(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu được chọn lựa thêm một lần nữa, tôi sẽ vẫn lựa chọn nghề báo và lựa chọn những chuyến đi vất vả, những cung đường trải dài khắp các huyện miền Tây xứ Thanh. Tình yêu qua năm tháng chỉ bồi đắp thêm chứ chưa bao giờ phai nhạt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về những chuyến đi

Nếu được chọn lựa thêm một lần nữa, tôi sẽ vẫn lựa chọn nghề báo và lựa chọn những chuyến đi vất vả, những cung đường trải dài khắp các huyện miền Tây xứ Thanh. Tình yêu qua năm tháng chỉ bồi đắp thêm chứ chưa bao giờ phai nhạt.

Tôi yêu vùng cao

Trên những chuyến xe khách của nhà xe Hải Muối đi các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa đều ghi slogan “Tôi yêu vùng cao”. Phải là gắn bó, gần gũi lắm mới có slogan chứa đựng cả địa chỉ nơi xe dừng chân và cả tình cảm của ông chủ và những người lái xe chinh chiến dọc tuyến đường lên các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát... gửi gắm. Tôi cũng tự nhận mình “Tôi yêu vùng cao”, bởi tôi sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Từ khó khăn ấy, không chỉ riêng tôi mà những đứa bạn cùng trang lứa ở xóm nghèo đều phải nỗ lực muốn đi ra khỏi lũy tre làng chỉ bằng cách học hành chăm chỉ.

Tôi tốt nghiệp đại học rồi ra trường, gắn bó với Báo Văn hóa và Đời sống đến nay cũng đã tròn 8 năm. Quãng thời gian gắn bó với tờ báo cũng đồng nghĩa gắn bó với mảng đề tài về Miền núi - Dân tộc là nhiều hơn cả. Và những tác phẩm đoạt giải Báo chí của tỉnh, ngành tổ chức cũng đều là những tác phẩm gắn bó với miền núi như: Hang Con Moong - Di sản văn hóa vô giá của nhân loại; Chuyện kể ở thiên đường Cao Sơn; Đi tìm con chữ ở miền Tây xứ Thanh; Sớm ổn định đời sống người dân tái định cư nhà máy thủy điện ở Quan Hóa; Mường Lát rồi sẽ hồi sinh... Những chuyến đi gắn với sự vất vả của chặng đường dài, sự trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu những phong tục tập quán của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Dao... và từng ngày cảm nhận sự thay da đổi thịt của những vùng đất nơi mình dừng chân.

Năm 2013 trên hành trình lên vùng Son Bá Mười (Cao Sơn) xã Lũng Cao, huyện Bá Thước phải mất 4 giờ đồng hồ từ trung tâm xã băng rừng, trèo đèo mới có thể đến với Cao Sơn thì nay lên Cao Sơn đã có con đường to, rộng và đi xe ô tô chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Sau chuyến đi ấy tôi đã cho ra đời tác phẩm “Thiên đường ở Cao Sơn” gồm 3 kỳ. Đây cũng là tác phẩm báo chí đầu tiên khi về Báo VH&ĐS tôi đạt giải C giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2013. Từ tác phẩm đấy, những chuyến đi gắn bó với các huyện miền núi cũng dài hơn, xa hơn.

Năm 2018, trận lũ lịch sử hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đã khiến cho các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Hóa, Mường Lát... chịu thiệt hại nặng nề. Ngày 28/8, tôi còn đang chu du trên huyện miền núi Quan Hóa để thực hiện đề tài “Sớm ổn định đời sống người dân tái định cư nhà máy thủy điện Quan Hóa” thì cũng là lúc cơn bão số 4 ập đến. Suốt chặng đi ấy, mưa rả rích, mưa chưa có dấu hiệu dừng... nhưng tôi không ngờ đó lại là trật lụt bão lớn như thế và chỉ suýt soát nữa tôi có thể phải ở lại Trung Sơn, Quan Hóa thêm một tuần nữa vì đoạn đường sạt lở, cô lập.

Chuyến xe khách cuối cùng rời Trung Sơn thì cũng là lúc những quả đồi, đất đá ập xuống. Vài ngày sau đó, tôi quay trở lại Mường Lát, lúc này đang trong tình trạng cô lập, xe khách không thể đến trung tâm huyện. Chỉ có hai cách, đi thuyền ngược sông Mã lên huyện hoặc cuốc bộ theo tuyến 15C. Tôi chọn cách đi bộ. Xe khách dừng chân ở Trung Lý, “cửa ngõ” của huyện Mường Lát, vai đeo ba lô, máy ảnh, máy tính,... tôi cuốc bộ, men theo những đống sình lầy, đoạn đường nào có thể nhờ xe máy của người dân, tôi xin đi theo, đoạn đường nào sạt lở không thể đi, tôi... cuốc bộ. Đến vùng đất Nhi Sơn, cái chợ tình Nhi Sơn mà tôi mong ước vào ngày 15 của tháng nào đó, tôi sẽ lên với bà con, cùng uống rượu ngô, ăn mèn mén, thắng cố, ngắm những cô gái Mông xập xòe trong bộ quần áo, cái chợ tình trong mường tượng nên thơ lắm thì khi dừng chân sau trận lũ, tất cả đều tan hoang. Lều, bạt bị gió xé toạc. Đất đá từ trên đồi tuột xuống lấp gần hết khu chợ. Tôi bật khóc như một đứa trẻ. Trên nhà văn hóa, người dân bị mất nhà cửa đang phải ở tạm, những đứa trẻ lấm lem bùn đất, đôi mắt còn vương nỗi sợ hãi sau trận lũ lụt.

Và tôi đã lên tới thị trấn Mường Lát, thăm gia đình chị Phạm Thị Duyên, bản Na Tao. Chị là cô giáo mầm non quê ở Bá Thước đã 7 năm lên Mường Lát công tác rồi lập gia đình, từng là nhân vật trong loạt bài viết “Đi tìm con chữ ở miền Tây xứ Thanh” của tôi cách đây gần 5 năm. Chuyến đi Quan Hóa, Mường Lát của trận bão số 4 năm 2018 ấy, hai tác phẩm “Sớm ổn định đời sống người dân tái định cư nhà máy thủy điện Quan Hóa” và “Mường Lát rồi sẽ hồi sinh” đã giúp tôi đạt giải B và C giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2018.

Sẽ không đủ giấy bút để kể ra hết những kỉ niệm trên mỗi chuyến đi và chỉ có người trong cuộc mới hiểu lý do mình lựa chọn. Trên hành trình của mình, tôi luôn cảm thấy tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình để phản ánh đời sống của người dân qua những bài báo. Nghề báo đã giúp tôi nếm trải cung bậc cảm xúc ngọt ngào của những chuyến đi, để từ đó cho tôi thêm bản lĩnh, thêm kinh nghiệm sống quý giá. Tôi không thích cụm từ “nếu được lựa chọn” bởi tôi đã chọn và tôi sẽ vẫn tiếp tục những chuyến đi dài, gian nan và vất vả để biết mình được say mê và cống hiến.

Ngọc Huấn

Kỷ niệm lần ngược biên vùng lũ!

Đến bây giờ, hơn 2 năm sau ngày ngược biên Mường Lát đưa tin, bài về trận lũ quét năm 2018, tôi hãy còn thấy rùng mình những ngày kinh hoàng như mới hôm qua!

Có lẽ đường lên Mường Lát chưa bao giờ khó khăn, cách trở như đận ấy (hồi cuối tháng 8/2018). Những cơn mưa lớn triền miên như thác đổ từ ngày 28 đến ngày 31/8/2018 kéo theo những trận lũ ống, lũ quét, và sạt lở kinh hoàng. Toàn huyện Mường Lát bị cô lập. Điện mất, lương thực, thực phẩm đến nguồn nhiên liệu tiếp tế như xăng dầu đều bị cắt đứt, gần như cạn kiệt. Thời điểm chúng tôi lên, con đường bộ độc đạo duy nhất là QL15C đã bị vùi lấp từ xã Nhi Sơn, Pù Nhi. Phải dừng chân tại xã Trung Lý, cùng hơn 40 tấn gạo, hàng nghìn thùng mì tôm hỗ trợ nằm chờ không thể đến được với bà con.

Tác giả (người ở giữa) di chuyển thuyền trên sông Mã để tiếp cận vùng cô lập.

Từ Trung Lý đến cầu Chiềng Nưa hơn 10km nhưng có tới hàng chục điểm sạt lở phải cuốc bộ. Những ngọn núi sừng sững nhìn ngược là những con thác đất khổng lồ kéo dài xuống đến chân núi. Đó chính là kẻ thù đã cuốn trôi, xóa sổ những bản làng... Đến chân cầu Chiềng Nưa (xã Mường Lý) chúng tôi không thể tiếp tục di chuyển bằng đường bộ vì toàn tuyến hơn 10 km đến trung tâm huyện đã bị vùi lấp, thay vào đó, con đường duy nhất, lên xuồng ngược dòng Mã giang. Trên những con xuồng không đăng ký, đăng kiểm, người cầm lái cũng không có bằng cấp chuyên môn, song những ngày lũ dữ nếu như không có những đôi bàn tay rắn rỏi của họ, thì hơn 40 tấn gạo, cả nghìn thùng mì tôm không thể đến được với bà con nhân dân, cầm cự chờ thông tuyến! 13km đường sông chạy ngược, lũ trên sông Mã đã không còn dữ dằn như cách đây một vài hôm, nhưng nó vẫn gầm gào thách thức với những dòng nước xiết ngầu đục y như con thủy quái liên tục ngóc đầu trước mui xuồng đe dọa sẽ nuốt chửng chúng tôi.

Ngược dòng Mã giang ngày hôm trước chúng tôi nói vui vẫn chưa thấy “tử thần”. Sáng sớm hôm sau, tôi lên Mường Chanh cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tôi cùng với cán bộ ngân hàng đi bằng cách mà cho đến giờ tôi vẫn không thể tưởng tượng được. Xe gắn máy, người kéo, người lôi để cùng trườn bò lên những đống bùn đất tanh hôi mùi xác chết. Một bên là vực, một bên là núi lở, sơ sẩy bên nào tôi cũng có thể gặp nguy hiểm. Con đường vỏn vẹn 7km từ Quang Chiểu lên Mường Chanh nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó dài, đi mất nhiều thời gian thế!

Trước khi lên Mường Chanh mọi người bảo đừng lên, nhưng cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội Mường Lát lên được sao tôi không lên được!? Và rồi, khi mà đôi chân không còn muốn bước thì lại phải vứt xe lại bên bờ suối Na Chừa để leo bè mảng túm dây vượt suối. Nói không quá chứ tôi thấy “tử thần” trước mặt, song chúng tôi đã may mắn khi được người dân cùng những thanh niên có thâm niên kéo bè mảng trên con suối Na Chừa giúp đỡ nên đã qua suối sau khoảng 30 phút lênh đênh. Vừa hoàn hồn sau chuyến vượt suối kinh hoàng tiếp đất an toàn xuống đống bùn nhom nhen thì cán bộ ngân hàng thông tin- tôi vừa gọi cứu trợ xe của xã lên đón, cán bộ xã họ nhiệt tình lắm nhưng cơ mà... có người có xe nhưng không có xăng... các anh chịu khó cuốc bộ. 5km đồi núi lại trước mặt! Thật đúng nghĩa một chuyến đi.

Hôm nay, ngót mươi năm vào nghề, nhớ khi mới tập tễnh đọc những cuốn sách viết về nghề báo, đa phần đều nói cái nghề hiểm nguy, nhiều cám dỗ. Người làm báo luôn phải giữ cho mình “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”... Kỳ thực những chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều trải nghiệm để rắn rỏi, trưởng thành và chuyến ngược biên Mường Lát năm ấy là một trong những kỷ niệm khó quên!

Đình Giang

Về những người đàn bà đi trong “giông bão”...

Tôi đến với nghề báo như một sự tình cờ. Sau này về công tác tại Báo VH&ĐS tôi lại nghĩ đó như một cơ duyên. Từ chỗ không đam mê với việc viết lách nhưng sau 10 năm theo nghề tôi chợt nhận ra: nếu giờ không được cầm bút, tôi có thể không làm được gì hơn ngoài nghề báo.

Với người làm báo chúng tôi đó là hành trình của những chuyến đi. Đi và cảm nhận. Đi và viết. Thực tế những chuyến đi đấy dạy và tôi luyện cho những người cầm bút rất nhiều điều mà quan trọng nhất là không được đánh mất mình trong mọi hoàn cảnh.

10 năm trong nghề, một con số không quá dài nhưng cũng không quá ngắn và đến giờ trong tôi vẫn còn hằn rõ những con đường tôi đã qua, những nơi tôi đã đến, những người tôi đã gặp. Những nhân vật trong các bài viết của tôi, họ cũng đều trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, có hạnh phúc và đau khổ, tiếng cười và nước mắt... Tôi chợt nhận ra: Tôi - người cầm bút có những chuyến đi xâm nhập thực tế không phải của riêng mình và họ - những nhân vật trong bài viết của tôi lại có những chuyến đi của đời mình...

Trong những nhân vật tôi đã gặp, đã viết, có lẽ nhiều nhất vẫn là những người đàn bà đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong số họ, có những người lúc bị lừa bán hãy còn rất trẻ và trong suy nghĩ, họ cũng những mong có sự đổi đời, một giấc mơ thật hoàn hảo, hơn nhiều cuộc sống thực tế hiện tại. Vậy nên, chuyến đi đã đưa họ về nơi đất khách nhưng thật buồn, đấy là một chuyến đi đã không “thuận buồm, xuôi gió”, thậm chí chuyến đi đấy là một nỗi ám ảnh ghê sợ, rùng mình... Đó là nhân vật B.T.H, quê ở xã Thành Thọ (Thạch Thành) bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 18 tuổi trong bài viết “Chuyện người phụ nữ trở về sau 17 năm mất tích” in trên Báo VH&ĐS năm 2017. Kể cả sang Trung Quốc, chị bị bán lần lượt cho 2 người đàn ông lớn tuổi và sinh với họ 2 người con trai. Do bị đánh đập tàn nhẫn, chị đã bỏ trốn và về làm vợ người đàn ông Trung Quốc thứ 3. Khi về với người đàn ông này, chị H. không được mang theo 2 người con trai với 2 người chồng trước.

Khi nhớ lại những năm tháng tủi nhục trên đất khách chị H không cầm được nước mắt (ngồi bên cạnh là bố chị H).

Hay trường hợp chị N.T.M ở thị trấn Nông Cống (Nông Cống) bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 14 tuổi và bị lấy người đàn ông Trung Quốc hơn M. 30 tuổi. Rồi sau đó, M. đã bị bán vào nhà thổ. Sau này khi bỏ trốn, chị đã lấy một người đàn ông Trung Quốc và có 2 người con. Trong một lần được chồng cho về nước thăm người thân, chị M. đã trở về mà không được mang con theo và ở lại Việt Nam cho đến giờ...

Sau khi được trực tiếp trò chuyện với những con người này và ngay cả khi những bài báo của tôi về họ ra đời, điều ám ảnh nhất với tôi không phải là quãng thời gian cơ cực, tủi nhục trên đất khách mà chính là khi họ được về sống ngay trên chính mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình thì họ vẫn còn khổ. Cái khổ này không giống cái khổ nơi xứ người. Họ về quê khi có người đã bị tâm thần, người bị tai biến, có người phải sống trong một căn nhà tranh vách đất 7m2, có người tài sản không có gì ngoài cái nồi nấu cơm và bà con, hàng xóm thì vẫn phải chạy qua, chạy lại lúc cho bó rau, lúc cho bò gạo... Tôi cứ tự hỏi, thực sự họ có bình yên không, nơi quê nhà? Có thể nhưng chưa hẳn. Vẫn còn đó “cơn bão lòng” trong họ, vẫn còn đó thực tế của hiện tại, họ vẫn nghèo và vẫn khổ... Và chính họ đã thôi thúc tôi cầm bút để những mong có nhiều hơn sự cảm thông, chia sẻ cùng họ - những người đàn bà đi trong “giông bão”...

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]