(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, công tác thu hồi đất nông nghiệp, bồi thường và giải phóng mặt bằng đã có bước đổi mới tích cực, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo được sự ổn định đời sống cho người dân bị mất đất là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải quyết việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất sản xuất: Còn nhiều khó khăn

Trong những năm qua, công tác thu hồi đất nông nghiệp, bồi thường và giải phóng mặt bằng đã có bước đổi mới tích cực, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo được sự ổn định đời sống cho người dân bị mất đất là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay?

Hỗ trợ đào tạo nghề là một trong những giải pháp quan trọng tạo việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất.

Câu chuyện từ những người mất đất sản xuất

Đã 5 năm trôi qua, thế nhưng những người nhường đất cho dự án Nhà máy Thủy điện Bá Thước 1 và 2, ở khu TĐC thôn Chiềng Ai (xã Hạ Trung) và thôn Chảy Kế (xã Thiết Kế), huyện Bá Thước vẫn đang mòn mỏi chờ đợi và chưa khi nào mới hết hy vọng vì những lời hứa của lãnh đạo nhà máy, sau này ngoài việc hỗ trợ bồi thường sẽ bố trí công việc phù hợp cho những người thuộc diện nhường đất cho dự án. Nhưng đến bây giờ những lời hứa đó vẫn đang kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Để minh chứng rõ cho điều này, chúng tôi tìm đến gia đình bà Lục Thị Bát, thôn Chảy Kế (xã Thiết Kế, Bá Thước), là một trong những hộ chuyển đến khu TĐC sớm nhất để nhường đất cho dự án. Ngoài việc mất đất ở, gia đình bà còn bị mất thêm 7.000 m2 diện tích rừng luồng. Qua trao đổi với bà Bát, chúng tôi được biết: khi thực hiện vận động các hộ lên khu TĐC, lãnh đạo nhà máy từng “hứa hẹn” sau này sẽ tìm việc làm, rồi hỗ trợ gạo, chi phí sinh hoạt trong năm đầu tiên nhưng đến nay vẫn không thực hiện được hoặc rất chậm trễ cho nên hiện cuộc sống của cả gia đình bà với 5 nhân khẩu chỉ biết trông chờ vào thu nhập đi làm thuê ở xưởng sản xuất giấy của con trai bà.

Theo chúng tôi được biết: Khu tái định cư thôn Chiềng Ai (xã Hạ Trung) và thôn Chảy Kế (xã Thiết Kế), có tổng diện tích quy hoạch hơn 3,5 ha, gồm 27 hộ dân, với 114 nhân khẩu; mỗi hộ được cấp 700m2 đất, trong đó 400m2 đất ở và 300m2 đất vườn liền kề. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, nhưng chính sách bồi thường mới chỉ dừng lại ở diện tích đất và các tài sản thiệt hại trực tiếp; trong khi đó, thu nhập của người dân trước đây chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi, nên nhiều hộ dân mất từ 30 đến 70% diện tích đất sản xuất vẫn chưa được bồi thường và rơi vào tình trạng thiếu đất sản xuất; do đó, một số hộ phải bỏ lại nhà cửa để đi làm ăn xa nhưng thu nhập không ổn định...

Đó không chỉ là tình trạng chung của nhiều người dân trên địa bàn huyện Bá Thước thuộc diện nhường đất cho dự án, mà ở một số địa phương khác tình trạng này cũng xảy ra tương tự.

Theo số liệu thống kê cho thấy, trung bình cứ mỗi 1 ha đất thu hồi, sẽ làm 10 lao động mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, không ít người đã phải tha phương để kiếm sống và họ phải đổ về các đô thị tìm kế mưu sinh.

Quan tâm tới đào tạo nghề

Theo khoản 2, 3, Điều 20, Nghị định số 47/2014/NĐ - CP thì trách nhiệm đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thuộc về Bộ LĐ-TB&XH cũng như UBND tỉnh. Song, thực tế cho thấy, nhiều địa phương mới dừng lại ở hỗ trợ đào tạo nghề, còn việc người dân có tìm kiếm được việc làm hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ông Võ Minh Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Mặc dù trên địa bàn huyện một số dự án thuộc diện thu hồi đất đã bố trí kịp thời các khu TĐC, song khó khăn chính vẫn là chủ đầu tư chưa xây dựng được phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân nhất là dự án Nhà máy Thủy điện Bá Thước 1 và 2. Cho nên, hiện nay, phần lớn diện tích đất sản xuất của các hộ đều đã bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện và địa phương không còn quỹ đất sản xuất để bố trí. Lao động chính ở các khu TĐC đều phải đi tìm việc làm thuê trong huyện, trong tỉnh và đi làm xa tại các khu công nghiệp tỉnh ngoài. Tuy thu nhập của người dân ở khu TĐC xã Thiết Kế có tăng lên, song sinh kế hàng ngày của người dân từ đất đai, từ rừng bị ảnh hưởng đáng kể. Số tiền bồi thường của các hộ đều dùng để xây dựng nhà ở, do đó, vốn để đầu tư sinh kế, chuyển đổi nghề hầu như không có.

Có thể nói, quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh, khiến người nông dân không kịp thích ứng. Các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ... đã được triển khai nhiều, song người nông dân vẫn không thực sự mặn mà, bởi họ không thấy được lợi ích quan trọng mà việc học nghề mang lại. Có không ít người mất nhiều thời gian để học nghềnhưng không sử dụng đến, gây lãng phí và mất thời gian. Bản thân các trung tâm dạy nghề ở các huyện, nhiều lúc cũng không nắm được có bao nhiêu học viên đã qua học nghề. Điều này cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương trong việc đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất còn hạn chế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm - Tiền lương - Bảo hiểm Xã hội (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Cụ thể như, tư tưởng và nhận thức của một bộ phận người lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tích cực trong việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân... Sở LĐ-TB&XH đã tích cực tham mưu cho tỉnh và phối hợp với các đơn vị, địa phương có nhiều diện tích đất bị thu hồi như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn; TX Bỉm Sơn; các huyện: Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Thạch Thành, Thọ Xuân... thực hiện nhiều chính sách và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, như đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề cho lao động ở độ tuổi từ 15 đến 30; đào tạo tại chỗ, chuyển đổi nghề cho lao động trên 35 tuổi đối với những công việc không đòi hỏi kỹ năng phức tạp... Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 147.743 lao động, trong đó có khoảng 20.000 lao động trong vùng bị thu hồi đất. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 180 lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Muốn khắc phục tình trạng này và để người nông dân mất đất có thể ổn định cuộc sống, nên chăng, Nhà nước cần đẩy mạnh khuyến khích nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất thuộc quy hoạch dự án. Khi đã có một phần cổ phần nhất định trong dự án đó, họ sẽ được hưởng lợi ích lâu dài để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn mới nên cần phải có cơ chế cho phép nông dân góp vốn...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]