(vhds.baothanhhoa.vn) - “Quả bóng Vàng Việt Nam” là cuộc bình chọn thường niên do các quan chức bóng đá và nhà báo thể thao bình chọn - một trong những giải thưởng uy tín, chất lượng nhất của làng cầu quốc nội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngẫm từ những cuộc bình chọn “Quả bóng Vàng” thường niên: “Vàng mười” và… “vàng chưa đủ tuổi”!

“Quả bóng Vàng Việt Nam” là cuộc bình chọn thường niên do các quan chức bóng đá và nhà báo thể thao bình chọn - một trong những giải thưởng uy tín, chất lượng nhất của làng cầu quốc nội.

Trước hết, phải thấy rằng 2018 là năm “đại cát” của bóng đá Việt Nam khi chúng ta có được những thành tích rất đáng kể: Hạng tư Asiad, HCB giải vô địch U23 châu Á, vô địch AFF Suzuki Cup... Chiến công ấy, đương nhiên là thành tích tập thể nhưng trong đó vẫn có những dấu ấn cá nhân. “Mỗi người mỗi vẻ” tuy chưa “mười phân vẹn mười” nên không có gì ngạc nhiên khi danh sách đề cử Quả bóng Vàng Việt Nam năm nay có sự hiện diện của nhiều gương mặt ưu tú. Kết quả 3 danh hiệu: Quả bóng Vàng, Quả bóng Bạc, Quả bóng Đồng lần lượt thuộc về Quang Hải, Anh Đức, Văn Đức là xứng đáng, thuyết phục nhưng không có nghĩa làng bóng nước nhà ở thời hiện tại chỉ có ngần ấy tên tuổi tài năng. Những Đình Trọng, Văn Hậu, Công Phượng, Văn Lâm hoàn toàn xứng đáng được vinh danh nhưng tiếc thay, các danh hiệu này chỉ được trao cho vài ba cá nhân.

Quang Hải - chủ nhân quả bóng vàng Việt Nam 2018.

Cần nói thêm là, trong quá khứ, cuộc bình chọn này không phải không có những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Cách đây 3 năm, sự kiện tiền đạo Nguyễn Anh Đức được xướng tên trên bục cao nhất lập tức đã châm ngòi cho những phản ứng dữ dội từ khán giả. Người hâm mộ cảm thấy phần thưởng dành cho tiền đạo B.Bình Dương là thiếu thuyết phục bởi cả năm 2015, Anh Đức không có, dù chỉ 1 phút thi đấu trong màu áo đội tuyển. Ngược lại, ở đội tuyển, nếu như “Quả bóng Đồng” Lê Công Vinh được sự tín nhiệm của huấn luyện viên người Nhật Toshiya Miura thì ở cấp câu lạc bộ, Vinh “Nghệ” gần như “lặn mất tăm” và “im thin thít” trong suốt giai đoạn lượt đi. Đóng góp của tiền đạo này ở sân chơi V.League năm đó không có gì đáng kể.

Không ngạc nhiên khi “hậu Quả bóng Vàng 2015”, trên các diễn đàn mạng, rất nhiều ý kiến, thậm chí là chính các cầu thủ cũng phẫn nộ bày tỏ, đại ý: kết quả bình chọn thiếu công bằng khiến giải thưởng “mất giá”. Nói cách khác, “Quả bóng Vàng” 2015 thực chất là “vàng chưa đủ tuổi”.

Đáng nói hơn cả là câu chuyện “ngỡ như đùa” ở cuộc bình chọn “Quả bóng Vàng” mùa giải 2013 - năm thất bát của làng bóng nước nhà, người ta “bói cũng không ra” gương mặt nào khả dĩ để trao giải.

Thật vậy, mùa bóng ấy, làng bóng nước nhà “tan tác” trên hầu hết các sân chơi: Đội tuyển quốc gia thua 5 trận tại Vòng loại Asian Cup; đội U23 cay đắng rời SEA Games ngay từ vòng bảng; sân chơi V.League còn thê thảm đến mức suýt “vỡ” do có đội bỏ giải.

Trong bối cảnh “dở toàn diện” ấy, ban đầu, Ban tổ chức dự định “chọn đại” vài ba cái tên “ít dở nhất” để xướng lên, không phải nhằm mục đích vinh danh mà cốt sao duy trì giải (được trao “thường niên”, không bị đứt đoạn). Tuy nhiên, sau một thời gian “nghe ngóng” dư luận, những người có trách nhiệm đã đi đến một quyết định vạn bất đắc dĩ: không trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2013. Giải pháp “không có người xuất sắc” này thực sự chưa có tiền lệ nhưng lại nhận được sự đồng tình của đa số khán giả.

Nói tóm lại, hào quang “Quả bóng Vàng” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với khái niệm “xuất sắc nhất” và đi kèm với “những nụ cười”. Giải thưởng này từng có cả sự “nhạt nhòa” và gương mặt ngượng ngùng của chủ nhân khi được vinh danh.

Hy vọng là từ những lần trao giải “Quả bóng Vàng” trong những năm gần đây, Ban tổ chức sẽ sớm có những điều chỉnh cần thiết để mỗi lần trao giải, người hâm mộ không còn phải “lăn tăn” trước những câu chuyện kiểu như “vàng non” hay “bỏ sót vàng”!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]