(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi hay tin có người mất vàng sau đó biết mình nhặt được, ông Tiến liền trả lại cho người mất mà không hề do dự…

Người đàn ông buôn sắt vụn ngay thẳng và triết lý cuộc đời dạy con, cháu

Khi hay tin có người mất vàng sau đó biết mình nhặt được, ông Tiến liền trả lại cho người mất mà không hề do dự…

Người đàn ông buôn sắt vụn ngay thẳng và triết lý cuộc đời dạy con, cháu

Ông Tiến quan niệm, giàu hay nghèo đều do chính tay mình làm ra chứ không thể vui vẻ hưởng thụ những đồng tiền nhặt được của người khác.

Thời gian qua, người dân thôn Bình Tây, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa cảm thấy ấm lòng và tin yêu cuộc sống hơn khi biết tin vợ chồng ông Lê Đức Tiến làm nghề buôn bán đồng nát, sắt vụn trả lại 1,1 cây vàng cho khổ chủ.

Ngôi nhà ngay mặt ra đường cũng là nơi tập kết đồng nát, sắt vụn chật chội, luộm thuộm, nhưng đầy ắp tình yêu của gia đình 3 thế hệ gồm: vợ chồng ông, vợ chồng người con trai thứ 2 và 2 cháu nội. Gia đình ông buôn phế liệu ở đất này đã hơn 40 năm. Họ thu mua đồng nát, sắt vụn ở tất cả các huyện trong tỉnh mang về đây tập kết, phân loại, đóng xe tải chuyển ra tỉnh Hưng Yên. Việc này diễn ra ngày một hoặc cách ngày, tùy thuộc vào lượng hàng mua được.

Khoảng 10h sáng ngày 18-3-2021, ông và các thành viên trong gia đình đang phân loại sắt vụn thì nhận được cuộc điện thoại của một bạn hàng ở TP Sầm Sơn hỏi về lô hàng vừa nhập trước đó. Ông trả lời rằng, lô hàng đã được chuyển ra Hưng Yên mà không biết một bao trong số đó bị rớt lại và đang nằm lăn lóc ở góc nhà. Sau khi biết có vàng lẫn trong đống đồng nát, sắt vụn, ông huy động cả gia đình tìm kiếm với tâm thế “được chăng hay chớ”. Tìm một hồi không thấy, ai cũng nản. Mọi người nghĩ, vàng đã được chuyển đi cùng với những bao phế liệu khác. Bỗng ông nhìn thấy một chiếc ủng cao su rách nằm lẫn trong đống dép nhựa, linh tính mách bảo, ông tiến lại gần dốc ngược chiếc ủng và một nắm bùi nhùi rơi ra. Vàng được cuộn kĩ trong giấy vệ sinh và bọc ngoài bằng một lớp vải xỉn màu.

Không đắn đo, ông Tiến cùng người nhà quyết định gọi cho Trưởng Công an xã trình báo và mời chính quyền địa phương đến làm chứng, đứng ra nhận số vàng để đưa cho người mất.

“Tôi không giám tự giải quyết vì đây là số tài sản lớn. Nó không phải của mình thì phải trả lại cho người mất", ông Tiến trình bày trong điện thoại với Trưởng Công an xã.

Một lúc sau có hai người đến nhà ông Tiến đứng trước cửa. Trong đó, một người là lái xe taxi, người phụ nữ còn lại đi đứng khó khăn nhưng chân vẫn đi đôi ủng cao su lấm lem bùn đất. Bà giải thích là bản thân vừa đi làm cỏ lạc về, nghe tin tìm thấy vàng vui quá nên không kịp thay quần áo.

Nhìn vẻ mặt hớt hải của người phụ nữ, ông Tiến mở lời trước: “Bác cứ vào đây ngồi uống nước, đâu sẽ có đó, nếu mất ở nhà tôi thì thể nào cũng còn. Nó có là 1 cây vàng chứ 10 cây, 100 cây, tôi cũng trả lại. Bởi lẽ, ai mất của cũng đau lòng, mình sống phải biết trước, biết sau, để phúc cho con cháu”.

Đó cũng là cách sống và dạy con của ông Tiến, một con người người lao động chân chính, trân quý công việc của mình hiện tại “nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

Người phụ nữ lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm. Sau vài bước xác minh, đúng người đúng vật bị mất, ông Tiến đã quyết định trả lại vàng cho chủ nhân của nó trước sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình, chính quyền địa phương và đại diện công an xã.

Cầm số tài sản xem như đã bị mất, bà Nguyễn Thị Mọc, sinh năm 1955 ở thôn 2, phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa nghẹn ngào: “Lúc phát hiện mất của, vợ chồng tôi như người mất hồn, mà giờ nhận lại của cũng như người mất hồn, vì không tin người ta trả lại cho mình. Số vàng ấy, là từ hơn 10 năm nay, tôi làm thuê, làm mướn tích góp được để lo chuyện hậu sự sau này, đỡ phiền con cái".

Bà Mọc hiện đang sống cùng chồng 90 tuổi, sức khỏe chồng yếu nên trong gia đình bà là lao động chính. Hằng ngày, bà ra đồng từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Hôm ấy, ông ở nhà dọn dẹp thấy cái ấm cũ và đôi ủng rách trong góc nhà liền lôi ra, gọi người mua đồng nát đến bán cho đỡ chật nhà, được 18 ngàn đồng. Trở về nhà, vợ chồng bà Mọc đã cãi nhau vì lý do: “Vợ để vàng trong chiếc ủng mà chồng không biết lại đem đi bán phế liệu. Còn ông chồng nói vàng mà sao vợ để bất cẩn thế”.

Bị mất hơn 1 cây vàng trong tình cảnh vô cùng ngớ ngẩn thế, nên bà Mọc khóc lóc suốt. Mấy ngày liền bà đi dò tìm tên, địa chỉ người mua phế liệu. Ông lão mua phế liệu của chồng bà lại chỉ đến một người buôn phế liệu khác, đến ông Tiến là người thứ 4.

“Nếu là người khác thì coi như tôi mất trắng. Tôi đã nghĩ mình sẽ không tìm lại được tài sản. Thật may mắn, tôi lại được gặp một người sống có nghĩa tình như ông ấy. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn”, bà Mọc rưng rưng nói.

Trong khi đó, ông Tiến cũng rất hạnh phúc khi đã trả lại vàng cho đúng chủ của nó.

Được biết, đã không ít lần ông Tiến nhặt được của rơi trả người mất, lần nhiều nhất cũng khoảng 100 triệu đồng. Ông bảo: “Tôi thấy chuyện trả lại tiền, vàng nhặt được có gì to tát đâu. Giàu hay nghèo đều do chính tay mình làm ra chứ không thể vui vẻ hưởng thụ những đồng tiền nhặt được của người khác”.

Không chỉ là người thật thà, ông Tiến còn nổi tiếng ở địa phương là người dám nói, dám làm, không sợ vạ miệng. Ông sẵn sàng lên tiếng trước những vấn đề bất cập tồn tại ở địa phương, tố cáo những thành phần bất hảo chuyên rình rập trộm cắp gây mất an ninh trật tự lối xóm.

Gia đình kinh doanh phế liệu nhưng ông sẵn sàng từ chối những món hời nếu biết đó là đồ ăn cắp. Có lẽ chính vì sự “trái tính” ấy mà không ít lần gia đình ông chịu sự trả thù của các thành phần xấu như bị ném đá, tạt phân, thậm chí là đốt kho phế liệu.

Trước sự manh động của các đối tượng, vợ ông nhiều hôm khuyên chồng “thôi ông đừng lấy trứng chọi với đá”, nhưng ông gạt đi. Ông bảo: “Bằng tuổi này rồi, không sợ chết nữa”. Ông kết hợp chặt chẽ với công an địa phương, phát hiện và tố giác tội phạm để đưa những kẻ phá làng, phá xóm ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Lê Bá Hải, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh, cho biết: “Gia đình ông Tiến kinh doanh phế liệu nhiều năm nay đều không có điều tiếng gì. Các thành viên trong gia đình hiền lành, sống chan hòa với bà con lối xóm. Người đời vẫn có câu “nhặt được của rơi xin mời đút túi”. Nhưng việc làm của ông đã chứng minh điều ngược lại, trở thành tấm gương để người lớn nhắc nhở con cháu và tuyên truyền đến mọi người ở địa phương”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]