(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiện hiện Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND ngày 19/4 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Thông báo của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh về việc cho phép các phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh và tuyến xe khách cố định liên tỉnh hoạt động. Tuy nhiên, sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội, lượng khách tham gia lưu thông bằng các loại phương tiện trên rất thấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ghi nhận những ngày đầu cho phép phương tiện vận tải khách hoạt động: Lượng khách lưu thông vẫn còn dè chừng

Thiện hiện Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND ngày 19/4 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Thông báo của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh về việc cho phép các phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh và tuyến xe khách cố định liên tỉnh hoạt động. Tuy nhiên, sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội, lượng khách tham gia lưu thông bằng các loại phương tiện trên rất thấp.

Theo Công điện số 10 của UBND tỉnh và Thông báo khẩn của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Thanh Hóa bắt đầu từ 0h, ngày 20/4, các phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh bao gồm: Tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe taxi, xe điện 4 bánh được phép hoạt động trở lại sau 20 ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo dịch Covid-19 cho cả hành khách, lái và phụ xe khi dịch vụ vận tải công cộng này hoạt động trở lại buộc các phương tiện trước khi đi vào hoạt động phải được khử trùng sau mỗi lần đón, trả khách. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm túc quy định phương tiện không được chở quá 50% số ghế quy định (đối với xe dưới 40 chỗ ngồi) và không được chở quá 20 khách đối với xe trên 40 chỗ ngồi.

Ngoài quy định lượng người trên xe, lái xe, phụ xe và hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hành khách khi lên xe phải thực hiện khai báo y tế và phụ xe phải lập đầy đủ danh sách hành khách (họ tên, số điện thoại, địa chỉ cư trú, nơi lên, xuống). Mặt khác, bố trí hành khách ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế, đảm bảo khoảng cách an toàn. Tuyệt đối không vận chuyển những hành khách không chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, từ chối vận chuyển, đồng thời thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương.

Nói về những nội dung của quy định trên, đại diện một đơn vị xe buýt, xe hợp đồng chở khách nội tỉnh - ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần 19/5 bày tỏ: Về cơ bản, ông hoàn toàn nhất trí với những nội dung được quy định. Song, ông chỉ băn khoăn, vướng mắc với quy định: Không được chở quá 50% số ghế quy định đối với xe dưới 40 chỗ ngồi và không được chở quá 20 khách đối với xe trên 40 chỗ ngồi. Bởi thực tế, tuyến xe buýt của ông chạy tuyến thành phố Thanh Hóa - Nghi Sơn (Tĩnh Gia), lượng khách đi vé tháng có chuyến (giờ cao điểm) gần bằng với lượng khách được phép chở theo quy định. Vì vậy, nếu thực hiện nghiêm túc lượng khách chở mỗi chuyến theo các văn bản chỉ đạo trên, chắc chắn sẽ có tình trạng phải bỏ lại khách tại bến. Hơn nữa, nếu tuân thủ chở lượng hành khách như quy định, công ty chắc chắn sẽ phải bù lỗ nhiều vì không đủ chi phí xăng dầu... Ông mong ngành GTVT và UBND tỉnh có giải pháp để các doanh nghiệp vận tải khi tham gia hoạt động trở lại đỡ bớt khó khăn khi tiếp tục thực hiện giãn cách khách trên xe. Những lo lắng mà đại diện đơn vị xe buýt phản ánh, liệu có xảy ra khi tất cả các tuyến xe buýt đi vào hoạt động? Chúng tôi đã có cuộc “mục sở thị” tại một số tuyến xe buýt sau khi được phép hoạt động trở lại.

Mặc dù đã hoạt động trở lại nhưng tuyến xe buýt số 8 của Công ty Hoa Dũng có lượng hành khách rất ít.

Tuyến xe buýt số 8 (của Công ty Hoa Dũng) có hành trình từ thành phố Thanh Hóa đi huyện Thạch Thành có chiều dài trên 60 km. Nhân viên của tuyến xe này - anh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Anh cũng mới được công ty thông báo đi làm từ ngày 25/4. Hiện lượng khách trên xe luôn dưới mức quy định của tỉnh. Nghĩa là chuyến có nhiều khách nhất chỉ được 14 - 15 khách còn ít nhất chỉ có 2 - 3 khách cho dù tuyến xe buýt này chạy quãng đường dài đi qua nhiều huyện, thị xã, thành phố.

Không chỉ lượng khách đi xe buýt tuyến số 8 của Công ty Hoa Dũng giảm sâu, những tuyến xe buýt khác của Công ty 19/5, hay Công ty Đông Bắc, lượng khách rất ít. Vì vậy, từ khi hoạt động trở lại, tất cả các tuyến xe buýt đều không có tình trạng phải bỏ lại khách để thực hiện giãn cách trên xe. Chính vì lượng khách tham gia lưu thông bằng loại phương tiện công cộng còn dè chừng nên các công ty kinh doanh xe buýt trên địa bàn tỉnh chỉ huy động 50% lao động của công ty và bố trí làm việc luân phiên, đồng thời giảm tần suất chạy xe thay vì từ 25-30 phút/chuyến như trước đây, nay tăng lên 35-40 phút, thậm chí có tuyến như tuyến Đông Bắc lên đến cả tiếng đồng hồ nhưng lượng khách đi xe buýt chỉ được vài ba người, thậm chí có chuyến không có khách, tài xế xe buýt biển số 36B-023.35 của Công ty Đông Bắc chia sẻ.

So với các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh cũng không mấy sáng sủa. Trưởng Bến xe phía Bắc - ông Nguyễn Văn Nga cho biết: Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GTVT Thanh Hóa cho phép một số tuyến xe khách cố định liên tỉnh hoạt động trở lại bắt đầu từ 0h, ngày 24/4, Công ty Cổ phần Bến xe khách Thanh Hóa đã chỉ đạo các bến tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi lại bằng loại phương tiện này. Trên tinh thần đó, ngoài vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng khu vực bến, xe ra, vào bến và trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn cho khách khu vực bán vé, phòng chờ..., hệ thống thông tin của bến thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở hành khách, nhà xe cách phòng, chống dịch Covid-19. Đảm bảo khoảng cách an toàn cho hành khách, trước khi xe xuất bến, nhân viên của bến sẽ kiểm tra xem nhà xe có thực hiện nghiêm quy định bố trí hành khách ngồi giãn cách như quy định...

Cũng theo ông Nga, tuy một số tuyến liên tỉnh được phép hoạt động trở lại như tuyến Thanh Hóa - Hà Nội; Thanh Hóa - Hải Phòng; Thanh Hóa - Điện Biên..., nhưng tần suất hoạt động cho phép 30% (áp dụng đối với những địa phương nằm trong diện nhóm có nguy cơ cao như Hà Nội...) và tần suất hoạt động 50% (áp dụng cho những địa phương nằm trong diện có nguy cơ thấp như Điện Biên...). Do tần suất hoạt động giảm từ 30-50% đối với những tuyến được phép hoạt động và một số tuyến: Thanh Hóa - Bắc Ninh, Thanh Hóa - Bắc Giang, Thanh Hóa - Quảng Ninh chưa chạy nên phương tiện ra, vào bến giảm 70% số chuyến/ngày so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Phương tiện ra, vào bến giảm; lượng khách vào mua vé tại bến đi các tỉnh phía Bắc cũng thưa thớt vì còn tâm lý lo ngại sợ lây dịch khi đi bằng phương tiện công cộng. Vậy nên, lượng khách khi xuất bến chỉ được từ 5-10 khách/xe. Cũng do lượng khách đi các tỉnh phía Bắc rất thấp, nên có những nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa đi Hà Nội chưa chạy như nhà xe Vân Anh vì không đủ chi phí xăng dầu.

Dù các đơn vị kinh doanh loại hình vận tải công cộng đã thực hiện nghiêm túc nội dung quy định của UBND tỉnh và Sở GTVT về phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho người tham gia lưu thông bằng phương tiện này. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo VH&ĐS những ngày đầu Thanh Hóa cho phép các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trở lại nhưng lượng khách đi lại bằng loại hình phương tiện công cộng này chỉ đạt 35% so với trước đây (đối với loại xe buýt) và 20-30% (đối với xe liên tỉnh). Điều đó chứng tỏ ý thức người dân trong phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ rất nghiêm túc.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]