Người phụ nữ cao chỉ hơn 100cm và nghị lực vượt lên chính mình
Chỉ cao 118cm nhưng chị Vũ Thị Hằng ở thôn Phú Đa, xã Quảng Đức (Quảng Xương) khiến người xung quanh không khỏi cảm phục bởi nghị lực sống và tinh thần lạc quan, yêu đời.
Bà Trịnh Thị Tiếp, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh thăm cửa hàng của chị Vũ Thị Hằng ở thôn Phú Đa, xã Quảng Đức.
Về xã Quảng Đức, hỏi thăm cửa hàng tạp hóa của chị “Hằng lùn”, người dân ai cũng đều biết, dù rằng chị không phải người sinh ra tại địa phương.
Sinh năm 1994, Vũ Thị Hằng là con gái út trong gia đình có 8 anh chị em ở xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Khi mới lên 5 tuổi thì bố qua đời. Bất hạnh với em không chỉ có vậy, càng lớn cô bé Hằng càng thấy sự “khác biệt” của mình với bạn bè xung quanh. Là bởi, qua thời gian, chiều cao cơ thể của Hằng lại “không chịu lớn”. Sau khi được gia đình đưa đi thăm khám ở nhiều nơi, bác sĩ kết luận Hằng bị bệnh “lùn tuyến yên” - căn bệnh quái ác khiến cho Hằng cứ mãi mang dáng hình như một đứa trẻ. Và cho đến tận bây giờ, ở tuổi 30, Vũ Thị Hằng vẫn chỉ cao 118cm.
“Chiều cao cơ thể khiêm tốn, lại thêm nước da đen nhẻm nên khi còn nhỏ, tôi thường chạnh lòng và mang tâm lý tự ti với bạn bè xung quanh. Cũng may, nhờ có gia đình động viên và cả sự giúp đỡ của những người bạn trân quý mà tôi vượt qua được “nỗi sợ hãi” của chính bản thân”, Vũ Thị Hằng tâm sự.
Vậy nhưng, sự “khác biệt” về chiều cao cơ thể không làm mất đi ý chí của cô gái bé nhỏ. Vượt qua nhiều khó khăn, Hằng vẫn đến trường mỗi ngày để theo đuổi con chữ. Suốt những năm Tiểu học và THCS, Vũ Thị Hằng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đáng nói, khi tốt nghiệp THCS, cô gái có hình hài bé nhỏ đã thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Vũ Thị Hằng cho biết: “Sau khi biết mình thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tôi thực sự rất vui. Vậy nhưng, do nhà xa lại không thể chủ động việc đi lại, hoàn cảnh gia đình cũng không dư dả nhiều nên tôi quyết định về học tại Trường THPT Nguyễn Thị Lợi. Cũng may, có các bạn ở gần nhà giúp đỡ đưa đón nên hành trình đến trường của tôi cũng đỡ vất vả hơn”.
Tốt nghiệp THPT, Vũ Thị Hằng đỗ vào Trường Đại học Vinh nhưng một lần nữa, cô gái bé nhỏ lại quyết định rẽ cuộc đời mình sang lối khác, Hằng cho biết: “Khi đó, mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu nhiều nên tôi không muốn đi học xa nhà khiến mẹ phải lo lắng. Vì thế, tôi quyết định nộp hồ sơ học Trung cấp Dược tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa”.
Năm 2014, tốt nghiệp Cao đẳng, cô gái bé nhỏ đã quyết định ra Hà Nội xin đi làm tại một cửa hàng tạp hóa. Sau gần nửa năm, trừ mọi chi phí, Hằng để dành được 10 triệu. Với số tiền tưởng chừng không lớn, Hằng quyết định không đi làm thuê nữa, thay vào đó ở nhà để tự “làm chủ”.
Với ý chí mạnh mẽ và tinh thần yêu đời, chị Vũ Thị Hằng luôn nỗ lực từng ngày để vươn lên trong cuộc sống
"Đầu năm 2015, tôi mượn đất của nhà anh trai ở xã Quảng Đức để mở một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa. Vì được mọi người ủng hộ nên việc kinh doanh cũng dần thuận lợi. Sau đó, với số tiền tích lũy được và vay mượn bạn bè, người thân, tôi mua được miếng đất 50 triệu đồng ở thôn Phú Đa”.
Cứ như vậy, cô gái bé nhỏ Vũ Thị Hằng đi từng bước chậm chắc trên hành trình lập nghiệp của mình. Để rồi, đến thời điểm hiện tại, trên mảnh đất trống mới mua chỉ mới 8 năm về trước, là căn nhà nho nhỏ - cũng là cửa hàng tạp hóa của cô “Hằng lùn”. Vũ Thị Hằng cho biết thêm: “Đầu năm 2023, được sự quan tâm của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi các cấp, với số vốn 20 triệu đồng được hỗ trợ, tôi đã đã mua thêm tủ cấp đông; rồi mua một số con giống (gà, vịt, chó) về nuôi. Việc kinh doanh và chăn nuôi thuận lợi, nên cuộc sống của hai mẹ con cũng đỡ vất vả hơn”.
Chia sẻ về hành trình đã trải qua, mẹ đơn thân Vũ Thị Hằng tâm tình: “Sinh ra với cơ thể phát triển không hoàn chỉnh thực sự rất đáng buồn. Vậy nhưng, nếu so với nhiều người khuyết tật không may khác thì tôi vẫn có thể đi lại, tay chân khỏe mạnh, đầu óc bình thường để cố gắng lao động, vươn lên trong cuộc sống. Và tôi còn có cả những người thân, người bạn sẵn sàng giúp đỡ những khi cô “Hằng lùn” cần. Hiện tại, tôi chỉ mong có sức khỏe để lao động, kinh doanh, kiếm tiền nuôi con gái thật tốt”.
Nói về hoàn cảnh của chị Vũ Thị Hằng, bà Trịnh Thị Phương, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Xương đánh giá: “Vũ Thị Hằng là điển hình về ý chí và nghị lực người khuyết tật vượt lên nghịch cảnh xây dựng cuộc sống. Hiện Vũ Thị Hằng cũng là thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB Người khuyết tật khởi nghiệp và phát triển huyện Quảng Xương”.
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-22 08:36:00
Tiến sĩ Trần Bá Tân, người giữ chức Thượng thư của 6 bộ
-
2024-11-22 07:30:00
[WOW! THANH HÓA] Độc lạ 2 món bánh đầu tiên tại Thanh Hóa
-
2023-12-13 09:41:00
Phạm Lê Phương Vỹ - Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Hoàng giáp Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang: Bảng vàng bia đá truyền mãi mãi
Vũ Hiền, danh tướng trải bốn đời vua nhà Lê Trung hưng
Cô gái Gen Z năng động, tài năng
Bí thư chi đoàn dám nghĩ, dám làm
Gương sáng vùng biên
Cô học trò người Mường với lý tưởng học Bác suốt đời
Thầy giáo Đỗ Xuân Cát: Danh sĩ xứ Thanh được vua Nguyễn mời ra làm quan
Chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc
Hai vợ chồng là Nghệ sĩ Nhân dân