê mình.

“Lễ hội Xuân Phả chứa đựng yếu tố thiêng liêng, là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân địa phương. Để lễ hội diễn ra, mỗi thôn làng, mỗi người đều ý thức mình có một phần trách nhiệm. Và trong lễ hội Xuân Phả, việc diễn trò ví như cuộc thi giữa các đội, đội nào diễn trò hay hơn, hấp dẫn hơn sẽ nhận được sự ngợi khen, tán thưởng của người dân trong làng. Bởi vậy, càng gần đến ngày diễn ra lễ hội, các thôn làng đều nỗ lực tập luyện”, ông Lê Viết Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, khẳng định.

Anh Đỗ Văn Hào, một thợ mộc trong xã, người đã làm ra những chiếc mặt nạ để phục vụ cho việc diễn trò Xuân Phả, cho biết: Một công việc hoàn toàn thủ công, nhưng phải hiểu được từng tích trò. Có 3 trò sử dụng mặt nạ. Nếu người Cao Ly mang măt nạ bằng da bò, có mũi thẳng và cao; người Chiêm Thành mang mặt nạ bằng gỗ sơn màu đỏ, mũi thấp và ngắn; thì người Lục Hồn mang mặt nạ gỗ sơn trắng, mặt nạ càng nhiều răng thì càng nhiều tuổi. Đây chỉ là công việc mang lại nguồn thu nhập rất nhỏ, nhưng để gắn bó dài lâu là vì yêu thích, vì mong muốn góp phần giữ gìn “báu vật” của làng.

Dù là có những thay đổi về mặt thời gian, hay sự phân bố theo không gian, phạm vi tổ chức, điều căn cốt nhất vẫn là sự đồng thuận của người dân. Với tâm lý “đầu năm đi lễ”, “đầu năm cầu phúc”, chỉ khi người dân sẵn sàng tham gia từ ý thức đến tâm lý thì lễ hội mới đảm bảo “tính thiêng” và không bị “xâm thực” bởi các yếu tố bên ngoài. Vì thế, lễ hội như mạch nguồn âm thầm chảy trong đời sống văn hóa tinh thần người dân địa phương, dẫu có những khoảng thời gian trầm lặng, gián đoạn nhưng rồi nó vẫn mang chứa rực rỡ sắc màu, rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống, ăm ắp tiếng cười của người dân.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]