(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc thế kỷ X, thế kỷ bản lề, đã gắn liền với vị trí vô cùng quan trọng của Châu Ái - Thanh Hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đóng góp của Châu Ái - xứ Thanh những năm đầu của Quốc gia Đại Cồ Việt

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc thế kỷ X, thế kỷ bản lề, đã gắn liền với vị trí vô cùng quan trọng của Châu Ái - Thanh Hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đóng góp của Châu Ái - xứ Thanh những năm đầu của Quốc gia Đại Cồ Việt

Di tích Lịch sử Quốc gia đền thờ Dương Đình Nghệ tại xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa.

Với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 931, Dương Đình Nghệ đánh tan quân Nam Hán khôi phục quyền tự chủ. Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai vào năm 938, từ đoàn quân tiên phong chủ lực được dựng xây từ Thanh Hóa, Ngô Quyền đã làm nên chiến công hiển hách, giành độc lập hoàn toàn cho đất nước. Với chiến công vang dội chống Tống, bình Chiêm, Lê Hoàn đã cùng quân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử khôi phục đất nước và giữ vững nền độc lập dân tộc vào những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ X, mở ra thời kỳ phát triển liên tục, rực rỡ của quốc gia Đại Cồ Việt và Đại Việt tiếp nối.

Sử sách cho biết, sau khi dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, mở đầu triều đại nhà Đinh trong lịch sử dân tộc. Kinh đô đất nước được đặt ở Hoa Lư (Ninh Bình), đồng thời ông đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức nước Việt lớn) và bắt đầu xây dựng kinh đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Nhà nước Đại Cồ Việt tồn tại 86 năm (từ năm 968 đến năm 1054), gồm triều đại nhà Đinh (968 - 980), nhà Tiền Lê (980 - 1009) và hai triều đại đầu nhà Lý là: Lý Thái Tổ (1009 - 1028), Lý Thái Tông (1028 - 1054). Đây là Nhà nước độc lập đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Chỉ tính dưới hai triều Đinh, Lê của kỷ nguyên độc lập này (bao gồm 42 năm) đã để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lịch sử Thanh Hóa.

Ngược dòng lịch sử, từ sau khi Ngô Quyền mất (944), tiếp theo là cái chết của Nam Tấn vương Xương Văn vào năm 966, triều đình nhà Ngô ở Cổ Loa hoàn toàn sụp đổ. Đất nước chao đảo bởi loạn 12 sứ quân do các thế lực cát cứ chia nhau quản giữ. Trên đất Châu Ái - Thanh Hóa, Ngô Xương Xí là con trai Ngô Xương Văn, cháu nội Ngô Quyền từ Cổ Loa kéo vào chọn đất Bình Kiều làm căn cứ cát cứ. Tại Bình Kiều (nay thuộc các xã Hợp Lý, Hợp Thắng, Hợp Tiến, Hợp Thành huyện Triệu Sơn), Ngô Xương Xí đã cho xây thành đất, tích lũy quân lương nuôi ý đồ khôi phục Vương triều Ngô. Hoạt động của Ngô Xương Xí ở đây đã nhận được sự ủng hộ của các hào trưởng địa phương và nhân dân trong vùng. Đây cũng là lúc do yêu cầu tồn tại và phát triển đất nước cần có một nhân vật tài năng lỗi lạc, đủ sức tập hợp nhân dân, kết thúc tình trạng phân chia, khôi phục và thống nhất quốc gia độc lập tự chủ. Trước đòi hỏi của lịch sử, Đinh Bộ Lĩnh đã xuất hiện và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang đó. Tuy sinh ra ở Hoa Lư (Ninh Bình), nhưng Đinh Bộ Lĩnh đã có mối quan hệ gần gũi với đất và người Châu Ái. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Cha Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ là nha tướng của Dương Đình Nghệ. Cuối thời Ngũ đại, Đình Nghệ đi tuần Châu Giao (đánh đuổi quân Nam Hán - TG), lấy Công Trứ giữ chức quyền Thứ sử Châu Hoan. Sau theo về với Ngô vương vẫn giữ được chức cũ rồi mất”. Trong khi các thế lực cát cứ đang tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau thì ở Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh vẫn âm thầm củng cố lực lượng, biến nơi đây thành một căn cứ thủ hiểm và trở thành một thủ lĩnh có thế lực mạnh, chuẩn bị dẹp loạn và giữ nước.

Nhận thấy Châu Ái lúc này đang nổi lên những dòng họ có thế lực mạnh và tầm ảnh hưởng lớn như họ Ngô, họ Dương, lại là hậu phương quan trọng hàng đầu trong các cuộc kháng chiến trước đây, Đinh Bộ Lĩnh đã nhanh chóng định ra kế hoạch thu phục. Liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử Thanh Hóa ở thời kỳ này phải kể tới một nhân vật có nhiều đóng góp quan trọng khác đó là Dương Tam Kha. Trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Dương Tam Kha được Ngô Quyền giao chỉ huy đội quân bên tả ngạn và có sách viết chính ông là người chém đầu tướng giặc Lưu Hoàng Thao. Sau vụ tiếm xưng Bình Vương (năm 950), Dương Tam Kha bị phế và ban cho thực ấp ở Chương Dương độ (nay là vùng Thường Tín - Hà Nội). Sau đưa vợ con thân thuộc vào làng Đông Lỗ - Châu Ái (nay là xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa). Thần tích làng Đông Lỗ cho biết: Khi vào Châu Ái, Đinh Bộ Lĩnh đã đến Đông Lỗ yết kiến Dương Tam Kha, được họ Dương gả con gái là Dương Thị Ngọc Vân (tức Dương Vân Nga) làm vợ.

Từ mối quan hệ thân tộc, gia đình và sự ủng hộ nhiệt tình của người Châu Ái, Đinh Bộ Lĩnh đã nhanh chóng hàng phục được Ngô Xương Xí ở Bình Kiều. Sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Đinh Bộ Lĩnh hành quân vào Bình Kiều đóng tại Cữu Noãn Sơn được thần nhân mách bảo: không cần đánh, chỉ cần mở tiệc khao quân, Xương Xí hoảng sợ tất phải xin hàng”. Vậy là sứ quân của Ngô Xương Xí ở Bình Kiều được thu phục một cách hết sức ôn hòa, nhân dân tránh được nạn binh đao. Để ghi nhớ sự kiện này, quanh vùng đất Bình Kiều bây giờ còn dấu vết ba ngôi đền thờ vua Đinh và các câu đối ca ngợi công đức của ông còn mãi lưu truyền trong dân gian. Trong quá trình dẹp loạn, giữ nước, Đinh Bộ Lĩnh đã nhanh chóng huy động và tập hợp lực lượng ở Châu Ái, giao cho con trai là Đinh Liễn tích cực tuyển quân thực hiện kế sách lâu dài. Nhân dân Châu Ái thực sự trở thành lực lượng quan trọng, đóng góp những tướng lĩnh tài ba, những danh sĩ nổi tiếng được lịch sử ghi nhận. Đó là Đinh Quốc công Nguyễn Bặc, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu, vị tăng thống đầu tiên trong lịch sử. Họ là những gương mặt lỗi lạc, những tài năng xuất chúng, cùng với nhân dân Châu Ái, nhân dân cả nước đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Cồ Việt trong những năm tháng còn non trẻ, đưa lịch sử sang trang mới ở thời Tiền Lê.

Giữa lúc triều đình Hoa Lư đang tích cực thực hiện những chính sách tiến bộ nhằm xây dựng và bảo vệ quốc gia sau nạn cát cứ, đã diễn ra việc Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) và con trai Đinh Liễn bị ám hại. Các vị huân thần triều Đinh như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn đưa Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi Hoàng đế. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn với cương vị là tổng chỉ huy quân đội được chọn làm nhiếp chính. Nội bộ triều đình Hoa Lư gặp biến, Lê Hoàn đã thẳng tay dẹp nội loạn. Tiếp đó lại phải đối phó với hai cuộc xâm lược của quân Chiêm Thành và quân Tống. Lợi dụng những biến cố trong triều đình Hoa Lư, nhà Tống, một quốc gia đang trong giai đoạn cường thịnh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược quốc gia Đại Cồ Việt. Đất nước đang đứng trước những thử thách hiểm nguy, Thái hậu Dương Vân Nga đã sáng suốt “sai người lấy áo Long cổn khoác lên người Lê Hoàn mời lên ngôi Hoàng đế” như sử sách đã chép. Mùa xuân năm 981, quân dân Đại Cồ Việt dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn đánh tan quân Tống ở Lạng Sơn, Tây Kết, Bình Lỗ, Bạch Đằng, buộc chúng phải tháo chạy về nước. Năm 982, Lê Hoàn thân chinh cầm quân đánh dẹp quân Chiêm sang quấy phá biên giới phía Nam. Đây là thời kỳ Châu Ái - Xứ Thanh đã khá ổn định và bước vào thời kỳ phát triển mới, là địa bàn chiến lược của đất nước.

Đóng góp của Châu Ái - xứ Thanh những năm đầu của Quốc gia Đại Cồ Việt

Đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. (Ảnh: Thu Trang)

Với cương vị của một vị Hoàng đế của Quốc gia Đại Cồ Việt, Lê Hoàn đã kế tục xuất sắc sự nghiệp dựng nước dở giang của Đinh Tiên Hoàng trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội. Ông đã cho sắp xếp lại bộ máy tổ chức hành chính từ triều đình đến tận cơ sở, đổi các đạo thành phủ, lộ, châu, đặt các giáp trưởng, lệnh trưởng đến tận thôn xóm. Lê Hoàn rất quan tâm đến đồng bào các dân tộc ít người và bằng các biện pháp mềm dẻo, khôn khéo, ông đã dẹp yên các cuộc bạo loạn, thu phục được các phần tử chống đối và có ý thức xây dựng bộ máy Nhà nước theo xu hướng Trung ương tập quyền.

Trên lĩnh vực kinh tế, Lê Hoàn đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, thủ công nghiệp. Ông cho tổ chức cả những xưởng đóng thuyền, xưởng đúc đồng và mở rộng giao lưu buôn bán với các nước lân bang. Ông đã cho đúc tiền Thiên Phúc, đồng tiền đầu tiên trong lịch sử nước ta được lưu hành rộng rãi, chế độ thuế khóa, tạp dịch cũng được ban hành và thực thi phù hợp với tình hình kinh tế và đời sống xã hội. Dưới thời Lê Hoàn trị vì, Kinh đô Hoa Lư được xây dựng lại, có những cung điện, lầu gác tráng lệ xứng đáng là bộ mặt của một quốc đô đang trên đà hưng thịnh.

Nền ngoại giao nước Đại Cồ Việt những năm tháng Lê Hoàn làm Hoàng đế, là những trang sử rực rỡ, rất đáng tự hào. Sau thất bại năm 981, nhà Tống phải thừa nhận chính quyền Đại Cồ Việt do Lê Hoàn đứng đầu thực chất là công nhận quyền tự chủ của nước ta. Với Lê Hoàn, đường lối ngoại giao của ông khi mềm, khi cứng, rất linh hoạt và tài tình. Thông qua sách lược ngoại giao khôn khéo, Lê Hoàn đã góp phần khẳng định bản lĩnh dân tộc của Quốc gia Đại Cồ Việt. Với lãnh thổ Tổ quốc, Lê Hoàn đã trù tính phương lược rõ ràng; bảo vệ vững chắc vùng biên cương và thực tế đã nhiều lần cho nhà Tống những bài học đích đáng khi chúng cho quân quấy phá.

Với văn hóa cổ truyền dân tộc, ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử đích thân hai lần đi cày “Tịch điền”, thể hiện tinh thần trọng nông cho dân noi theo. Lê Hoàn chính là người mở đầu cho tục lệ bơi thuyền, bơi chải, hội rước nước... được sử sách ghi nhận và bảo tồn đến hôm nay.

Với những cống hiến xuất sắc trên mọi lĩnh vực như đã nói, Anh hùng dân tộc Lê Hoàn xứng đáng là người con ưu tú của nhân dân Thanh Hóa có những đóng góp vô cùng quan trọng cho Quốc gia Đại Cồ Việt những năm tháng đầu thành lập.

Một nổi bật của nhân dân Thanh Hóa dưới thời Tiền Lê đó là xây dựng một hệ thống sông đào, một công trình đại thủy nông ven biển đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc viễn chinh đầu tiên vào phương Nam bình Chiêm năm 982 như đã nói, quân đội nhà Tiền Lê đã gặp nhiều trở ngại vì “đường núi hiểm trở khó đi”, “đường biển thì sóng to”, “người ngựa đều mệt mỏi” như sử sách đã chép nên vua Lê Đại Hành đã hạ lệnh cho quân lính đào một hệ thống sông chạy dài suốt từ Đồng Cổ (Yên Thọ - Yên Định) xuống tận sông Bà Hòa (Tân Trường - Tĩnh Gia) nhằm tiện đường cho quân lính đi đánh trận vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công trình hoàn thành vào năm 983, cũng là con đường giao thông thủy nội địa đầu tiên. Sự nghiệp đào sông mở đầu của vua Lê Đại Hành tạo tiền đề vững chắc cho các triều đại tiếp nối noi theo. Con đường thiên lý ven biển này được nhân dân gọi là kênh đào nhà Lê nối dài giữa Thanh Hóa tới cực Nam của Quốc gia Đại Cồ Việt, đã phát huy tích cực vai trò của nó cho đến tận bây giờ.

Cũng trên lĩnh vực kinh tế, từ hệ thống sông đào mới đã nối liền đồng bằng Thanh Hóa với các vùng khác nhau trong cả nước. Cũng từ công trình thủy nông này đồng bằng không ngừng được mở rộng với cây lúa nước truyền thống giữ vai trò chủ đạo. Ven các cánh bãi đôi bờ sông Mã, sông Chu, các loại cây lương thực ngắn ngày như ngô, khoai, đậu... cũng được trồng trên một diện tích khá lớn.

Từ nền kinh tế nông nghiệp ổn định, kéo theo nhiều ngành nghề thủ công truyền thống cũng hết sức phát triển ở thời Tiền Lê. Nghề dệt với các sản phẩm từ tơ tằm có mặt ở khắp Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Thọ Xuân... với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Nghề đục đá An Hoạch, nghề đúc đồng Trà Đông, nghề gốm Tam Thọ... không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân mà còn là sản phẩm hàng hóa độc đáo trao đổi giữa các vùng miền trong nước.

Lịch sử Thanh Hóa thời kỳ này cho thấy, trên cơ sở một địa bàn ổn định, kinh tế, xã hội phát triển, ít bị ảnh hưởng văn hóa Hán như các vùng châu thổ sông Hồng, trên đất Thanh Hóa còn bảo lưu khá bền vững các giá trị văn hóa của người Việt cổ và tạo cho mình một sắc thái địa phương riêng biệt. Rõ ràng những năm đầu của Quốc gia Đại Cồ Việt, đất và người xứ Thanh đã đóng góp tích cực, cống hiến lớn lao xứng đáng vị thế phên dậu phía Nam của đất nước ở thế kỷ bản lề của lịch sử Tổ quốc.

TS. Lê Ngọc Tạo


TS. Lê Ngọc Tạo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]