(vhds.baothanhhoa.vn) - Lên bờ, có một công việc cho thu nhập hơn con cá, con tôm... Ở đó, không lo bão gió, không sợ ô nhiễm và không còn cảnh đói ăn, khát nước mà đời cha, đời ông mình phải trải qua. Đó là khát vọng của Quân, một cậu bé học sinh lớp 9 (xóm chài cầu Sâng, TP Thanh Hóa) rụt rè khi nói về ước mơ của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng xóm chài

Lên bờ, có một công việc cho thu nhập hơn con cá, con tôm... Ở đó, không lo bão gió, không sợ ô nhiễm và không còn cảnh đói ăn, khát nước mà đời cha, đời ông mình phải trải qua. Đó là khát vọng của Quân, một cậu bé học sinh lớp 9 (xóm chài cầu Sâng, TP Thanh Hóa) rụt rè khi nói về ước mơ của mình.

Ước mơ của Quân

11h30’, cái nắng bỏng rát hắt lên từ mặt đường bê tông. Từ trong con thuyền nhỏ nhìn ra, hình ảnh cậu bé Quân mặt mũi nhại nhễ mồ hôi, loắt choắt, lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ trở về nhà sau những tiết học. Công việc thường nhật của cậu sau giờ trên lớp là cơm nước, giặt giũ... phụ trợ bố mẹ. Nay lớp có thêm tiết nên Quân về muộn hơn thường nhật.

Vội vã đong gạo, rửa rau cơm nước xong, cậu bé lại lôi chậu quần áo ra mom thuyền giặt giũ. Quân bảo: “Sáng mẹ dặn học về phụ mẹ, mà nay lớp có thêm tiết nên cháu về muộn.” Cũng may, giờ này mẹ cậu bé hãy còn chưa về! Mẹ không quát, mắng, thế nhưng cậu bé bảo sợ trời nắng mẹ làm về vất vả mà chưa có cơm ăn. Quan sát Quân làm việc, tôi không khỏi giật mình khi dòng nước sông đục, mùi hôi nồng bốc lên nhưng Quân lại dùng để rửa rau, giặt giũ? Hóa ra, nước sạch với gia đình Quân cũng như hơn trăm nóc thuyền ở khúc sông này là thứ xa xỉ, không thể dùng hoang. “Nhà cháu cũng như các hộ khác đều sử dụng nước sông này làm nguồn sử dụng chính cho tắm rửa, giặt giũ... Bố mẹ bảo, nhà mình nhờ các hộ trên cạn để có nước sạch ăn uống đã là may mắn, không thể để họ phải than phiền! Điện đóm cũng vậy”, Quân nói.

Xoay sở xong bữa cơm, cậu bé chợt nhớ, rót nước mời chúng tôi. Con thuyền đã nhỏ, lòng thuyền chỉ chừng 5-7m2, thế nhưng ở đây có tới 5 nhân khẩu cùng chung sinh hoạt. Bố mẹ Quân và 3 chị em cậu bé. Lòng thuyền chật, mái thuyền lại là lớp tôn mỏng, trong khi cái quạt nhỏ không đủ làm không gian lòng thuyền mát hơn. Trước khi cái nóng trở nên khắc nghiệt, Quân kéo chúng tôi lên bờ ngồi dưới tán cây tránh nóng.

Tôi tranh thủ hỏi Quân, ước mơ sau này của cháu học xong làm gì? Cậu bé nhìn xa xăm thở dài: “Bố mẹ nói sẽ cố gắng cho cháu học đến khi có thể. Không như chị cháu học xong lớp 7 thì phải bỏ đi bán quần áo thuê. Ước mơ của cháu sau này là lên bờ, có một công việc cho thu nhập hơn con cá, con tôm... Ở đó, chúng cháu không phải lo bão gió, không sợ ô nhiễm và không còn cảnh đói ăn, khát nước mà mỗi đêm bố mẹ vẫn kể về đời mình, đời cha ông từng phải nhịn”.

Khát vọng của cậu bé Quân cũng chính là khát vọng của xóm chài nghèo dưới chân cầu Sâng.

Ở khúc sông này, khát vọng của Quân cũng chính là khát vọng của khoảng hơn 100 cháu đang độ đến trường. Trong đó, có khoảng 100 cháu được đi học, hơn 30 cháu phải ở nhà. Đáng ngại là sự học không được chú trọng, các cháu chủ yếu học hết lớp 5, hoặc lớp 9 biết chữ là nghỉ đi làm.

Và khát vọng lên bờ

Bận khác, tôi ghé thuyền anh Nguyễn Văn Hồng (33 tuổi) khi một vài thanh niên xóm vạn cũng đang quây tròn bên tách nước chè sáng với những câu chuyện phiếm về bốc vác, làm thuê, công cao công thấp. Anh Hồng dễ nhận thấy khi đôi chân teo tóp không thể đi lại. Sau cái bắt tay, điều các anh mong mỏi đó là thay lời người dân để nói lên ước mơ của họ.

Anh Hồng chỉ tay xuống dòng sông bảo, cái thứ nước đã giết chết bao người bằng bệnh tật. Dẫu vậy, đến nay người dân vẫn phải dùng để sinh hoạt tắm rửa cho con cái. Nói rồi anh Hồng kể ra một loạt các điểm gây ô nhiễm dòng nước từ những nhà máy của khu công nghiệp, đến nước thải của các bệnh viện, cho đến chợ búa và nhà vệ sinh của người dân dọc tuyến sông cũng bắc ống, mắc kênh vô tư xả thải. Mùa nước sinh thì còn đỡ chứ bước sang mùa nước cạn, phải đóng đô một chỗ thì khổ vô cùng với đủ mùi sú uế, hôi thối bốc lên. Hiện nay, để có nước dùng thì các hộ phải mua nước của những hộ dân trên cạn, bóng điện thắp sáng cũng phải mua, rồi muôn cái không thể kể hết... đều phải bỏ tiền ra mới mua được.

Trong con thuyền của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng là 6 thành viên già đến trẻ. Các thế hệ gia đình anh đã có bao đời gắn với sông nước, anh cũng như bao cư dân khác trong làng chài này nối nghiệp, cũng chẳng muốn từ bỏ đi cái nghề cha ông nhưng sông giờ ô nhiễm, đục cạn, tôm cá không nhiều như xưa. Mong mỏi cũng chỉ là được lên bờ! Lên rồi kiếm nghề gì để sống.

Anh Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch MTTQ phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cho biết, địa phương cũng rất quan tâm đến đời sống của người dân nơi đây, thường xuyên thăm hỏi, động viên, trao quà. Đã có một đợt tái định cư cho 36 hộ đồng bào sông nước, hiện trên khúc sông này vẫn còn hơn trăm nóc đang mong muốn có tấc đất dựng nhà tránh bão gió. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đợt tái định cư mới. Riêng chuyện học của các cháu thực đáng lo ngại! Số ít hộ có điều kiện cho con đến trường, số còn lại thì trông chờ vào những lớp dạy học miễn phí. Trong khi đó, với những hộ neo đậu không có khẩu ở phường thì gần như chuyện học hành của các cháu còn bỏ vẳng!

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]