Người làng biển làm du lịch
Với tư duy mới cùng ý thức về việc gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và văn hóa truyền thống, họ - những người dân bản địa đã và đang làm nên bức tranh khác biệt trong tổng thể du lịch xứ Thanh.
Khuôn viên Eo gió bãi ngang.
Đánh thức làng chài
Xã Quảng Thái (Quảng Xương) sở hữu bãi cát trải dài, trắng mịn, cảnh sắc thiên nhiên chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người. Hình ảnh những chiếc thuyền rẽ sóng đi về từ phía biển, chợ cá họp nơi chân sóng... không chỉ là nét chấm phá sinh động cho bức tranh du lịch biển mà còn tạo nên sự thích thú, hấp dẫn khách du lịch.
Song, bao đời nay người dân ở nơi đây chỉ biết theo cái nghề “hồn treo cột buồm”. Họ vượt sóng, thắng mưa rất cực khổ, hiểm nguy, nhưng hầu hết cũng chỉ đủ “đắp đổi” qua ngày. Khái niệm sống bằng du lịch vẫn khá mơ hồ. Rồi một ngày, những người con xã biển đi xa và trở về làm du lịch. Từ đó, làng chài được đánh thức.
Nhiều người đã khá bất ngờ khi anh Trần Công Dương - một người con Quảng Thái từng nhiều năm công tác tại các tỉnh miền Trung trở về bắt tay xây dựng Eo gió bãi ngang. Anh Dương hiện thực hóa ước mơ của mình bằng những miệt mài rất... dân biển. Biết rõ giá trị lớn nhất của nơi mình ở là biển, anh đi dọn rác, cải tạo bờ biển. Lúc một mình, khi thì thêm các bác hưu trí, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên... Câu chuyện nhặt rác, cải tạo bờ biển của anh Dương lặng thầm lan tỏa như một hình ảnh đẹp. Sau đó, phong trào “cuối tuần dọn rác” do anh khởi xướng đến nay vẫn được người dân xung quanh thực hiện đều đặn.
Từ một cồn cát vốn là bãi tập kết rác của xóm, anh đầu tư cải tạo, trồng thêm cây, làm nhà hàng, quán café kết hợp điểm check in thư giãn. Những màu xanh cây cỏ, hoa lá cũng lần lượt mọc lên điểm tô cho dải biển ngày càng quyến rũ.
Anh Dương chia sẻ: “Du lịch biển chỉ tập trung khai thác khoảng 6 tháng mùa nắng. Mình phải tính toán việc đầu tư không gian theo hướng tiện dụng, ít chi phí và có thể bảo quản, hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão. Eo gió bãi ngang của mình đang có sản phẩm là trải nghiệm ẩm thực làng chài, café, đi chợ cá, trò chơi bãi biển, tắm biển, check in... Giá trị du lịch ở đây đem lại từ văn hóa bản địa, không gian, trải nghiệm làng biển”.
Những tín hiệu tích cực đến nhanh. Chỉ tính riêng 4 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5/2024, Eo gió bãi ngang đón tiếp gần 20.000 khách. Hiện nay dù không phải mùa du lịch, Eo gió bãi ngang vẫn đón khoảng 100 khách mỗi ngày. Ngoài tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển, nét mộc mạc của phong cảnh, tính chất phác của người dân, du khách khi đến đây sẽ được trải nghiệm dịch vụ tốt mà giá rẻ bất ngờ. Chỉ 50.000 đồng/phiếu, khách sẽ có 1 đồ uống và tận hưởng tất cả những dịch vụ nơi đây, bao gồm tắm tráng, chụp ảnh, nghỉ ngơi..., thời gian mở cửa từ 7h30 - 22h hằng ngày. Ngoài ra, tại đây còn có dịch vụ lều, camping, đốt lửa trại, cho thuê loa kéo, đồ nướng và nước uống. Mức giá này so với những điểm du lịch khác được cho là khá rẻ. Anh Dương giải thích, vì hướng tới du lịch cộng đồng, mọi người cùng làm cùng hưởng thụ. Quan trọng nhất là làm sao cho du khách đến nhiều hơn để người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ khác.
Lời mời gọi nơi chân sóng
Du khách đang đổ về Quảng Thái ngày một đông, dù trên địa bàn đã có những cơ sở đón khách khác nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu lưu trú, đặc biệt vào ngày lễ. Hiện anh Dương đang cho xây dựng một nhà lưu trú 5 tầng trong khuôn viên Eo gió bãi ngang và nhiều phòng, lều để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Dự kiến cuối năm nay đến mùa hè năm sau, Eo gió bãi ngang sẽ có khoảng 50 phòng đi vào hoạt động.
Nếu dăm năm trước đến Quảng Xương nói chung và Quảng Thái nói riêng rất khó tìm kiếm nơi nghỉ cho du khách, thì giờ đây hàng chục homestay, nhà hàng, hotel, khu camping... liên tiếp được phát triển.
Đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Quảng Xương đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển sản phẩm du lịch của huyện Quảng Xương chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025 chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan (khu vực sông, biển) gắn với du lịch cộng đồng tại các xã Quảng Thái, Quảng Lưu, Tiên Trang; phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kết hợp du lịch cộng đồng. Giai đoạn 2026-2030, huyện sẽ tập trung phát triển mạnh du lịch biển tại khu, điểm du lịch biển Quảng Nham, Quảng Thạch, Tiên Trang, Quảng Thái, Quảng Lưu, Quảng Hải, sản phẩm du lịch golf với các sản phẩm đa dạng, đẳng cấp. Đây là định hướng để du lịch Quảng Thái bứt phá trong thời gian tới.
Giữ gìn giá trị bản địa không hề dễ, nhất là làm du lịch trước tác động của biến đổi khí hậu đến các làng biển. Vì thế, câu chuyện bảo vệ môi sinh và đắp bồi văn hóa phải được đặt lên hàng đầu nếu muốn đi dài và lâu. Tự thân người dân bản địa và các chủ thể làm du lịch như anh Trần Công Dương đang đầu tư mở homestay, nhà hàng phải xây dựng những dịch vụ du lịch thân thiện, bảo vệ môi trường. Cải thiện đời sống người dân, xa hơn là “vẽ” ra một bức tranh du lịch khác biệt từ chính vẻ đẹp của quê hương, mộc mạc của con người làng biển và quyến rũ của ẩm thực, văn hóa, sẽ như một lời gọi mời về bên chân sóng...
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-10-07 16:11:00
Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá
Văn hóa tặng quà
Lan tỏa đam mê đọc sách
Gìn giữ cho muôn đời sau
Khi văn hóa dân gian hòa cùng tiếng sóng
Hiểu - Đường đến tự do
Từ “Họa xà thiêm túc”, đến “Như hổ thiêm dực”
Ðể di tích đồng hành với phát triển du lịch
Về thăm những di tích quốc gia đặc biệt
Triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đến với học sinh