(vhds.baothanhhoa.vn) - Dám nghĩ, dám làm là tinh thần của người trẻ. Như chia sẻ của Bí thư Chi đoàn thôn 5, xã Quý Lộc, huyện Yên Định - Nguyễn Trọng Hòa: “Người trẻ chúng tôi có thời gian, sai thì sửa, hỏng thì làm lại... Người trẻ được gán cho rất nhiều tính từ có vẻ đối nghịch nhau như nôn nóng, nông nổi, quyết liệt... Thực chất, những thanh niên thế hệ 9x, 10x từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ gắn bó với ruộng đồng, ấp ủ những hoài bão của riêng mình cùng khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra”.

Dám nghĩ dám làm

Dám nghĩ, dám làm là tinh thần của người trẻ. Như chia sẻ của Bí thư Chi đoàn thôn 5, xã Quý Lộc, huyện Yên Định - Nguyễn Trọng Hòa: “Người trẻ chúng tôi có thời gian, sai thì sửa, hỏng thì làm lại... Người trẻ được gán cho rất nhiều tính từ có vẻ đối nghịch nhau như nôn nóng, nông nổi, quyết liệt... Thực chất, những thanh niên thế hệ 9x, 10x từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ gắn bó với ruộng đồng, ấp ủ những hoài bão của riêng mình cùng khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra”.

Dám nghĩ dám làmChị Lê Thị Vân - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp CNC Rich Farm hướng dẫn nhân viên cách thi công, lắp đặt thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Nam

Rũ bùn... đứng dậy

Hầu hết họ là những thanh niên vừa mới lớn, bước ra khỏi trường THPT, bập vào đời sống, bị thúc ép của mưu sinh, nhưng vẫn quyết ở lại “ao làng” để lập nghiệp.

Là một trong ba người được Tỉnh đoàn đề nghị Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2020 - giải thưởng cho những nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc, Phạm Đình Tuấn Anh (thôn Đông Xuân, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn), mới 20 tuổi, nhưng đã có ý tưởng đầu tư 2.400m2 nhà lưới trồng giống dưa vàng với mật độ khoảng 2.400 - 2.600 cây trên diện tích 1.000m2. Sau khi đưa vào sử dụng sẽ đem lại doanh thu 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận 280 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động. Từ ý tưởng đến thực tế có những điều không giống nhau, vì thế để đạt được kết quả, Tuấn Anh đã phải ghi chép tỉ mỉ công việc hàng ngày từ cách bón phân, tưới nước, đến chăm sóc... Chính vì thế, sản phẩm của anh đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Không may mắn và thuận lợi như Tuấn Anh, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Hòa (sinh năm 1994, ở xã Quý Lộc, huyện Yên Định), sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Tốt nghiệp THPT, Hòa loay xoay từ TP Hồ Chí Minh rồi ra Hà Nội học điện lạnh. Nhưng quyết định lớn nhất của anh là trở về gắn chặt với mảnh đất quê nhà. Thời gian đầu, Hòa vay tất cả những người có thể vay để có tiền đầu tư xây dựng trang trại thỏ. Mạnh dạn là thế, nhưng lứa thỏ đầu tiên Hòa mất hầu như toàn bộ vốn liếng. Không nản, anh tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cả thỏ thịt và thỏ giống. Rồi thành công cũng đến với Hòa. Với sự nhanh nhạy, Hòa đã động viên, hướng dẫn, bao tiêu sản phẩm để bà con sẵn sàng làm trang trại vệ tinh. Mỗi năm tính ra Hòa có doanh thu trên 1 tỷ đồng, thu về lợi nhuận 400 triệu đồng; việc làm, góp phần giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình và nhiều lao động địa phương.

Chính nỗi sợ về cái nghèo là động lực để rất nhiều thanh niên trẻ nỗ lực phấn đấu. Lang Văn Chung (thôn Chiềng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) nhớ lại ngày đầu trao đổi với bố mẹ dự định làm trang trại tổng hợp. Anh chia sẻ: “Tất cả mọi người đều lo lắng. Đã nghèo lại phải gánh thêm một đống nợ, lúc nào mới ngẩng mặt lên được. Lúc đó vốn liếng duy nhất của tôi là tinh thần khởi nghiệp”. Và anh vẫn quyết làm trang trại kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm với đào ao thả cá và thầu đất trồng keo, xoan. Kể từ ngày có ý tưởng đến nay đã hơn 8 năm, mỗi năm thu nhập trung bình từ trang trại là 200 triệu đồng, Chung không chỉ truyền lửa cho những người xung quanh mà mô hình của anh trở thành điểm tựa để những thanh niên ở xã vùng biên Bát Mọt phát triển.

Tuấn Anh, Hòa, Chung... đều là những thủ lĩnh trong công tác đoàn, họ đã nêu cao tinh thần của thanh niên, không sợ khổ, không sợ khó, quyết tâm đi lên bằng sức trẻ.

Đi để trở về

Lê Thị Vân (sinh năm 1986), tốt nghiệp ngành Kỹ sư nông học của Trường Đại học Hồng Đức, đã làm việc tại Tập đoàn Netafim (Israel) về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Sau 10 năm tích lũy kinh nghiệm, chị quyết định trở về quê thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp CNC Rich Farm, tại thị trấn Sao Vàng, chuyên thi công, lắp đặt nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới và cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với slogan của công ty: “Vươn lên từ đất, làm giàu từ đất” doanh thu trên 20 tỷ đồng, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng, chị không chỉ đạt được mong muốn làm giàu mà còn giải quyết việc làm cho 35 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6,5-10 triệu đồng/tháng và 30 lao động thời vụ. Chẳng có gì dễ dàng để biến ý tưởng khởi nghiệp trở nên thành công trong cuộc sống nếu không có sự nỗ lực, cố gắng và cả những thương đau, Lê Thị Vân đã đi qua những thử thách để có 2 cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hậu Lộc và Thọ Xuân. “Chặng đường khó khăn để khởi nghiệp tôi không muốn đề cập đến nữa. Phía trước đang là cả bầu trời”, chị Vân chia sẻ.

Dám nghĩ dám làmAnh Nguyễn Trọng Hòa chăm chỉ với công việc chăm sóc thỏ ở trang trại của mình. Ảnh: Chi Anh

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Lê Ngọc Đạt tạm gác lại tấm bằng kỹ sư nông nghiệp cùng mức lương 1.500 USD/tháng ở Hà Nội, trở về quê - xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân khởi nghiệp. Anh nghĩ: “Tấc đất tấc vàng, đó là lợi thế để một thanh niên như tôi khởi nghiệp. Quê mình đất đai còn nhiều, cơ hội bắt đầu không thiếu”. Ban đầu, Đạt chỉ vay 50 triệu đồng từ anh em, bạn bè để thuê đất, mua giống cây. Trong quá trình làm, Đạt nhận ra nếu không tiếp cận công nghệ cao thì sẽ không thể thành công, bởi với kiến thức nhà trường và thực tiễn, Đạt hiểu rằng áp dụng công nghệ sẽ tiết giảm nhân công, chi phí sản xuất, lại phòng chống được sâu bệnh và quan trọng hơn là thu hoạch quanh năm. Anh mạnh dạn xây dựng hệ thống nhà màng kính nông nghiệp với công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, điều hòa không khí để trồng các cây dưa lưới Nhật Bản, đậu tương giống, rau màu và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu... trên diện tích 7.000m2. Và để có thương hiệu cho sản phẩm, anh đã thành lập Công ty CP Great Farm, tự mình tìm hiểu thị trường, liên hệ với các đại lý, siêu thị giới thiệu và đến tham quan mô hình. Đến nay, các sản phẩm của anh đã có mặt ở thị trường trong, ngoài tỉnh và còn xuất khẩu sang Trung Quốc; cho thu nhập 500 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động.

Có trình độ, công việc ổn định, nhưng nhiều người trong đó có chị Vân, anh Đạt vẫn trở về quê để thực hiện giấc mơ “làm chủ”. Lý giải về điều này, ngoài tình yêu quê hương, họ còn nhìn thấy tiềm năng nơi quê nhà, và hơn hết là khát khao của tuổi trẻ: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết dành phần ai”.

Dám nghĩ đã là sự khởi đầu tốt, nhưng dám làm là cả hành trình thử thách gian nan. Hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp đều với số vốn ít ỏi, thậm chí tay trắng; sau vài năm, từ nguồn vốn, đến quy mô sản xuất, doanh thu và lợi nhuận đều gia tăng. Hy vọng họ tiếp tục hiện thực hóa ước mơ làm giàu bằng hành động thiết thực, có lợi cho quê hương, cho cộng đồng, xứng đáng với lời dặn của Bác: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Không phải vì nghèo, vì không thể tìm công việc, rất nhiều bạn trẻ chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Ngoài đam mê, họ nhìn thấy lợi thế, tiềm năng và sự phát triển về nông nghiệp ở Thanh Hóa.

Chi Anh


Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]