(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020 được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa đã chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn từ một nhiệm kỳ đại hội

Nhiệm kỳ 2015 - 2020 được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa đã chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn mới.

Diện mạo TP Thanh Hóa đang trở nên hiện đại hơn. (Ảnh: Trần Đàm)

Các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh thời cơ, thuận lợi là cơ bản song thành phố cũng còn gặp khó khăn trong việc tập trung giải quyết các vấn đề do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; quản lý nhà nước một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu... Song nhờ những giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ nên tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 16,5%, hoàn thành mục tiêu đề ra, cao hơn 1,5 điểm % so với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy lợi thế công nghiệp và dịch vụ; tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm từ 5,7% năm 2015 xuống còn 3,0% năm 2020; công nghiệp, xây dựng tăng từ 63,1% lên 64,7%; dịch vụ tăng từ 31,2% lên 32,3%. Cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác và phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn với thị trường tiêu thụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp 1,93 lần so với năm 2015; tổng giá trị sản xuất ước đạt 127.956 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015.

Dịch vụ - thương mại phát triển nhanh cả về quy mô, loại hình; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; khẳng định vai trò là đầu mối giao thương trong và ngoài tỉnh. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 17,8%, vượt mục tiêu kế hoạch 1,2%, cao hơn 2,1 điểm % so với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 41.812 tỷ đồng, gấp 2,27 lần năm 2015. Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả cao, kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 18,4%; năm 2020 ước đạt 1.750 triệu USD, vượt mục tiêu kế hoạch 16,7%, gấp 2,32 lần so với năm 2015. Dịch vụ du lịch có nhiều chuyển biến, đã xây dựng được điểm du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn, tuyến du lịch ngược xuôi sông Mã và 14 tuyến du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh; chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng lên. Lượng khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng, giai đoạn 2016 - 2020 thành phố đã đón 8.330.000 lượt khách tham quan, mua sắm, tăng 38% so với giai đoạn 2011 - 2015 (có 261.500 lượt khách quốc tế); doanh thu ước đạt 8.150 tỷ đồng, tăng 38% so với giai đoạn 2011 - 2015; hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Bên cạnh đó sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 16,8%, cao hơn 0,8 điểm % so với giai đoạn 2011 - 2015.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đến năm 2019 có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước một năm so với mục tiêu đề ra. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng để đạt chuẩn nông thôn mới được thực hiện theo hướng kết nối với các phường nội thành và hoàn thiện một bước về hạ tầng đô thị. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện, 100% các phường, xã đã đăng ký ít nhất 1 sản phẩm có thương hiệu. Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị; phối hợp với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư. Công tác vận động, xúc tiến đầu tư được tăng cường và đạt kết quả tích cực, giai đoạn 2016 - 2020 có 168 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn...

Diện mạo thành phố khởi sắc rõ nét

Song song với những nhiệm vụ trên, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị đạt nhiều kết quả nổi bật, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh; hạ tầng đô thị phát triển nhanh theo hướng đồng bộ; bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc, từng bước văn minh, hiện đại. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được tăng cường theo hướng tuân thủ và đồng bộ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 toàn thành phố, phê duyệt và trình phê duyệt 51 mặt bằng quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích 237,73 ha; phối hợp với các tập đoàn lớn nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết một số dự án trọng điểm trên địa bàn như: Khu đô thị Hồ Thành, Khu đô thị mới xã Long Anh và xã Hoằng Quang, khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ; rà soát, điều chỉnh và đề nghị điều chỉnh nhiều nội dung quy hoạch không còn phù hợp, nâng cao tính khả thi, khớp nối và đồng bộ của quy hoạch; phối hợp với Sở Xây dựng lập, trình thẩm định quy hoạch chung đô thị thành phố Thanh Hóa đến năm 2040. Tốc độ đô thị hóa nhanh, ranh giới đô thị được mở rộng; tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để thành lập 10 phường trên cơ sở 10 xã hiện có, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 96,3%.

Song song với hoạt động trên, lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa và xã hội hóa; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Quan tâm xây dựng hình ảnh con người đô thị kết hợp với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng xã văn hóa, phường văn minh đô thị, phường, xã, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích được chú trọng, trong nhiệm kỳ đã có 4 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh; khôi phục và quản lý chặt chẽ các lễ hội truyền thống trên địa bàn. Thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, thể thao thành tích cao đứng đầu toàn tỉnh và là địa phương đóng góp chủ yếu số lượng vận động viên cho thể thao thành tích cao của tỉnh. Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, nhất là chất lượng mũi nhọn. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, coi trọng giáo dục nhân cách, lối sống, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh.

TP Thanh Hóa đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển. (Ảnh: Trần Đàm)

Xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả tích cực. Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng bộ thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện, xác định rõ các nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” trong cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, yêu cầu xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm điểm; kiên trì giáo dục, đấu tranh, xử lý theo đúng quy định của Đảng đối với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm lãnh đạo và có nhiều chuyển biến. Từng bước đổi mới phương thức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bằng các hình thức cụ thể, thiết thực, đề cao ý thức tự nghiên cứu, tích cực thảo luận để tạo sự thống nhất trong nhận thức. Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước và triển vọng phát triển của thành phố. Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên được quan tâm thực hiện, kết nạp mới 2.060/2.000 đảng viên (đạt 103% chỉ tiêu đề ra). Công tác quy hoạch cán bộ, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm thực hiện, cơ bản đảm bảo quy định. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường. Chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên; giám sát thường xuyên được mở rộng; kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm được quan tâm, các sai phạm, khuyết điểm được làm rõ và xử lý nghiêm minh; những tồn tại, hạn chế sau kiểm tra, giám sát được chỉ đạo sửa chữa, khắc phục nghiêm túc, góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền thành phố Thanh Hóa tiếp tục đề ra các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với phương châm hành động: Đoàn kết - Kỷ cương - Nêu gương - Sáng tạo - Phát triển, thành phố Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành thắng lợi 27 chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, an ninh trật tự, xây dựng Đảng và 3 chương trình trọng tâm, 2 khâu đột phá. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 15,3%; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2025 đạt 130 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm: 39.200 tấn. 100%xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 98% tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025. 100% trường đạt chuẩn quốc gia năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm (theo tiêu chí mới) 0,3%. 80% trở lên tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm: 80% trở lên.

Trước yêu cầu phát triển mới còn gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI đề ra, xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]