(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngoài công việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Đỗ Kiên Cường còn có thú vui tao nhã sưu tầm vật dụng, đồ đạc thời bao cấp.

Người góp nhặt ký ức thời bao cấp

Ngoài công việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Đỗ Kiên Cường còn có thú vui tao nhã sưu tầm vật dụng, đồ đạc thời bao cấp.

Người góp nhặt ký ức thời bao cấpChiếc xe Favorite và túi xà cột đen.

Từ nhỏ anh Cường thường được ông bà, bố mẹ kể cho nghe về cuộc sống thời bao cấp, là những hoài niệm về thời tem phiếu, đặt gạch xếp hàng,… Bị cuốn hút, khi trưởng thành, anh Cường bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống thời kỳ ấy và hình thành sở thích, niềm đam mê góp nhặt ký ức qua những sổ gạo, tem phiếu. Với anh đó là cả một trải nghiệm thú vị để hiểu và trân trọng về một thời dĩ vãng. Và ròng rã 10 năm qua, anh đã sở hữu trên 1.000 hiện vật thời bao cấp.

Để những hiện vật có “không gian sống”, anh Cường đã mở quán cà phê Mậu Dịch tại số 54, Hàn Thuyên, TP Thanh Hóa. Ngoài sở thích cá nhân, anh còn đầu tư chỉn chu, thuê thiết kế, họa sĩ lên ý tưởng thể hiện đúng phong cách “bao cấp” cho không gian trưng bày. Từ vật dụng được bài trí đến những chi tiết tưởng chừng như rất đơn giản đều được anh chú ý đến mức chỉn chu để có được một không gian thật về thời xưa cũ, như tay ghế có phần lỏng lẻo do đinh đóng bị bung bên chiếc bàn cũ kỹ có đặt bộ chén hoa hồng, đến bức tường vôi đã cũ treo tranh cổ động, hay những bảng biển “ưu tiên thương binh”, “sổ mua lương thực”… Những quạt con cóc, máy chụp ảnh của Liên Xô, tủ gụ... cũng được anh bài trí khéo léo, khơi gợi sự tò mò của người thời nay. Cà phê Mậu Dịch là một nét xưa khắc vào ồn ào, sôi động của một thành phố hiện đại.

Anh Cường cho biết, phần lớn đồ vật là do anh sưu tầm theo kiểu lang thang góp nhặt, hoặc bạn bè mang tặng. Anh cho biết: “Mỗi đồ vật trong quán đều mang một câu chuyện riêng đầy thú vị. Có những thứ do có duyên mà đến, rồi đồ có giá trị được người trong nghề “thèm khát” thì tôi lại mua với giá rẻ bất ngờ, còn có những kỷ vật được tặng bởi sự đồng cảm, tình yêu dành cho thời ông bà”... Chỉ vào chiếc xe Favorite còn khá nguyên bản, anh nói đây là loại xe đạp của Tiệp Khắc, một trong hai loại xe đáng mơ ước thời đó (cùng với xe đạp Peugeot của Pháp). Chiếc xe đạp được đăng ký và cấp biển số kiểm soát, cùng với chiếc đài có dây đeo chéo người và đồng hồ Seiko trên tay làm nên đẳng cấp người đàn ông thời bao cấp. Đó là nguyên mẫu cho câu “Làm trai cho đáng nên trai. Có Favorite có đài đeo hông”.

Người góp nhặt ký ức thời bao cấpAnh Đỗ Kiên Cường bên chiếc tủ đựng kỷ vật của thời bao cấp.

Câu chuyện mua được chiếc xe đạp khá hấp dẫn với “người ngoài giới”. Anh Cường kể lại: “Năm 2014, khi biết được ở Bá Thước có chiếc xe đạp Favorite còn khá nguyên vẹn, tôi đã ngay lập tức tìm đến và “năn nỉ” mua lại. Chiếc xe đạp được gia chủ giữ bên mình hơn 40 năm, từ năm 1972. Thời đó, cả xã chỉ có duy nhất một chiếc xe đạp, vì thế, chỉ những dịp đặc biệt mới mang ra sử dụng. Mỗi lần đi xong đều được lau chùi sạch sẽ rồi treo trang trọng trên tường. Tôi đã đến nhà thuyết phục rất nhiều lần, ngồi chuyện trò hàng trăm giờ đồng hồ đến nỗi hiểu hết chuyện gia đình người sở hữu… nhưng vẫn không mua được xe. Rồi bất ngờ nhà chủ cần đá để kè bờ ao, nhưng không có tiền. Tôi chỉ mất mấy triệu mua 2 xe đá về kè ao… là được mang xe về. Hôm lấy được xe, tôi còn được gia chủ giết gà, mổ lợn liên hoan tưng bừng, ai cũng say. Tôi say vì có được niềm vui bất ngờ, gia chủ say vì ao được kè”. Chiếc xe hiện còn giữ nguyên màu sơn đỏ đặc trưng, biển số, giấy đăng ký xe... thuộc hàng hiếm.

Rồi câu chuyện về chiếc túi xà cột đen. Anh Cường nói: “Nó là kỷ vật duy nhất còn lại thời kháng chiến nên một cựu chiến binh ở Bá Thước không thể bán. Dù không hỏi mua nữa, nhưng mỗi dịp lên huyện vùng cao này công tác, tôi thường ghé qua trò chuyện. Làm bạn với ông 7 năm, bỗng một ngày ông tặng tôi chiếc túi".

Với anh Cường, thách thức lớn nhất trong chuyện sưu tầm đồ bao cấp là tìm được những món đồ bằng giấy như pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, thư từ, lịch, nhật ký, sách truyện có ghi chú, vì chúng thường quá “già”, dễ bị tiêu hủy nhất, bị người ta coi là giấy vụn mà vứt đi. Cầm lên tập thư tình đã ngả màu vàng ố, những nét chữ đã nhòe vì thời gian, anh Cường nói: “Những thứ này đến với tôi như có duyên. Hôm đó, có người phụ nữ trung niên đứng nhìn quán như suy nghĩ điều gì. Khi được mời bà đi thẳng vào quán, ngắm nhìn một lúc rồi bất ngờ nói: nhà tôi còn lưu giữ rất nhiều bức thư tình ngày xưa, cậu lấy không? Tôi như bắt được vàng, gật đầu thật nhanh như sợ rằng bà sẽ đổi ý”.

Cuộc sống trước đây, nếu không nhờ những hiện vật sống sẽ rất khó để người thời nay tưởng tượng được. Hơn 1.000 hiện vật được sưu tầm đã thể hiện tâm huyết, niềm đam mê đến quên ăn quên ngủ và một phần trách nhiệm đối với quá khứ của anh Đỗ Kiên Cường. Những tưởng khối hiện vật ấy đã gắn bó máu thịt, không thể tách rời, nhưng anh Cường lại khác. “Nếu ai muốn sở hữu, hoặc có hứng thú thực sự với những hiện vật thời bao cấp, tôi tình nguyện chia sẻ, giúp đỡ. Vì tôi nghĩ đó là cách lan tỏa và trân trọng quá khứ”, anh bộc bạch.

Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]