Vùng đất Hoằng Hóa nổi tiếng hiếu học với những “làng khoa bảng” nổi danh cả nước. Và để sự học được ươm mầm, là công lao của những người thầy mà tên tuổi đã ghi danh thơm trong lịch sử. Trong đó, Đốc học - thầy giáo Nhữ Bá Sỹ được học trò kính trọng, người đời yêu mến không chỉ bởi “tâm, tầm” của một người dạy chữ, mà còn cả tấm lòng “Nặng với giang sơn một khối tình”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Danh thơm thầy giáo Nhữ Bá Sỹ

Vùng đất Hoằng Hóa nổi tiếng hiếu học với những “làng khoa bảng” nổi danh cả nước. Và để sự học được ươm mầm, là công lao của những người thầy mà tên tuổi đã ghi danh thơm trong lịch sử. Trong đó, Đốc học - thầy giáo Nhữ Bá Sỹ được học trò kính trọng, người đời yêu mến không chỉ bởi “tâm, tầm” của một người dạy chữ, mà còn cả tấm lòng “Nặng với giang sơn một khối tình”.

Danh thơm thầy giáo Nhữ Bá SỹVăn bia “Nhữ Đạm Trai tiên sinh bi” do Thượng thư Bộ Lễ Hoàng Vỹ soạn năm 1898, hiện đặt tại gia đình bác Nhữ Cao Sơn ở thôn Ba Đình, xã Hoằng Cát.

Kẻ sĩ… lỡ bước

Lần theo sử liệu, chúng tôi tìm về làng Cát Xuyên nay là thôn Ba Đình, xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) nơi sinh ra Nhữ Bá Sỹ và cũng là địa điểm có trường học Nghi Am xưa nổi tiếng một thời. Thời gian cùng những biến động lịch sử khiến nhiều thứ đổi thay, giờ đây đứng trước nơi thờ người thầy đáng kính, tôi có chút xa xót, trĩu nặng tâm tư. Trong căn nhà cấp 4 cũ có nhiều dấu hiệu xuống cấp, bác Nhữ Cao Sơn, 70 tuổi - hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nhữ Bá Sỹ thắp nén hương thơm, ngậm ngùi nói: “Cụ nhà (Nhữ Bá Sỹ) một đời tài hoa nhưng đáng tiếc đến bây giờ, một nhà thờ riêng khang trang, xứng với danh tiếng thơm của cụ cũng chưa có. Vì những biến động lịch sử mà nhà, đất của cụ nhiều năm trước đã được “chia” cho gia đình khác. Mỗi khi có khách ghé thăm, thực sự tôi cũng bối rối, nhưng biết làm thế nào được”.

Vừa nói, bác Nhữ Cao Sơn vừa dẫn chúng tôi ra nơi đặt “tạm” tấm văn bia Nhữ Đạm Trai tiên sinh bi (bia thờ thầy Nhữ Đạm Trai) do người học trò tên Hoàng Vỹ, người Quảng Bình, giữ chức Thái tử thái phó, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lễ sung cơ mật viện đại thần thời Thành Thái soạn năm 1898 với lời lẽ kính trọng: “Tôi: Hoàng Vỹ muộn lắm mới đến học cửa thầy, nay may mắn giữ chức Thượng thư Bộ Lễ, gặp Duy Cơ nơi công đường, tìm biết sự trạng của thầy xin kính cẩn ghi khắc vào bia mong tỏ chút lòng ngóng trông núi cao đạo cả”.

Theo nội dung văn bia Nhữ Đạm Trai tiên sinh bi, Nhữ Bá Sỹ (1788-1867) hiệu là Đạm Trai, tự Nguyên Lập. Cha ông dù không đỗ đạt song lại rất coi trọng việc học hành, sẵn sàng bán ruộng vườn để lo việc đèn sách cho các con. Từ nhỏ, cậu bé Nhữ Bá Sỹ đã được cha răn dạy: “Xưa nay bao người không ruộng, chỉ sống bằng chiếc nghiên mực, đừng lo chữ không nấu ăn được”. Vâng theo lời cha, Nhữ Bá Sỹ dành hết thời gian và tinh lực cho việc đọc sách cổ nhân. Ngoài các sách kinh, sử thì sách thiên văn, địa lý, luật, lịch, bản đồ đến sách thuốc... cậu đều xem hết.

Cũng như bao sĩ phu đương thời, Nhữ Bá Sỹ mong đem sự hiểu biết của mình phục vụ cho đất nước. Theo sách “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa”, năm Minh Mệnh thứ 2, ông đỗ cử nhân, được bổ làm tri huyện, sau thăng Hình bộ viên ngoại lang. Tính ông vốn ngay thẳng, làm việc liêm chính nên khiến kẻ tham quan ghen ghét. Năm 1830, trong chuyến đi thanh tra thuế đinh ở Quảng Ngãi ông bị kẻ xấu vu cáo hãm hại dẫn đến cách chức và kết án giam. Sau đó phải đi “hiệu phái” sang Quảng Đông (Trung Quốc). Nói về biến cố này, văn bia Nhữ Đạm Trai tiên sinh bi cũng ghi: “Đương lúc vấp trước ngã sau lênh đênh giữa biển trời sóng to, gió dữ, trong cảnh oan khuất khốn cùng, thế mà thầy chí càng vững, tài càng chín, tấc dạ không lúc nào quên việc báo đền. Khi việc công rỗi rãi thầy cùng ông Mục Liên Tiên người xứ Tiền đường lập hội Trung Ngoại Quận Anh (hình thức câu lạc bộ văn thơ giữa các học giả Trung Quốc và những nước sử dụng chữ Hán) phất cờ gióng trống lừng tiếng miền Bắc Thành, Ngũ Dương. Trong các bài thơ xướng họa tuyệt không thấy cái buồn của người anh hùng lỡ bước, trái lại lúc này thơ văn càng hay hơn nhiều”. Từ Quảng Đông về, ông được phục chức giáo thụ phủ Hoài Đức rồi đốc học Thanh Hóa.

Người thầy đáng kính

Chán nản chốn quan trường, Nhữ Bá Sỹ đã xin cáo quan về quê. Dù triều đình, các viện, sử quán nhiều lần tiến cử, ông đều lấy cớ có bệnh để ở lại quê nhà viết sách, mở trường dạy học. Trường Nghi Am của ông ở làng Cát Xuyên nhộn nhịp sĩ tử xa gần đến xin chỉ dạy.

Cũng theo sách “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa”, với học thức uyên thâm và lối dạy không “nô lệ” cổ nhân, không lệ thuộc sách vở, sinh thời thầy giáo Nhữ Bá Sỹ thường nhắc đến hai chữ “giới khí” (răn mọi người không được dối trá) để thầy và trò cùng noi theo: Biết không thấu đáo mà đem dạy người là dối thiên hạ. Người học không nghiêm túc, không đến nơi đến chốn là tự dối mình. Ông đòi hỏi mọi người phải đào kĩ nghĩ sâu. Khi nhiều nhà nho bài bác đạo Phật, đạo Lão, đạo Gia tô, chỉ tôn sùng đạo của Khổng Tử, ông nói: “Người ta cứ nói đạo nọ, đạo kia là dị đoan, là tà giáo. Nhưng nếu không đi sâu nghiền ngẫm ngọn ngành các thuyết thì sao biết đúng ở chỗ nào, tà ở chỗ nào”. Ngoài dạy kiến thức, thầy giáo Nhữ Bá Sỹ thường khuyến khích học trò tìm hiểu về ca dao tục ngữ, cuộc sống để nắm chân lý, không đóng khung trong sách vở thánh hiền xưa. Đặc biệt, ông không đặt mình “cao” hơn học trò, mà luôn coi trò là bạn, thường gọi học trò là “tiểu hữu”.

Tiếng thơm hay chữ của thầy giáo Nhữ Bá Sỹ vang khắp nơi, bởi vậy học trò tìm đến trường Nghi Am theo học ngày càng đông. Trong đó, nhiều người đỗ đạt cao, giữ trọng trách trong triều đình, như: Thám hoa Mai Anh Tuấn (người Nga Sơn); bảng nhãn Phạm Thanh (người Hậu Lộc); Phạm Bành (vừa là học trò, vừa là con rể); Thượng thư Bộ Lễ Hoàng Vỹ (người Quảng Bình)…. Bên cạnh dạy học, từ những kiến thức nghiền ngẫm, nghiên cứu mà có được, thầy giáo Nhữ Bá Sỹ còn dành tâm lực cho việc viết sách, để lại cho hậu thế nhiều cuốn sách quý: Dịch học giải thuyết; Thái cực đồ thuyết; Thanh Hóa tỉnh chí; Nghi Am biệt lục… tất cả 17 cuốn. Và như học trò Hoàng Vỹ đã viết trong Bia thờ thầy Nhữ Đạm Trai: “Thầy Đạm Trai nếu tài học được trọng dụng sớm thì sao mà có được mười mấy bộ sách con cháu cất làm của quý, nhiều người ngẫm lòng? Sao mà có được các vị họ Mai, họ Phạm kiệt xuất một thời giúp việc cho nước? Sao mãi đến nay ở Thanh Hóa đất nhà vua, sĩ phu đông đảo hết lòng hâm mộ tôn thầy làm khuôn mẫu đời đời”.

Dù cáo quan về quê làm thầy giáo song tấm lòng Nhữ Bá Sỹ vẫn đau đáu với vận mệnh đất nước. Sách “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” còn ghi, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông nhiều lần dâng sớ đề nghị đánh giặc. Sớ của ông dài hàng vạn chữ, lời lẽ thống thiết, đủ mưu lược. Năm 1865, dù đã 78 tuổi, ông vẫn đi vào Nghệ An để bàn việc chống giặc với văn thân tỉnh bạn. Đáng tiếc, sau khi trở về lo việc phòng bị đề phòng giặc đến thì ông ốm nặng và qua đời. Trong gia phả dòng họ Nhữ ở Cát Xuyên còn lưu bài thơ “Tự thuật”, ông viết với những câu chất chứa nỗi niềm: “… Một tay gấm dệt muôn vàn chữ/ Chín khúc tơ vò một bộ kinh/ Vơ vẩn năm canh hồn cố quốc/ Tấm lòng thương giống Rồng Tiên lắm/ Nặng với giang sơn một khối tình”.

Tự hào về người thầy Nhữ Bá Sỹ, năm 1989 trên cơ sở trường năng khiếu ra đời trước đó, huyện Hoằng Hóa đã thành lập Trường THCS Nhữ Bá Sỹ. Đến nay, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ tự hào là “cái nôi” bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện và tỉnh. Đặc biệt, liên tục từ năm học 2016 đến nay, nhà trường luôn dẫn đầu toàn tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thầy giáo Lê Đăng Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho biết: “Hàng năm, trước mỗi kỳ thi học sinh giỏi, thầy và trò nhà trường đều tổ chức về làng Cát Xuyên, dâng hương, viếng lăng mộ của cụ Nhữ Bá Sỹ, để cùng nhắc nhớ về tài đức của người thầy giáo đáng kính, từ đó nỗ lực, cố gắng trong việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, xứng danh ngôi trường mang tên Nhữ Bá Sỹ”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]