(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn hai mươi năm nay, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ngoãn ở thôn Minh Hải, xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thường xuyên trở lại Quảng Nam. Đây là chiến trường trong thời chống Mỹ mà ông và các đồng đội của Tiểu đoàn Lam Sơn từng sống và chiến đấu đến ngày giải phóng vào năm 1975. Mỗi lần về xứ Quảng của ông là gợi nhớ thấm đẫm ký ức một thời lính đặc công...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cuộc trở về cảm động...

Hơn hai mươi năm nay, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ngoãn ở thôn Minh Hải, xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thường xuyên trở lại Quảng Nam. Đây là chiến trường trong thời chống Mỹ mà ông và các đồng đội của Tiểu đoàn Lam Sơn từng sống và chiến đấu đến ngày giải phóng vào năm 1975. Mỗi lần về xứ Quảng của ông là gợi nhớ thấm đẫm ký ức một thời lính đặc công...

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ngoãn tuy đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trông ông luôn toát lên phong cách nhanh nhẹn của người lính năm nào. Nhắc đến Quảng Nam, ông hào hứng kể về những trận đánh của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn, ông thuộc vanh vách từng tên đất, tên làng hai bên dòng sông Mẹ xứ Quảng Thu Bồn, bây giờ thuộc các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn. Ông kể, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mảnh đất Quảng Nam kết nghĩa đã đi vào trí nhớ của ông qua những câu ca quen thuộc như “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” hay “Ngó lên Hòn Kẽm Dá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”. Tháng 3/1967, ông nhập ngũ và cùng đồng đội học tập, hoàn thiện các kỹ thuật chiến đấu đặc công với tinh thần “quả đấm thép”, rồi bắt đầu đi vào chiến trường Quảng Đà. Ông bảo: “Được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn, vinh dự lắm bởi địa bàn hoạt động là Quảng Nam - tỉnh kết nghĩa với Thanh Hóa. Vì vậy chúng tôi càng ra sức quyết chiến với kẻ thù”. Trước ngày lên đường nhập ngũ, ông nắn nót viết lên tường nhà câu khẩu hiệu của địa phương ông lúc bấy giờ là “Học tập Điện Bàn, Hậu Lộc quyết tâm làm Đông - Xuân thắng Mỹ” (Đông Xuân là vụ sản xuất chính, hàm ý làm trận thắng lớn). Dạo đó, Quảng Nam như là điểm hẹn, cái đích phải đến và sẽ đến của con em Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Hữu Ngoãn (thứ 2 từ phải sang) trong một lần trở lại chiến trường Quảng Đà.

Trong câu chuyện nhớ về thời chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, ông Nguyễn Hữu Ngoãn nhắc nhiều đến gia đình má Trọng (xã Đại Hồng), má Diêu (xã Đại Minh) ở huyện Đại Lộc. Các má đã ngày đêm nuôi giấu các chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn. Câu cửa miệng thường trực mỗi chiến sĩ đặc công lúc này là “Muốn đánh giặc xuống Điện Bàn, muốn chạy càn về Duy Xuyên, muốn bình yên về Đại Lộc”. Bởi, thời điểm trước Tết Mậu Thân 1968, Đại Lộc tương đối yên ổn, về đây các chiến sĩ được nghỉ ngơi sau những trận đánh khốc liệt ở vùng địch như Điện Bàn, Duy Xuyên. Một lần đi công tác vào tháng 7/1969, ông bị sốt rét và phải ở lại nhà má Doãn Thị Trọng, má chăm sóc ông thật chu đáo. Giặc Mỹ đi càn và lùng sục bắt bớ các chiến sĩ đặc công, má Trọng giục cô Hợi là con gái út khi đó mới chín - mười tuổi nhưng lanh trí, dẫn ông chạy trốn quanh làng, hết chỗ này đến ẩn nấp chỗ khác, thoát khỏi vòng vây địch. Chiến trường không một phút bình yên, đồng đội ông đã chiến đấu suốt ngày đêm trên khắp mảnh đất Quảng Nam “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Ông là một trong 4 chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn tự hào có mặt tiến công giải phóng Đà Nẵng, góp phần giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975.

Ông kể, trở lại quê hương Thanh Hóa, lúc bấy giờ ông là thương binh 2/4, sức khỏe giảm sút nhiều bởi những vết thương thời chiến tranh. Nhưng ông không nguôi nhớ về mảnh đất Quảng Nam với bao gương mặt người mẹ hiền hậu đã nuôi giấu ông và đồng đội trong những năm khói lửa chiến tranh.

Năm 2007, đi thăm đứa con đang làm ăn ở Sài Gòn, ông gặp một người Quảng và hỏi thăm tin tức về vùng đất Đại Lộc, nơi má Trọng, má Diêu... đã che chở cho ông ngày nào. Thế là, ông không quay về Thanh Hóa ngay mà ghé lại Đà Nẵng, mượn chiếc xe máy đi một mình tìm về với má Trọng, má Diêu...

Ông kể lại, khi ông tìm đến nhà má Doãn Thị Trọng, thì chị Kham, chị Hợi... con má Trọng nào đâu nhận ra ông ngay được. Rồi câu chuyện đã mở ra ký ức ngày nào. Nước mắt hội ngộ, ông đã khóc như đứa con xa nhà lâu ngày mới được trở về, và tiếc rằng má Trọng không còn sống để nhận mặt đứa con mà má đã từng thao thức nhiều đêm dài để chăm sóc khi ông bị những cơn sốt rét hành hạ; khi thì nhường hầm cho “đàn con” tránh kẻ thù. Ngôi nhà má như thoáng đâu đây tiếng nói tiếng cười của các chiến sĩ đặc công sau mỗi trận đánh, và cả giọng nói của má rằng “Tụi bay lo mà vô ăn cơm, lo mà nghỉ ngơi chờ lệnh đi đánh tiếp”. Hầm bí mật của má khắp nơi, trong nhà ngoài vườn, cả nơi mà quân thù không ngờ nhất. Má giấu những đứa con “bộ đội miền Bắc” ngay giữa nhà mình, dù bọn giặc hăm dọa khảo tra và lôi cô Hợi - con gái út của má ra dọa bắn nếu không chỉ hầm bí mật. Má quát lên, mắt trợn ngược nhìn vào họng súng kẻ thù: “Nếu bắn thì bắn cả tao đây này, chứ hầm mô mà tao chỉ?”. Giặc đi rồi má lại nấu cháo, nấu cơm lần lượt ra tín hiệu cho các chiến sĩ lên ăn... Ông ra thăm mộ má, lặng thắp nén nhang và như nói với má rằng, con đã về đây, dù có muộn nhưng con cũng đã được về với má yêu thương. Chị Kham kể cho ông nghe, sau giải phóng má cứ nhắc mãi, rằng “Không biết tụi hắn ra lại miền Bắc hay có đứa nào còn nằm lại chiến trường, tội nghiệp quá!”. Mỗi lần xem truyền hình, má lại chăm chú những gương mặt non tơ qua di ảnh và lắng nghe từng lời “nhắn tìm đồng đội”, như má tìm lại những đứa con đã xa...

Cũng trong chuyến về lại Quảng Nam đầu tiên năm 2007 này, ông cũng đi tìm má Diêu. Gặp lại, cả má Diêu và ông cũng ngỡ ngàng một lát rồi mới nhận ra nhau. Ôm chầm lấy ông, má đã khóc: “Chu choa, tao tưởng tụi bay chết hết trơn trước giải phóng rồi, rứa thằng Túy da trắng như con gái có còn không?”. Mẹ vội vội vàng vàng cố lục ra trong trí nhớ nào thằng Ngọc, Vân, Tạo, Nhung..., hỏi chúng nó giờ ở đâu, còn sống hay đã chết?

Được gặp má Diêu, câu chuyện thời chiến tranh cứ tràn đi không dứt, mang theo tâm trạng bồi hồi với những ký ức nguyên vẹn như mới vừa xảy ra hôm qua. Trong khóe mắt má vẫn không ngưng dòng lệ khi ông kể cho má nghe đồng đội giờ người còn người mất, cả những người chưa tìm được thân xác đã gửi lại đâu đó trên mảnh đất Quảng Nam này...

Từ đó đến nay, hơn hai mươi năm qua, ông thường xuyên vào Quảng Nam nhân ngày giỗ má Trọng hoặc thăm chiến trường xưa, gặp gỡ những người một thời oanh liệt. Ông nói chiến tranh qua lâu rồi nhưng các con má vẫn còn nghèo lắm, chị Kham ngày trước là du kích xã, chị Hợi đã cứu ông trong vòng vây của giặc năm nào, bây giờ vẫn bám lấy ruộng vườn sống qua ngày. Trong gia đình má Trọng, bây giờ ai cũng gọi ông là “anh Hai” và thỉnh thoảng tin tức vào ra... Xa mà gần, mắt ông cay xè khi thắp nhang và đặt lên bàn thờ má món quà nhỏ của xứ Thanh. Ông vội lên xã Đại Minh thăm má Diêu và quấn quýt chuyện trò với má suốt cả buổi. Ông bảo, đến lúc chia tay thì ông lại không thể nào giấu đi cảm giác rưng rưng của thời khắc người ở kẻ đi. Cái nắm tay níu chặt của má như không thể rời xa được.

“Chúng tôi, những người lính đặc công đã từng sống và gặp trên đất Quảng biết bao người như má Trọng, má Diêu... Trong khói lửa chiến trường, sức mạnh của họ là lòng quả cảm và sự hy sinh vô bờ bến” - giọng ông Ngoãn xúc động.

Và cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ngoãn vẫn đi về với Quảng Nam yêu thương. Ông nói: “Nơi ấy đã là máu thịt của tôi...”.

Hồ Thu


Hồ Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]