(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày nay, các sản phẩm sinh thái (sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường) có mặt trên thị trường đã đa dạng và phong phú hơn, nhưng nhu cầu sử dụng mới chỉ dừng lại ở một bộ phận người dân.

Đưa sản phẩm sinh thái đến gần hơn với người tiêu dùng: Đường vẫn còn dài

Ngày nay, các sản phẩm sinh thái (sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường) có mặt trên thị trường đã đa dạng và phong phú hơn, nhưng nhu cầu sử dụng mới chỉ dừng lại ở một bộ phận người dân.

Đưa sản phẩm sinh thái đến gần hơn với người tiêu dùng: Đường vẫn còn dàiTương ớt Spico do anh Lê Minh Cường sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên.

Anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spico (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm tương ớt cổ truyền. So với sản phẩm công nghiệp khác, tương ớt Spico có nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, gồm ớt, tỏi, dấm gạo, đường, muối…, có hương thơm tự nhiên, đóng gói trong vỏ chai được làm từ thủy tinh. Sản phẩm không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu công nghiệp, được sản xuất theo quy trình 12 bước từ thu hoạch ớt đến chế biến, đóng gói và cung cấp ra thị trường. Hiện tại, tương ớt Spico phát triển với nhiều dòng sản phẩm mang vị riêng của từng miền, như: tương ớt vị Bắc, tương ớt vị Nam, tương ớt ít cay, tương ớt đặc biệt, tương chay và sản phẩm dành cho trẻ em. Mỗi tháng công ty xuất bán từ 3.000 đến 5.000 sản phẩm, với mức doanh thu đạt 100-150 triệu đồng/tháng.

Là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, tương ớt Spico có giá thành cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản phẩm cùng loại, lại có yêu cầu về điều kiện bảo quản khi mở nắp sản phẩm, không có sự tiện lợi như sản phẩm dùng chai nhựa… Vì vậy, phân khúc khách hàng của tương ớt Spico là những người tiêu dùng “xanh”. Bên cạnh chất lượng sản phẩm thì yêu cầu về sự thân thiện với môi trường, không sử dụng phẩm màu công nghiệp sẽ là yếu tố để họ lựa chọn. Phân khúc khách hàng tiêu dùng “xanh” thường ít quan tâm đến giá cả, mà coi trọng yếu tố bảo vệ sức khỏe và môi trường sống trong mỗi sản phẩm.

Tương tự, các sản phẩm tẩy rửa của Công ty TNHH công nghệ sinh học Fuwa Biotech cùng chung phân khúc khách hàng này. Các loại nước tẩy rửa của Fuwa Biotech sử dụng công nghệ lên men tự nhiên từ vỏ dứa gai qua ngâm ủ tạo ra các sản phẩm hữu cơ, như nước giặt, nước rửa chén, sát khuẩn tay, dung dịch tẩy rửa đa năng… Tất cả các sản phẩm đều không sử dụng hóa chất tạo màu và mùi, nên có hương thơm tự nhiên, như hương chanh, sả, quế.... Chị Bùi Thị Bích Ngọc, Giám đốc công ty, cho biết: Sản phẩm hữu cơ mang những đặc trưng riêng, nên việc tiếp cận người tiêu dùng không thể theo cách truyền thống. Nếu được bày bán cùng với các loại nước tẩy rửa khác, chắc chắn sản phẩm của chúng tôi sẽ thất bại, bởi giá thành cao hơn và điều quan trọng là người tiêu dùng truyền thống chưa có thói quen mua sắm sản phẩm sinh thái, hữu cơ. Chúng tôi hướng tới thị trường “ngách” là những người tiêu dùng “xanh”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, không chỉ tương ớt Spico, các loại nước tẩy rửa của Fuwa Biotech, mà hầu như các sản phẩm hữu cơ, sinh thái đều phải có thị trường và kênh tiêu thụ riêng biệt. Đối tượng khách hàng là một bộ phận người tiêu dùng “xanh” và kênh tiêu thụ là những cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị, trung tâm thương mại. Số lượng khách hàng tiêu dùng “xanh” so với lượng khách hàng truyền thống đang còn rất khiêm tốn, tập trung chủ yếu ở các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đây cũng là lý do chính để những sản phẩm sinh thái như tương ớt Spico, nước tẩy rửa Fuwa… phát triển mạnh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng (chiếm 70-80% tổng lượng sản phẩm tiêu thụ). Thị trường nội tỉnh hiện còn khiêm tốn, như tương ớt Spico bán ra tại thị trường trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 1-2% tổng doanh số.

Theo ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Co.opmart Thanh Hóa: “Lượng tiêu thụ các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường như ống hút gạo, sản phẩm điện dân dụng tiết kiệm năng lượng, may mặc, tẩy rửa… chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với sản phẩm cùng loại”.

Khi được hỏi, mặc dù có điều kiện về kinh tế, nhưng không tiêu dùng các sản phẩm sinh thái, hữu cơ, chị Nguyễn Thị Hân, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi cũng rất muốn mua dùng các loại sản phẩm sinh thái, dù giá có cao hơn nhưng rất an toàn với sức khỏe gia đình. Thế nhưng, tôi sợ mua phải hàng giả, hàng nhái. Hơn thế, thông tin quảng bá của các sản phẩm này cũng chưa nhiều. Trong khi đó, bạn bè tôi cũng vẫn sử dụng các sản phẩm thông thường như lâu nay, có giá rẻ hơn”.

Thực tế, rất nhiều người dân còn chưa hình thành thói quen tiêu dùng các sản phẩm sinh thái, hữu cơ, mà quan tâm nhiều hơn đến giá sản phẩm. Hơn nữa, do chưa thực sự tin tưởng vào các sản phẩm này, chưa thể phân biệt sản phẩm sinh thái thật giả, nên thay vì phải lựa chọn sản phẩm giá cao mà nghi ngờ họ chọn sản phẩm thường dùng với giá rẻ. Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sinh thái có “tuổi đời” còn non trẻ, quy mô sản xuất vừa và nhỏ, việc quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường còn hạn chế và phải “tự bơi”. Do đó, sức “đề kháng” để chống lại những biến động của thị trường ở những doanh nghiệp này còn hạn chế.

Khách quan mà nói, những sản phẩm sinh thái vốn ra đời sau, nên cần có khoảng thời gian để người tiêu dùng thẩm định, tin tưởng và thay đổi thói quen. Dù còn nhiều khó khăn, song đây là xu hướng tất yếu, do người tiêu dùng sẽ hướng đến yếu tố bảo vệ sức khỏe và môi trường, nên dòng sản phẩm này sớm muộn sẽ chiếm ưu thế. Trong khi đó, yếu tố xanh, sạch cũng đang trở nên chủ đạo trong sản xuất của xã hội, kinh tế ngày càng phát triển... cũng là điều kiện cho các sản phẩm này chiếm lĩnh thị trường.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]