(vhds.baothanhhoa.vn) - Hai lần điền giã từ Tĩnh Tây đến Nam Ninh qua 30 địa danh nhà tù để hiểu sâu hơn Nhật ký trong tù. Tĩnh Tây để lại trong tôi rất sâu đậm, lòng dặn lòng thế nào cũng trở lại, tìm đến những địa chỉ đỏ Bác Hồ hoạt động trên chặng cuối của con đường đi tìm đường cứu nước. Tĩnh Tây cũng là nơi Bác bị chính quyền Trung Hoa dân quốc giam cầm khi Người đang trên đường đến Trùng Khánh về việc đại sự Tìm đến Trung Hoa gặp yếu nhân mà bị Hiềm nghi là gián điệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đến những địa chỉ đỏ Tĩnh Tây, Trung Quốc nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng

Hai lần điền giã từ Tĩnh Tây đến Nam Ninh qua 30 địa danh nhà tù để hiểu sâu hơn Nhật ký trong tù. Tĩnh Tây để lại trong tôi rất sâu đậm, lòng dặn lòng thế nào cũng trở lại, tìm đến những địa chỉ đỏ Bác Hồ hoạt động trên chặng cuối của con đường đi tìm đường cứu nước. Tĩnh Tây cũng là nơi Bác bị chính quyền Trung Hoa dân quốc giam cầm khi Người đang trên đường đến Trùng Khánh về việc đại sự Tìm đến Trung Hoa gặp yếu nhân mà bị Hiềm nghi là gián điệp.

Tác giả (bên trái) trò chuyện với GS Phạm Hồng Quý (Trung Quốc) - chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.

Tháng 10/1940, Bác Hồ rời văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm về Tĩnh Tây để tìm cách bắt liên lạc với Ban Hải ngoại Đảng cộng sản Đông Dương và tìm mối gặp đồng chí mình từ Việt Nam sang chuẩn bị kế hoạch về nước của Bác. Khi Bác về Tĩnh Tây thì đồng thời Bác cũng cho chuyển trụ sở Việt Nam độc lập đồng minh ở Quế Lâm về Tĩnh Tây.

Tĩnh Tây tiếp giáp với 3 huyện: Quảng Hà, Trà Lĩnh, Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng nước ta, đặc biệt biên giới Tĩnh Tây với Hà Quảng, nơi Bác Hồ vượt cột mốc 108 về Pác Bó, Người đã ở hang Pác Bó chỉ đạo trực tiếp cách mạng Việt Nam; Hà Quảng cũng chính là nơi Bác với tư cách là ủy viên Quốc tế cộng sản triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, đề ra những quyết sách quan trọng và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ xem và trao đổi về hoạt động của Nhà trưng bày Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang tại số nhà 302 Tân Sinh, huyện lỵ Tĩnh Tây một cán bộ của nhà trưng bày đưa tôi đến khu di tích Long Lâm, nơi Bác Hồ hoạt động khi từ Quế Lâm về Tĩnh Tây. Di tích Long Lâm có hai địa chỉ ghi dấu ấn là ngôi nhà cũ của ông Trương Đình Duy, Bác Hồ đã ở cùng gia đình ông và kết nghĩa anh em với một số người ở địa phương, để giúp đỡ, bảo vệBác hoạt động. Ông Trương Đình Duy cao tuổi nhất là anh cả, Bác Hồ là anh Hai, Lâm Bích Phong(*) là anh Ba (có một số ngày Bác ở nhà Lâm Bích Phong tại xã Vinh Lao)... tất cả 12 người, Lê Quảng Ba là người thứ 12.

Thời gian này, Long Lâm hay bị Hương Cảnh lục soát mỗi khi có biến. Trương Đình Duy bàn với Lâm Bích Phong đưa Bác vào ở động Long Lâm, cách chợ Long Lâm gần 3 km và cử Dương Thuận Phong (tức Dương Kỳ Châm) cháu ruột ở cùng giúp đỡ Bác. Dương Thuận Phong nghe Bác đọc thơ, thấy thơ hay, có nhiều ý nghĩa, nên đã viết trên vách đá hang động Long Lâm 2 bài thơ, bài 1 thất ngôn tứ tuyệt: Tam thai đối diện điểm thanh điềm/ Lưu thủy sàn sàn bạn ngã miên/ Tẩu biến thiên nhai thiên lý lộ/ Tàng thân thử động tối an toàn (Trên núi Tam thai đối diện với cửa động, tiếng chim hót ngọt ngào/ Nước chảy rì rầm cùng tôi vào giấc ngủ/ Đi khắp chân trời, trên đường ngàn dặm/ Ẩn thân nơi này là nơi an toàn nhất); bài 2 ngũ ngôn tứ tuyệt: Thử động chân chính hảo/ Thắng tỷ thất tinh nham/ Việt nhân đáo thử xứ/ Mặc bất tâm khai nhan. (Hang này thực sự là rất tốt/ Tốt hơn cả vách núi Thất Tinh (ở Quế Lâm)/ Người Việt nay đến nơi này/ Không thể không tươi cười được).

Ở Tĩnh Tây có 3 khu di tích những nơi Bác Hồ làm thơ, ngoài Long Lâm, còn di tích Ba Mông, di tích nhà tù Tĩnh Tây. Khi hoạt động ở thôn Ba Mông, xã Cư Dương, Bác ở nhà Từ Vĩ Tam, kết nghĩa anh em với Vương Tích Cơ, Hoàng Đức Quyền, Hoàng Đại Hán... nguyệnmột lòng một dạ cùng nhau. Để đảm bảo an toàn cho Bác, Từ Vĩ Tam đề xuất đưa Bác vào ở hang động Mông Sơn núi Phong Nham cách Ba Mông khoảng hơn 1km, cây cối rậm rạp, ít người biết. Hồi đó có Hoàng Tài Phán, một người dân ở Ba Mông đang trốn trong hang để nấu rượu. Sau khi bàn bạc với Hoàng Tài phán, Từ Vĩ Tam cùng những anh em kết nghĩa đưa Bác vào hang, Hoàng Tài Phán nhận chăm sóc Bác và liên lạc với bên ngoài. Tại vách đá trong hang, Bác viết mấy câu chữ Hán “Kết nghĩa đệ huynh, đại gia nhất điều tâm” (Kết nghĩa anh em, mọi người đồng lòng), “Thực hành tân sinh hoạt, hoàn ngã cựu sơn hà” (Thực hành đời sống mới, trả lại non sông cũ cho ta). Đặc biệt có bốn câu thơ: Nhật xuất Đông phương nhất điểm hồng/ Nga mi phượng nhãn tự loan cung/ Mã thiên tinh đẩu linh định điếu/ Ô vân cái nguyệt ám mông lung”. Theo Giáo sư Hoàng Tranh, Trung Quốc đây là: “Bài thơ tả buổi bình minh khi Bác Hồ ngắm cảnh qua cửa động. Tuy là tả cảnh nhưng ẩn ý cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ xua tan đêm tối trước bình minh”.

Ở Ba Mông còn một di tích nữa. Tháng 8/1942, trên đường từ Hà Quảng đi Trùng Khánh, Bác lưu lại nhà Từ Vĩ Tam 3 ngày, Dương Đào (tên tục là Dương Thắng Cương) xung phong dẫn đường Bác đi Trùng Khánh, vì Lê Quảng Ba bị đá núi lăn va vào chân, bị thương không đi được. Khi Bác và Dương Đào đến Túc Vinh thì bị bắt, Dương Đào bị giải đến giam giữ trong tù Liễu Châu. Do bị đầy đọa, Dương Đào bị bệnh lao và mất ở Liễu Châu tháng 9/1943. Nghe tin Dương Đào mất Bác rất thương cảm và đã gửi gắm lòng mình trong bài thơ Dương Đào bệnh trọng: Vô đoan bình địa khởi ba đào/ Tống nhĩ Dương Đào nhập tọa lao/ “Thành hỏa trì ngư” kham hạo thám/ Kim nhi nhĩ hữu khái thành lao (Không dưng đất bằng nổi sóng/ Đưa anh Dương Đào vào ngồi tù/ “Cháy thành vạ lây” đáng than thở biết mấy/ Mà nay, anh lại mắc chứng lao). Sau này trên cương vị Chủ tịch nước, Bác nhiều lần tha thiết đề nghị cơ quan thẩm quyền Trung Quốc công nhận Dương Đào là liệt sĩ và lập bia kỷ niệm. Năm 1950, Trung Quốc đã phê chuẩn Dương Đào là liệt sĩ và tháng 5/2013 tại Ba Mông đã dựng bia liệt sĩ Dương Đào.

Tại huyện ly Tĩnh Tây, Bác bị giam giữ và vấn thoại trong nhà tù 43 ngày. Trong thời gian này Bác viết 26 bài thơ nói về cảnh khổ cực ở nhà giam (từ bài thơ Nhập Tĩnh Tây huyện ngục đến bài Nạn hữu nguyên chủ nhiệm L), những suy nghĩ và thái độ ứng xử của Bác. 26 bài thơ này, chiếm khoảng 1/5 trong tổng số 133 bài thơ làm nên tập thơ Ngục trung nhật ký bất hủ. Trên mảnh đất nhà tù Tĩnh Tây, nay xây dựng thành trụ sở của Hội nghị hiệp thương chính trị (Chính hiệp) của huyện Tĩnh Tây.

Tĩnh Tây với Hà Quảng phân chia bằng cột mốc 108, nơi Bác Hồ vượt biên giới về nước đã trở thành di tích lịch sử cách mạng của hai nước. Về phía Trung Quốc nay là cột mốc 675. Vùng biên giới này có 3 di tích được bảo tồn thuộc xã Thôn Bàn. Đó là di tích Mạch Ma, có 2 địa chỉ: một là, tại thôn Lộng Pha Văn, Bác đã ở nhà Lý Quốc Tùng, được vợ chồng Lý Quốc Tùng và con gái Mỹ Ni giữ bí mật và chăm sóc tận tình. Tại ngôi nhà này, Bác đã đón các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến báo cáo tình hình trong nước, tình hình các đồng chí mình hoạt động ở Tĩnh Tây và xin ý kiến chỉ đạo. Theo Lý Quốc Tùng nếu Bác ở lâu trong nhà dễ bị dòm ngó và bị lộ nên ông đã xin ý kiến Bác, chuyển Bác vào hang Mạch Ma để đảm bảo an toàn. Bác đồng ý. Hai là, gần Mạch Ma có bản Nậm Quang, thuộc thôn Linh Quang, cũng là một điểm an toàn. Sau một thời gian, để tiện liên lạc với đồng chí của mình, Bác đã chuyển từ hang Mạch Ma đến ở nhà Hứa Gia Khởi. Tại đây Bác mở lớp huấn luyện cho 43 thanh niên từ Việt Nam sang tham gia lớp huấn luyện, bồi dưỡng cách mạng về tình hình thế giới và trong nước, cách tổ chức đoàn thể quần chúng, tuyên truyền, huấn luyện đấu tranh cách mạng... Giúp việc cho Bác có các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Bác trực tiếp giảng bài, biên soạn tài liệu, sau in thành sách Con đường giải phóng. Gần giáp Tết lớp huấn luyện bế mạc, các học viên trở về Việt Bắc và tỏa đi một số nơi trong nước.

Sáng mồng một Tết Tân Tỵ - 1941, Bác cùng một số đồng chí đi chúc Tết nhân dân Nậm Quang và Nậm Tấy. Bác tặng mỗi gia đình một tờ giấy hồng điều, tự tay Bác viết 4 chữ Cung chúc tân niên (Chúc mừng năm mới), các cháu thiếu nhi được Bác mừng tuổi, mỗi cháu 1 xu đựng trong phong bao. Sáng mồng hai Tết, tức ngày 28/1/1941, trời chưa sáng, Bác và những đồng chí hộ tống Bác rời Nậm Quang lên đường về nước. Đặt chân trên mảnh đất thiêng liêng cột mốc 108, nơi địa đầu Tổ quốc, sau 30 năm tìm đường cứu nước, Bác rất xúc động “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về non sông gấm vóc của mình” (T.lan - vừa đi đường vừa kể chuyện).

Đầu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng nhiều lần qua Tĩnh Tây. Các hang động ở Tĩnh Tây Bác ở, hiện nay đều được gọi là Hang Hồ Chí Minh: Hang Hồ Chí Minh Long Lâm, Hang Hồ Chí Minh Ba Mông, Hang Hồ Chí Minh Mạch Ma.

Những người có công giúp đỡ Bác hoạt động ở Tĩnh Tây sau này trên cương vị Chủ tịch nước, nhân những năm Quốc Khánh mồng 2/9, Bác mời họ sang Việt Nam dự lễ Quốc Khánh và đi thăm Việt Nam, gặp gỡ tri ân. Ai vì lý do gì không sang được, Bác gửi quà cảm ơn.

Tôi viết bài này, sau khi đến địa chỉ đỏ Tĩnh Tây, Trung Quốc nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng, xin được dâng lên Bác kính yêu.

-------------

(*) Lâm Bích Phong là bố của giáo sư Lâm Đại Phàm - Giáo sư trường Đại học dân tộc Quảng Tây.

Lê Xuân Đức


Lê Xuân Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]