(vhds.baothanhhoa.vn) - Những chuyến đi, trải nghiệm quý báu, cứ thế thôi thúc chúng tôi tiếp tục cầm bút, là động lực để tôi xác định rõ trách nhiệm của mình, để rèn luyện “tâm sáng, bút sắc, lòng trong.”

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện nghề

Những chuyến đi, trải nghiệm quý báu, cứ thế thôi thúc chúng tôi tiếp tục cầm bút, là động lực để tôi xác định rõ trách nhiệm của mình, để rèn luyện “tâm sáng, bút sắc, lòng trong.”

Sự khởi đầu khó quên

Đó là vào năm 2012, trên chiếc xe máy mượn của một đồng chí cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tôi cùng đồng nghiệp vào bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) trên con đường đang được san lấp dang dở, một bên là núi, một bên là vực sâu. Có lẽ, những giây phút ấy, hình ảnh ấy cho đến bây giờ vẫn ám ảnh, hằn sâu trong ký ức của tôi.

Bản Kho Mường nằm ở thung lũng sâu trong vùng lõi của Khu BTTN Pù Luông, mang vẻ đẹp hoang sơ với những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn người Thái nằm ven sườn núi, có hang Dơi... Với chừng ấy thông tin thôi đã thôi thúc tôi lên đường để khám phá, tìm hiểu thông tin viết bài.

Trước khi đến, tôi chưa từng nghĩ đến những khó khăn sẽ trải qua. Thời điểm ấy, chưa một lần có kinh nghiệm đi đường sỏi đá, dốc, nhưng tôi được giao làm tài xế cho cô bạn đồng nghiệp. Vậy mà rõ ràng lúc ấy tôi không cảm thấy lo sợ bởi những nguy hiểm xung quanh, cũng chẳng nghĩ phía sau tay lái mình là gì, chỉ nghĩ một điều rằng “khi nào cho nhanh qua đoạn đường này để đến nơi mình cần đến”. Phía trước, đường toàn là sỏi đá nham nhở, một bên là đồi núi, một bên là vực sâu, dẫn đường cho chúng tôi là một chị cán bộ của BQL Khu BTTN Pù Luông vẫn đi một cách bình thản, có đoạn xuống dốc đường sỏi trượt, tôi vẫn để xe số 4, xe trượt dài khiến chúng tôi ngã dúi về phía trước, tôi trượt xuống khung xe, hoảng quá cô bạn đồng nghiệp ngồi sau chồm lên người tôi rồi vội đạp phanh kết hợp bóp phanh tay. Dừng xe không biết bao lần vì đường nguy hiểm. Ấy vậy, chúng tôi vẫn vui. Khi được thông báo gần đến đích, chúng tôi mừng không tưởng, thế mà ông trời cũng khéo thử lòng người. Để vào được bản Kho Mường phải đi qua đoạn đường dốc đất đá hình chữ V úp ngược, trời bắt đầu mưa phùn, những mỏm đất vốn gồ ghề trở nên trơn trượt, lên dốc tôi vừa dắt xe vừa ga, cô bạn tôi hì hục đẩy phía sau. Lần mò cả tiếng đồng hồ, trước mắt chúng tôi là cổng chào “Kho Mường kính chào quý khách”. Một cảm giác bình yên đến lạ thường sau con dốc ấy, cảm giác chinh phục khiến chúng tôi vui không tả nổi.

Chúng tôi dừng chân tại ngôi nhà sàn đơn sơ của gia đình ông Hà Đình Nếch, một trong những homestay nổi tiếng của bản. Ấy vậy mà mọi thứ đơn giản lắm, mọi thông tin để du khách có thể liên hệ (số điện thoại, tên homestay...) được ghi lên cột gỗ của ngôi nhà sàn. Nhưng có lẽ, điều làm tôi ngạc nhiên nhất ở thời điểm đó, là sự am hiểu về du lịch của người dân bản địa. Nhiều người như ông Hà Đình Nếch, mặc dù tuổi đã cao (chừng hơn 70 tuổi) nhưng nói được rất nhiều thứ tiếng nước ngoài như: Anh, Pháp, Đức... Đặc biệt là người dân ở đây chế biến món ăn rất ngon, đón tiếp chân thành và nồng hậu.

Chặng đường làm báo của tôi đã đi qua gần 10 năm, với tôi tuổi đời và tuổi nghề vẫn còn non trẻ, mỗi một nơi tôi đến đều mang tới những câu chuyện thú vị, thế nhưng ngày kỷ niệm về nghề, tôi lại muốn nhắc tới câu chuyện “vạn sự khởi đầu” của một cuộc hành trình đến với bản Kho Mường. Bởi đây cũng là dấu ấn khắc sâu trong tâm trí tôi từ lúc bắt đầu gắn bó với trang Du lịch của tờ báo Văn hoá và Đời sống cho đến nay. Bây giờ, có dịp ngoái nhìn lại phía sau mới biết được những gì mình đã đi qua, không chỉ có niềm vui, nỗi buồn mà còn có cả những nguy hiểm và hơn cả là tình đất, tình người, tình đồng nghiệp giữ sâu trong ký ức của tôi.

Hoài Anh

Tôi trở về với biển

Đề tài về biển, đảo luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của phóng viên. Được thực tế sống cùng ngư dân, trải qua những khó khăn nơi đầu sóng, ngọn gió có lẽ là những chuyến đi mang lại cho phóng viên nhiều trải nghiệm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển Quảng Nham (Quảng Xương), hàng ngày được chứng kiến những công việc, những niềm vui và giọt mồ hôi chát mặn vị biển của ngư dân, tôi càng quyết tâm muốn có những trải nghiệm thực tế qua việc ra khơi.

Những chuyến đi giúp phóng viên có những trải nghiệm chân thực nhất về cuộc sống.

Từ trước đến nay thường là phóng viên nam được các ngư dân cho đi đánh bắt cùng; họ vẫn e dè với quan niệm phụ nữ mà đi theo thuyền đánh bắt ra khơi sẽ không may mắn. Nhưng với quyết tâm của mình, tôi đã thuyết phục các ngư dân là những người địa phương quen biết để được đồng hành ra khơi. Dù là chuyến đi lộng (đánh bắt gần bờ) và thời gian đi chỉ có 2 ngày trên biển, nhưng đó là những trải nghiệm mà tôi không bao giờ quên. Hai ngày trên biển ấy, tôi say sóng tới mức không thể cho nổi thức ăn vào miệng, cầm cự bằng mấy ngụm nước. Ấy vậy mà tôi vẫn cố gắng cầm máy ảnh ghi lại những hình ảnh ngư dân đánh bắt trên biển, vẫn cố gắng quan sát để có những tư liệu chân thực nhất về cuộc sống của ngư dân.

Rồi những lần được đi ra đảo Mê cùng các đoàn trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, được cùng các chiến sĩ chuẩn bị đón một cái tết khang trang và đầy đủ hơn với những món quà từ đất liền gửi tặng. Nhiều chiến sĩ trẻ lần đầu tiên đón tết xa nhà tâm sự khi đứng trên chòi gác, nhìn những quầng sáng từ các điểm bắn pháo hoa của thành phố khiến họ bỗng nhớ bố mẹ, nhớ gia đình và những giây phút tụ họp cùng bạn bè. Nhưng không vì thế mà các chiến sĩ quên đi nhiệm vụ thiêng liêng của mình, họ luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều yêu quý và gắn bó với mảnh đất nơi mình đóng quân, anh em đồng chí, đồng đội đã trở thành gia đình thứ hai của mỗi chiến sĩ.

Khó khăn không ít, nhưng niềm vui cũng đủ đầy với cánh phóng viên chúng tôi. Đặc biệt, khi bài viết của mình được lên báo và tạo được hiệu ứng xã hội tốt thì những khó khăn vất vả trước đó đều qua rất nhanh và là động lực để chúng tôi tiếp tục lao vào công việc, kịp thời mang hơi thở cuộc sống đến với công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngư dân Nguyễn Văn Lộc là một trong những ngư dân bị tai nạn chìm tàu trên biển, cũng từ những thông tin cung cấp kịp thời của báo chí, nay anh đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ phía bảo hiểm, có điều kiện trở lại biển tiếp tục bám biển mưu sinh. Đây không phải là trường hợp ngư dân duy nhất được báo chí tiếp sức để bám biển. “Nhờ được sự lên tiếng của chính quyền, các cơ quan báo chí nên tôi cũng như một số tàu cá khác đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, các nhà hảo tâm. Hiện, tàu của chúng tôi đã được sửa chữa xong; thiết bị, ngư lưới cụ được mua sắm lại, và anh em bạn thuyền lại tiếp tục lên tàu rời bến, vươn ra khơi xa khai thác thủy sản, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”, anh Lộc tâm sự.

Để có được những bài viết về nỗi nhọc nhằn mưu sinh của ngư dân giữa biển khơi; niềm vui khi đón những mẻ cá đầy ắp và bình an trở về sum họp cùng người thân... thì phóng viên phải vượt qua mọi khó khăn, thậm chí dấn thân vào hiểm nguy. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu biển đảo đã giúp những người làm báo như tôi luôn sát cánh, đồng hành với ngư dân bám biển.

Hoàng Lan

Động lực để tôi tiếp tục cầm bút

Vốn là người thích “ngao du sơn thủy”, lại được phân công viết về đời sống - xã hội, vì thế trong 10 năm viết báo, tôi đi và đến nhiều nơi. Chuyến đi đầu tiên lên xã Thành Sơn - một xã miền núi khó khăn xa xôi của huyện Bá Thước là một chuyến đi đặc biệt.

Tôi còn nhớ, trước ngày lên xã Thành Sơn, cả đêm tôi thao thức không ngủ, mặc dù đã trải qua nhiều chuyến tác nghiệp còn xa xôi, hiểm trởhơn nhưng trong tôi vẫn cứ hồi hộp khó diễn tả.

Quãng đường từ trung tâm TP Thanh Hóa lên xã Thành Sơn ngót nghét gần 120km, con đường rừng như sợi chỉ mỏng vắt ngang sườn núi, vừa dốc, vừa quanh co, khúc khuỷu. Chiếc xe máy gắn liền từ thuở mới vào nghề, nhiều lần vào sinh ra tử “bon bon” chạy qua những cánh rừng bạt ngàn, những con suối nước chảy róc rách. Hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ, cuối cùng tôi đã đến được Trường Mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước.

Ấn tượng rõ nhất trong tôi là hình ảnh người đàn ông chừng hơn 36 tuổi, dáng vẻ cao, gầy, đang vui đùa cùng các cháu nhỏ. Anh là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thành Sơn, Bá Thước. Có ai nghĩ “giáo viên nuôi dạy hổ”, lại là hiệu trưởng mà là nam giới đâu.

Nghe mọi người thủ thỉ, thầy Trinh Hồng Quân, hiệu trưởng nhà trường từ ngày lên nhận công tác chịu nhiều sức ép từ dư luận, bạn bè, dân bản. Tiếp quản cơ sở vật chất khó khăn, với 5 điểm lẻ, 1 điểm trung tâm, trong đó khu trung tâm còn tạm bợ, chưa có nhà hiệu bộ, văn phòng, sân chơi cho học sinh và một số khu lẻ như Kho Mường, Nông Công, Eo Kén... chưa có nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Khó khăn là thế, nhưng thầy vẫn giữ vững lập trường, nỗ lực cố gắng để vận động 100% học sinh trong vùng đến trường.

Vốn xuất phát từ giáo viên xã miền núi khó khăn Lương Ngoại (Bá Thước) cảm thông những khó khăn, vất vả của cuộc sống vùng cao, thầy Quân luôn nỗ lực hết mình, cố gắng rèn luyện, dành thời gian, công sức để nuôi dạy các cháu nhỏ. Bản thân thầy cũng đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý trong sự nghiệp trồng người.

Giờ đây, với vai trò, cương vị mới, nhưng trong dòng máu vẫn sục sôi nhiệt huyết, bỏ qua mọi rào cản, định kiến của xã hội để cống hiến hết sức cho giáo dục huyện nhà.

Khó khăn là thế, nhưng một điều đáng khâm phục ở xã miền núi nơi đây là tinh thần hiếu học của các cô, cậu đồng bào dân tộc.

Thế mới thấy được sự hy sinh thầm lặng, lòng kiên trì bám trường, bám bản, của thầy cô giáo, đặc biệt là thầy giáo Trịnh Hồng Quân, hiệu trưởng nhà trường trong hành trình gieo ước mơ cho học trò.

Chuyến công tác lên xã Thành Sơn, Bá Thước, đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng, trải nghiệm thực sự ấn tượng, để tôi có được những cảm nhận sâu sắc, chân thực, những hình ảnh đẹp về những thầy giáo, cô giáo ngày đêm hết mình “gieo chữ” nơi vùng cao gian khó.

Những chuyến đi, trải nghiệm quý báu đó, cứ thế thôi thúc tôi tiếp tục cầm bút, là động lực để tôi xác định rõ trách nhiệm của mình, để rèn luyện “tâm sáng, bút sắc, lòng trong.”

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]