(vhds.baothanhhoa.vn) - Điều trị, chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, đối với những y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa thì càng khó khăn gấp bội, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy, họ luôn coi bệnh nhân như người thân trong gia đình, cảm thông, hết mình tận tụy để giúp họ sớm khỏi bệnh, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và có thể lao động, sản xuất như bao người bình thường khác.

Những “chiến sĩ” áo blouse ở Bệnh viện Tâm thần

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, đối với những y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa thì càng khó khăn gấp bội, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy, họ luôn coi bệnh nhân như người thân trong gia đình, cảm thông, hết mình tận tụy để giúp họ sớm khỏi bệnh, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và có thể lao động, sản xuất như bao người bình thường khác.

Những “chiến sĩ” áo blouse ở Bệnh viện Tâm thầnChị Phạm Thị Quyên, cán bộ điều dưỡng Khoa Tâm lý lâm sàng nhi đang dạy cách lắp ghép đồ chơi cho bệnh nhân nhi.

Những ngày cuối năm, có mặt ở Bệnh viện Tâm thần, chứng kiến những khuôn mặt thẫn thờ, mất hồn, đầu bù tóc rối, cười nói rùng rợn... chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm cho những phận người hẩm hiu. Họ là những bệnh nhân đặc biệt bị một số chứng bệnh về tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần, động kinh, nghiện chất...

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Quyên, cán bộ điều dưỡng Khoa Tâm lý lâm sàng nhi cho biết: Bệnh nhân điều trị, chăm sóc tại đây mỗi người một tính, có người ít nói, có người thường lẩm bẩm trong miệng, rồi lại có người thường xuyên hát hò, la hét, khóc rồi cười vô cớ. Hoàn cảnh mắc bệnh của họ khác nhau có thể do di truyền, do gặp phải những cú sốc tinh thần, làm việc quá căng thẳng hay do áp lực từ cuộc sống. Phần lớn các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người không có người nhà chăm sóc nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều do các điều dưỡng của bệnh viện phụ trách.

Những “chiến sĩ” áo blouse ở Bệnh viện Tâm thầnBác sĩ Bùi Hải Triều, Phó trưởng Khoa Lão thăm, khám cho bệnh nhân.

Chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của mình, chị Quyên cho biết, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, việc đầu tiên là tạo dựng sự tin tưởng và cảm giác an toàn cho họ, đôi khi phải mềm mỏng, nhưng có lúc cần cứng rắn, có như thế họ mới hợp tác với mình. Hàng ngày, chị Quyên vừa phải chăm sóc bệnh nhân là người lớn, vừa chăm sóc bệnh nhân nhi. Không chỉ vậy, chị Quyên cũng đóng vai trò là cô giáo, người mẹ để chăm sóc, dạy dỗ bệnh nhi tâm thần một số kỹ năng, giúp các em có thêm sự tự tin, bớt e dè, sợ sệt. Theo chị, nghề điều dưỡng cần nhất chữ “tâm”.

Công tác tại Khoa Nữ từ năm 2015, bác sĩ điều trị Hoàng Thị Hường đã quá quen thuộc với môi trường nơi đây. Đây là khoa chuyên điều trị cho bệnh nhân tâm thần nữ, đặc thù là bệnh mãn tính lâu năm, tái đi tái lại. Để điều trị, chăm sóc bệnh nhân đạt hiệu quả cao, theo chị, đôi khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh, để nói, cười và tâm sự cùng bệnh nhân. Vất vả nhất những lúc bệnh nhân phát bệnh, kích động đập phá đồ đạc, đánh người thân, nói nhảm, trốn trong góc phòng... khi điều dưỡng đến hỏi, họ sẽ có hành vi chống đối, cộc cằn, nóng nảy, thậm chí tấn công.

Chị Hường tâm sự, điều trị cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện chất ma túy, chất gây nghiện thì việc chăm sóc còn khó hơn cả chăm người thân của mình. Người bệnh có thể “lên cơn” bất cứ lúc nào. Họ dễ xúc động, nóng nảy và rất manh động. Bởi thế, chuyện điều dưỡng, bác sĩ bị bệnh nhân đánh, chửi, rơi vào tình huống nguy hiểm... không có gì lạ.

Chị nhớ lại cách đây vài hôm, khoa có tiếp nhận một bệnh nhân nữ sinh năm 1997, quê Hậu Lộc bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất gây ảo giác 6 năm nay. Bệnh nhân đã khám, điều trị nhiều lần ở bệnh viện. Mấy hôm nay bệnh nhân có biểu hiện không ngủ, nói một mình, la hét, đập phá đồ đạc, tấn công người xung quanh, rồi dùng đá đập vào ngón tay gây lóc móng, dập nát một đầu ngón tay...

Không chỉ đóng vai trò là người thân chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, những y, bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần còn là chuyên gia tâm lý. Lúc người bệnh buồn chán vì nằm viện lâu không có người thân thăm nom, muốn được về nhà sẽ có những hành động kích động, không kiềm chế cảm xúc, các y, bác sĩ, điều dưỡng thường động viên, an ủi, sẵn sàng lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, giúp họ thoải mái tinh thần, quên đi những suy nghĩ tiêu cực.

Những “chiến sĩ” áo blouse ở Bệnh viện Tâm thầnBác sĩ điều trị Hoàng Thị Hường, Khoa Nữ đang hướng dẫn bệnh nhân tâm thần cách rửa tay.

Chia sẻ về những khó khăn, vất vả khi điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, Phó trưởng Khoa Lão, anh Bùi Hải Triều cho biết: “Mỗi lần cho bệnh nhân uống thuốc, cán bộ y tế đều phải theo dõi kỹ để “bệnh nhân uống thuốc tận miệng và nuốt đến tận dạ dày”, thậm chí còn phải yêu cầu họ há miệng để kiểm tra xem đã uống hay chưa. Một số bệnh nhân chống đối ăn uống, chúng tôi phải dùng biện pháp ăn qua ống sonde dạ dày. Do bệnh nhân khoa Lão là người già tâm thần bị sa sút, không tự chăm sóc bản thân được, nên những đêm trực, anh em thường xuyên đi đến từng phòng bệnh, kiểm tra, nhắc nhở cẩn thận".

Theo bác sĩ CKII Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần: Để tiện cho việc điều trị, chăm sóc, đội ngũ y, bác sĩ thường dùng phương pháp gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ đặc điểm bệnh và hoàn cảnh của họ. Nhờ đó, thiết lập mối quan hệ gần gũi, tạo niềm tin với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị. Hiện nay, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho gần 400 bệnh nhân tâm thần đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần của những y, bác sĩ là công việc khó nhọc, đòi hỏi sự tận tâm. Bởi phần lớn bệnh nhân ở đây không có người thân chăm sóc, bị người nhà “bỏ quên”, ra ngoài xã hội thì bị kỳ thị, bị coi là “điên”, nên niềm vui nhất trong nghề của đội ngũ y, bác sĩ là những lần người bệnh được thân nhân đến đón về và trở lại cuộc sống như bao người bình thường khác.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]