(vhds.baothanhhoa.vn) - Tuy là một giáo viên mỹ thuật nhưng đã hướng dẫn cho học sinh (HS) thực hiện nhiều đề tài khoa học đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh. Người giáo viên ấy đã vượt lên khó khăn của một trường ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn và đã “ươm” thành công những “hạt giống” đầu tiên về niềm đam mê khoa học cho HS. Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Quang, Trường THCS Xuân Bình (Như Xuân).

Người thầy ươm mầm tình yêu khoa học nơi đất khó

Tuy là một giáo viên mỹ thuật nhưng đã hướng dẫn cho học sinh (HS) thực hiện nhiều đề tài khoa học đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh. Người giáo viên ấy đã vượt lên khó khăn của một trường ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn và đã “ươm” thành công những “hạt giống” đầu tiên về niềm đam mê khoa học cho HS. Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Quang, Trường THCS Xuân Bình (Như Xuân).

Người thầy ươm mầm tình yêu khoa học nơi đất khóThầy Nguyễn Văn Quang trong một giờ dạy mỹ thuật tại trường.

Lấy niềm thương đẩy lùi khó khăn

Sinh ra ở xã Vạn Thắng (Nông Cống), từng là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng sau đó anh Quang vẫn bén duyên rồi quay về với nghề sư phạm. Năm 2005 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, anh xung phong về làm giáo viên mỹ thuật của Trường THCS Xuân Bình. Dù đã chuẩn bị tâm lý đón nhận thử thách, nhưng khi vào đứng lớp, anh vẫn không khỏi ngỡ ngàng, hụt hẫng, bởi môi trường giáo dục đặc thù của các huyện miền núi. Hồi tưởng lại những ngày ấy, anh Quang kể: "Ngày đó, đi từ trung tâm huyện vào trường chỉ 30km nhưng phải mất gần 6 giờ. Vào những ngày mưa bão thì đường gần như không đi nổi. Trường học thiếu thốn nhiều thứ, chưa có nước, điện chập chờn, giáo viên chúng tôi thường động viên nhau và tự xoay sở, khắc phục. Để có nước dùng, chúng tôi phải mang can, xô chậu lấy từ con suối cách trường 2km về; không có điện, soạn bài bằng nến hoặc đèn”.

“Trường học khó khăn, các em HS là người chịu thiệt thòi nhất. Chúng tôi mong muốn dùng tình cảm thương yêu và kiến thức để bù đắp những thiếu thốn về vật chất. Do đặc thù vùng cao, vào những ngày mưa rét, đường trơn trượt, HS đi lại khó khăn nên bị chậm giờ học, hoặc có khi bố mẹ đi làm nương sớm, không đưa các em đến lớp kịp. Vì vậy, việc chúng tôi đến tận nhà đưa HS đến lớp là chuyện thường ngày”, thầy giáo Nguyễn Văn Quang chia sẻ.

Sau một thời gian giảng dạy, dù không dạy các môn chính, thầy Quang vẫn nhận thấy được tinh thần ham học hỏi và khát khao tìm tòi kiến thức mới của các em HS nơi đây. Vì vậy, anh quyết định mở lớp dạy ôn thi đại học miễn phí các môn mỹ thuật, khoa học tự nhiên. Phòng học được mở tại nhà riêng của một người dân tốt bụng trong làng, được kê thêm mấy bộ bàn ghế do bà con ủng hộ. Lúc đầu mới chỉ có mấy HS, sau đó người dân và học trò giới thiệu, lớp học ngày càng đông. “Nhìn thấy những đôi mắt khát khao tri thức, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Học mỹ thuật rất tốn kém, nhưng với học trò ở đây lấy đâu ra tiền chi phí, với những em đam mê và có khả năng tôi sẵn sàng truyền dạy kiến thức, đầu tư dụng cụ học và kinh nghiệm từng thi đậu 2 trường đại học của mình”, thầy Quang tâm sự. Lớp học miễn phí của thầy Quang được mở thường xuyên tất cả các buổi tối trong tuần, cả thứ 7, chủ nhật hoặc bất kỳ lúc nào thầy trống tiết trên trường. Thầy ham dạy đến độ, có những đợt gần nửa năm mới về quê một lần. Và tâm huyết của thầy gặt được quả ngọt khi có rất nhiều em trong lớp học tình thương thi đỗ vào các trường đại học.

Để các em biết đến khoa học nhiều hơn

Hiện tại, Trường THCS Xuân Bình đã được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của HS trong vùng. Con đường dẫn vào trường cũng đã được bê tông hóa, đời sống của giáo viên được nâng cao. Tuy nhiên, theo thầy Quang: “So với vùng đồng bằng, nhất là ở đô thị thì môi trường học tập của HS nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc tiếp cận với khoa học công nghệ. Thời đại công nghiệp 4.0 thì việc tiếp cận và phát triển đam mê khoa học trong HS rất cần thiết, nhằm phát triển tư duy hiện đại, rút ngắn khoảng cách trình độ, giúp HS hòa nhập được với không khí học tập giữa các vùng, miền trong quá trình học tập”. Do đó, ngay sau đề xuất của thầy Quang về việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) Khoa học kỹ thuật, Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất và một phần kinh phí để CLB thành lập và đi vào hoạt động. CLB được thành lập nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn, như: việc tiếp cận khoa học kỹ thuật của HS chủ yếu là lý thuyết và qua các phương tiện truyền thông, việc thực hành rất hạn chế, trong khi thực hành khoa học đòi hỏi sự đầu tư về trang thiết bị dụng cụ chuyên dụng, vật tư, hóa chất và người hướng dẫn khoa học phải thực sự đầu tư về thời gian, công sức, kiến thức...

Ban đầu, thầy Quang đã tìm những HS có đam mê, kiến thức nhất định về khoa học tham gia CLB; tự mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu; cùng với vốn kiến thức sẵn có thầy đứng ra làm người hướng dẫn. Nhằm củng cố thêm kiến thức về khoa học ứng dụng, thầy Quang cho các em tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu khác nhau, trong đó có cả phần lý thuyết và thực hành, các sáng chế của HS trong cả nước và trên thế giới. Phần quan trọng nhất là việc tìm đề tài nghiên cứu, thầy khuyến khích HS để tâm quan sát cuộc sống xung quanh, những bất cập, mong muốn của chính gia đình, hàng xóm trong lao động sản xuất hay trong chính môi trường học tập của mình. Sau khi để HS đề xuất, thầy và trò sẽ chọn ý tưởng khả thi, có tính ứng dụng cao để triển khai và trao quyền “tự chủ” thực hiện đề tài cho các em, thầy giáo chỉ đứng bên cạnh hướng dẫn, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí, kết nối với nhà khoa học nếu cần thiết để hoàn thành đề tài. Theo đó, CLB Khoa học kỹ thuật của Trường THCS Xuân Bình ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành công, trở thành CLB Khoa học kỹ thuật mạnh nhất huyện và thường xuyên đạt giải cao trong các cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học, do Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tổ chức. Điển hình, năm 2018 đạt giải Nhất dự án “Dán băng keo tự động”; năm 2019, giải Nhất dự án “Sản phẩm bón phân dúi tự động và làm cỏ sục bùn đa năng”; năm 2020 dự án “Thiết bị vớt, bóc tách, xử lý dầu mỡ thải ô nhiễm trong nguồn nước” đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp Quốc gia...

Người thầy ươm mầm tình yêu khoa học nơi đất khó

Thầy Nguyễn Văn Quang cùng học sinh nghiên cứu khoa học.

Em Dương Anh Đức tham gia dự án “Thiết bị vớt, bóc tách, xử lý dầu mỡ thải ô nhiễm trong nguồn nước”, cho biết: “Thầy Quang là người truyền cảm hứng tình yêu khoa học cho em và rất nhiều bạn khác. Từ ý tưởng bước vào thực nghiệm, em không biết bắt đầu từ đâu, quy trình như thế nào, nhưng may mắn, thầy Quang đã luôn đồng hành và tận tình giúp đỡ, nhất là việc tìm kiếm nguyên vật liệu. Giờ tuy em không còn học với thầy, nhưng em vẫn sẽ theo con đường khoa học mà thầy đã mở đường cho em”.

Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Bình, thầy giáo Lê Quang Vinh cho biết: “CLB Khoa học kỹ thuật của nhà trường là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em HS thỏa sức sáng tạo khoa học. Duy trì và phát triển CLB lớn mạnh như ngày nay là sự góp sức của các thầy cô giáo, nhất là thầy giáo Nguyễn Văn Quang. Không những thế, thầy Quang đã khơi dậy tình yêu khoa học cho nhiều thế hệ HS, giúp các em theo đuổi đam mê và thành công”.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]