(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều mẫu mã mới, đẹp đã được bày bán tại các cửa hàng hàng mã trong tháng “cô hồn” năm nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng mã trong tháng “cô hồn”

Nhiều mẫu mã mới, đẹp đã được bày bán tại các cửa hàng hàng mã trong tháng “cô hồn” năm nay.

Tại những địa điểm bán hàng mã quen thuộc của thành phố Thanh Hóa như đường Trường Thi (P Trường Thi), chợ Vườn Hoa ở đường Lê Thị Hoa (P Ba Đình)..., trong những ngày đầu tháng 7 âm lịch, dù lượng người đi mua hàng mã chưa nhiều nhưng khối lượng hàng mã tại các địa điểm nói trên đã tương đối lớn. Trong đó, có cả mặt hàng ở các tỉnh ngoài, nhiều nhất vẫn là hàng của làng nghề Song Hồ, Thuận Thành (Bắc Ninh), đây được coi là “thủ phủ” vàng mã lớn nhất của cả nước.

So với mọi năm, năm 2019 này, các sản phẩm hàng mã đã có nhiều thay đổi về hình thức, trông bắt mắt và thu hút hơn. Bên cạnh đó là một số sản phẩm mới được trình làng trong tháng “cô hồn” năm nay, phải kể đến những chiếc áo sơ mi nam bằng giấy có hộp bên ngoài và đính tên nhà sản xuất. Phía mặt sau của hộp áo sơ mi là đầy đủ các vật dụng đó là điện thoại, nhẫn kim cương, nhẫn vàng... Sự xuất hiện của hộp áo sơ mi này có thể được xem là mặt hàng giả mà giống thật nhất so với nhiều sản phẩm hàng mã khác từ trước đến nay. Với sự khéo léo về kỹ thuật, sự ưa nhìn về hình thức, hộp áo sơ mi này có giá 20 nghìn đồng. Ngoài hộp áo sơ mi nam thì các sản phẩm quần áo nữ cũng khá phong phú, đa dạng với những chiếc váy đủ sắc màu, kích cỡ, có giá từ 20 - 30 nghìn đồng/chiếc...

Bà Nguyễn Thị Hằng, cửa hàng bán vàng mã Xuân Hằng ở số 8 Trường Thi cho biết: “Rất nhiều sản phẩm hàng mã mới, đẹp và giá cả cũng không cao. Tuy nhiên, những mặt hàng mã truyền thống như quần áo, giày dép bán bao giờ cũng nhanh hơn so với ô tô, xe máy, nhà cao tầng...”.

Trong khi đó, ở làng nghề hoa giấy Mật Sơn, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), người làng nghề cũng đang tất bật với tháng “cô hồn”. Cũng như mọi năm, sản phẩm hàng mã của làng nghề không chỉ có mặt ở trong tỉnh mà còn ở thị trường Ninh Bình, Nghệ An... Tại cơ sở sản xuất hàng mã Minh Thanh, từ 10/6 âm lịch, cơ sở này đã bắt đầu làm hàng mã chủ yếu là thuyền và nón giấy. Theo bà Châu Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất này, thì: Tháng “cô hồn” dự kiến cơ sở làm khoảng 1 vạn chiếc nón, hiện đã bán được hơn một nửa, đến rằm sẽ hết. Năm nay, nón được làm đẹp hơn bởi có những thay đổi trong mẫu mã nhưng giá không tăng so với các năm trước vẫn là 25 nghìn đồng/chiếc. Những sản phẩm hàng mã của cơ sở chủ yếu bán buôn, ít nhất là vài trăm cái, nhiều thì vài nghìn...

Trong cả năm thì Rằm tháng 7 lượng vàng mã tiêu thụ lớn nhất. Tuy nhiên, với quan niệm “trần sao âm vậy” việc đốt vàng mã đang trở thành một phong trào sính lễ, thái quá. Ở đó, người sống mua thật nhiều vàng mã để báo hiếu đối với người đã mất, những mong người cõi âm sẽ nhận được để không bị đói, bị rách... Nhưng cũng có người cho rằng, đốt càng nhiều, người âm phù hộ càng lớn. Vậy nên, trong tháng “cô hồn”, có những người sống mua hàng mã cho người chết lên tới cả chục triệu đồng tiền thật.

Đại đức Thích Tâm Hiền - Trưởng ban nghi lễ BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, trụ trì chùa Đại Bi, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho rằng: Đốt vàng mã thuộc tín ngưỡng dân gian, là một nét văn hóa từ trước đến nay, không liên quan đến giáo lý đạo Phật. Đối với Phật giáo làm lễ cầu siêu là đủ. Trong cuộc sống hôm nay, việc đốt vàng mã nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào nhà có điều kiện, nhà không có điều kiện, có nhà chỉ cần đốt chục tờ giấy, với họ thế cũng là đủ. Nhưng cái khó ở chỗ, việc đốt vàng mã là phong tục tập quán, đã ăn sâu vào tiềm thức, chỉ hạn chế thôi, cũng là tốt rồi. Quan trọng phải hiểu được rằng, người sống càng làm nhiều việc thiện, có đức, có tâm thì lộc chính là ở đấy chứ không phải mâm cao cỗ đầy hay đốt thật nhiều vàng mã cho người đã mất mới gọi là tốt...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]