(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi thanh niên sẽ chọn cho mình con đường khởi nghiệp khác nhau, có người thất bại, có người thành công. Câu chuyện về những người trẻ dũng cảm ở Thanh Hóa dưới đây là cảm hứng, là lời động viên cho những thanh niên đã và đang nung nấu ý tưởng khởi nghiệp cho bản thân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người trẻ dũng cảm

Mỗi thanh niên sẽ chọn cho mình con đường khởi nghiệp khác nhau, có người thất bại, có người thành công. Câu chuyện về những người trẻ dũng cảm ở Thanh Hóa dưới đây là cảm hứng, là lời động viên cho những thanh niên đã và đang nung nấu ý tưởng khởi nghiệp cho bản thân.

Từ ông giám đốc trở thành người làm mắm

Chỉ một niềm đam mê mà anh Lê Phúc Phong đã thôi làm Giám đốc Công ty Xây dựng VNC, điều hành hàng trăm công nhân cùng mức lương hàng nghìn USD, để trở về với nghề làm nước mắm truyền thống.

“Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng có truyền thống làm nghề mắm, thích mắm từ bé, mùi vị nước mắm ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi. Ngay khi có cơ hội cũng là lúc tình yêu với nghề mắm thức tỉnh, như một thỏi nam châm hút tôi đến với nghề, công việc khác tôi đã không còn hứng thú. Vì vậy, năm 2016 tôi quyết định từ bỏ tất cả để bắt tay gây dựng thương hiệu nước mắm cá cơm Đảo Mê” - anh Lê Phúc Phong mở đầu câu chuyện của mình.

Anh Lê Phúc Phong.

Quả thật nghe anh Phong tâm sự về hành trình đến với nghề mắm mới cảm hiểu được niềm đam mê dữ dội của anh. Anh tốt nghiệp đại học xây dựng, ra trường làm đúng nghề và nhanh chóng có cơ hội thăng tiến làm giám đốc, công việc phát triển, cuộc sống sung túc là niềm ao ước của nhiều người. Nhưng rồi tình yêu với nghề mắm đã khiến Phong rẽ ngang. Và anh cũng hiểu tình yêu phải đi cùng với kiến thức, sự hiểu biết thì thành công mới mở cửa, vì vậy hàng tháng trời anh Phong vào tận Phú Quốc, Kiên Giang - vựa mắm lớn nhất cả nước học hỏi các chuyên gia nghiên cứu về nước mắm hàng đầu Việt Nam. Anh có bước đi mạo hiểm trong cuộc đời khi cùng bạn bè bỏ ra 15 tỷ đồng xây dựng nhà máy nước mắm truyền thống theo hướng hiện đại với sự đầu tư bài bản, hệ thống về cơ sở vật chất: nhà máy rộng hơn 9.000m2; thùng gỗ, bể xây muối mắm...

Anh Phong phát triển nghề mắm truyền thống theo phương pháp gài nén, rút nỏ, với nguyên liệu chính là cá cơm Đảo Mê. Cá cơm Đảo Mê chỉ thu hoạch được một mùa, từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, đây là loại cá nhiều thịt, khi ủ cho mùi thơm nhẹ, màu sắc đẹp, phù hợp với nhu cầu thị trường. Cá cơm sau khi được đánh bắt ở ngư trường thì được đưa trực tiếp vào nhà máy, nên luôn đảm bảo độ tươi ngon, đủ vị. Để nước mắm đạt chất lượng cao, trong quá trình nén anh luôn cẩn thận và tỉ mẩm trong từng khâu.

“Cá được ủ chín trong thùng gỗ đủ 2 năm, sau đó công nhân sẽ kiểm tra chất lượng bằng cả cảm quan và tiêu chuẩn lý hóa. Nước mắm đạt tiêu chuẩn phải có màu cánh gián, mùi thơm, vị ngọt lưu lại hậu vị. Còn các tiêu chuẩn về độ đạm, độ mặn sẽ được phòng thí nghiệm chỉ ra... khi đã đảm bảo được các chỉ tiêu, định lượng thì nước mắm mới được lọc và đóng chai” - anh Phong chia sẻ.

Sản phẩm nước mắm cốt cá cơm Đảo Mê của Công ty CP Sản xuất và thương mại Sông Mã được Sản xuất theo dây chuyền hiện đại mang đậm hương vị truyền thống, không những thế từng chai nước mắm còn thể hiện sự tinh tế của người làm khi sử dụng chai thủy tinh có thiết kế đẹp, tiện lợi, dễ nhận diện, có chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng vào những dịp lễ tết.

Có mặt trên thị trường từ giữa năm 2017, giống như một “đứa trẻ sơ sinh” chập chững bước từng bước vào thị trường nước mắm truyền thống vô cùng khốc liệt, nhưng Lê Phúc Phong đã cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. “Dù thời gian đầu rất khó khăn về vốn, thậm chí có thể lỗ, nhưng nước mắm cốt cá cơm Đảo Mê luôn đảm bảo về chất lượng, coi chất lượng là yếu tố hàng đầu quyết định sự sống còn của công ty” - anh Phong cho biết.

Anh Lê Phúc Phong cho biết thêm, thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục, có sự đầu tư về dây chuyền tự động đóng chai và sẽ mở cửa cho khách vào tham quan và mua sản phẩm trực tiếp, như là cách truyền thông minh bạch và để khách hàng hiểu rõ hơn quy trình làm mắm.

Khi hỏi anh Phong có khi nào hối hận về quyết định của mình năm xưa, làm giám đốc, điều hành hàng trăm công nhân, giờ đây phải xông pha khắp nơi để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, anh thẳng thắn: “Từ khi quyết tâm làm nghề tôi lúc nào chỉ tâm niệm phải phát triển bằng được thương hiệu nước mắm của mình, chưa bao giờ có ý định dừng lại”.

Có lẽ tình yêu nước mắm, yêu nghề truyền thống của quê hương đã thành niềm tự hào trong con người anh Lê Phúc Phong.

Bén duyên cây lúa tím

Nhận thấy sản xuất nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu của thời đại, anh Phạm Văn Nam - Giám đốc Công ty CP Thương mại Thiệu Hóa (thị trấn Quảng Xương) đã bỏ việc kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu mà bắt tay vào khởi nghiệp từ cây lúa tím.

Qua tìm hiểu, anh Nam biết gạo tím là loại ngũ cốc có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh như tiểu đường, giảm cân, hạ đường huyết... Tuy nhiên, gạo tím trên địa bàn có rất ít người trồng và bắt buộc đó phải là nguồn gạo sạch. Anh tự hỏi: “Thay bằng phụ thuộc vào người khác, tại sao mình không tự làm ra một loại gạo sạch, không thuốc trừ sâu, không hóa chất bảo quản, chống mốc... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.”

Nghĩ sao làm vậy, năm 2014 anh về quê Thiệu Hóa xin đất và bắt đầu trồng thử nghiệm loại gạo tím. Khi bắt tay vào làm, anh Nam gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc chọn giống lúa để sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện sinh trưởng ở địa phương. Bên cạnh đó, làm nông nghiệp theo phương pháp canh tác tự nhiên thật không đơn giản. Đó là thời gian sinh trưởng tự nhiên của cây lúa kéo dài hơn bình thường, thu hoạch mỗi năm 1 vụ, vụ còn lại là thời gian cho đất nghỉ.

Sau khi vấn đề nguồn nguyên liệu được giải quyết, để cho ra sản phẩm như ngũ cốc thảo dược, trà tím thảo dược... cần công thức, tỷ lệ phối trộn giữa các sản phẩm, anh Nam đã phải tìm đến các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế để tham khảo ý kiến, kinh nghiệm.

Với dòng sản phẩm cao cấp, chuyên phục vụ sức khỏe con người, những sản phẩm của công ty nhanh chóng được người tiêu dùng tín nhiệm. Đến nay, chỉ sau gần 1 năm phát triển, ruộng gạo tím của anh Nam được nhiều người biết đến. Công ty anh đã mở được 10 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc, cho doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng/tháng. Hạt gạo được trồng tại ruộng chứa nhiều dưỡng chất bổ dưỡng, đặc biệt phù hợp và tốt cho các bệnh nhân tiểu đường, người ăn chay, trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Phạm Văn Nam trong cuộc thi Chung kết ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên lần thứ 1.

Cũng trong năm 2018, dự án khởi nghiệp của anh Nam đã đạt giải Nhì chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ Nhất, do Trung ương đoàn tổ chức.

“Tôi muốn đưa sản phẩm của mình ra thế giới để nhiều bạn bè quốc tế biết đến mà trước hết là các nước Đông Nam Á. Qua đó khách hành quốc tế hiểu rõ về nền nông nghiệp đa dạng, phong phú của nước ta, hoàn toàn có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm sạch và chất lượng” - anh Nam chia sẻ.

Nghĩ khác, tạo thành công

Đó là tư duy thành công của Giám đốc Bùi Tiến Thành, Công ty TNHH MTV Thương mại Tiến Thành Thảo, chuyên phân phối giấy vở, văn phòng phẩm.

“Ở mỗi giai đoạn chúng ta phải xác định cho mình một mục tiêu cụ thể và bằng mọi giá đạt được mục tiêu đó” - anh Thành chia sẻ.

Ngay từ khi còn là sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức, anh Thành xác định: “Sau khi tốt nghiệp đại học mình phải phấn đấu để có doanh nghiệp đến liên hệ xin mình về làm việc, thay vì mình phải cầm hồ sơ chạy vạy xin việc”.

Không chỉ giỏi về điểm số, ngay từ năm đầu tiên anh Thành đã lập nhóm sinh viên chuyên làm gia sư, sự kiện, bán hàng... Năm học thứ 3 đã có doanh nghiệp đến mời anh làm việc. Thay vì đòi hỏi mức lương, điều kiện làm việc phù hợp như bao nhân viên khác, anh Thành đã làm không lương trong 6 tháng ròng và cảm ơn công ty vì đã có công đào tạo, giúp mình có được kinh nghiệm thực tế.

Sự khác người nhưng hiệu quả anh Thành đã khiến giám đốc doanh nghiệp lúc đó hoàn toàn tin tưởng vào năng lực, khả năng rồi bổ nhiệm anh làm trưởng một chi nhánh mới. Và anh tiếp tục làm tốt công việc của mình, khi chỉ sau thời gian ngắn đã phát triển chi nhánh từ 3 lên đến 70 nhân viên, với tỷ suất lợi nhuận cao.

Anh Bùi Tiến Thành.

Khi công việc đang ổn định thì anh quyết định nghỉ việc và có tham vọng làm ông chủ trong lĩnh vực kinh doanh mới. Năm 2014, nhận thấy tiềm năng và cơ hội trong kinh doanh phân phối văn phòng phẩm tại Thanh Hóa, anh quyết định dốc hết vốn thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Tiến Thành Thảo. Tuy nhiên, đây là ngành nghề mới, anh hoàn toàn chưa có kiến thức, kinh nghiệm. “Thiếu cái gì thì mình sẽ bổ sung cái đó” - anh chia sẻ.

Anh Thành đã đi hầu khắp các tỉnh thành miền Bắc, đến những công ty phân phối văn phòng phẩm lớn nhất nghe những người thành công chia sẻ kinh nghiệm. Đến nay khi công ty đã phát triển, thì thói quen học tập liên tục vẫn được anh giữ gìn, khi cứ 3 tháng một lần anh hoặc nhân viên tiếp tục đi học tập kinh nghiệm, nắm bắt xu thế mới ở những doanh nghiệp lớn trong Nam.

Tư duy đó giúp anh dẫn dắt thành công Công ty TNHH MTV Thương mại Tiến Thành Thảo, trở thành nhà phân phối lớn tại Thanh Hóa trong lĩnh vực cung cấp hàng giấy vở, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng trở thành nhà phân phối độc quyền cho nhiều nhãn hàng có tên tuổi tại Việt Nam như Thiên Long, FlexOffice, giấy vở Hải Tiến, giấy các loại... thậm chí cả ngành hàng tiêu dùng.

Anh Thành chia sẻ: “Muốn khởi nghiệp thành công thì các bạn trẻ nên dành thời gian và công sức tìm hiểu về lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp. Càng hiểu rõ lĩnh vực cũng như khả năng bản thân bao nhiêu thì tỷ lệ thành công càng cao. Và trong quá trình khởi nghiệp nên đi chắc chắn, tìm hiểu kỹ, không nóng vội và kiên định mục tiêu đã chọn”.

Chiến thắng chính mình

Tôi muốn kể câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên trẻ khuyết tật Nguyễn Tuấn Hùng (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) để biết rằng trong mỗi con người đều có một nghị lực phi thường. Chỉ có điều mỗi người có khơi dậy và sử dụng sức mạnh đó thế nào, để thấy rằng cánh cửa cuộc đời không bao giờ đóng lại, mà mỗi người sẽ mở nó theo hướng nào.

Anh Hùng từ nhỏ đã được biết đến là người thông minh, học giỏi, là sinh viên khóa đầu tiên ngành Sư phạm Vật Lý của Trường Đại học Hồng Đức. Có bằng sư phạm trong tay nhưng anh tiếp tục dự thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa tự động hóa với số điểm gần như tuyệt đối. Năm 2009 ngay khi ra trường anh cùng với các bạn của mình thành lập Công ty CP Tự động hóa Tân Hoàng - công ty tự động hóa công nghệ cao đầu tiên ở Thanh Hóa. Dưới sự dẫn dắt của anh, công ty như “cánh diều gặp gió”, là doanh nghiệp phát triển thành công, với tỷ suất lợi nhuận cao.

Đúng khi con đường sự nghiệp của anh đang “thăng hoa” cũng là lúc tai ương bất ngờ ập đến. Năm 2012, trong chuyến công tác anh đã bị tai nạn tàu hỏa. Hàng năm trời dài đằng đẵng anh gắn liền với giường bệnh, cùng gia đình chạy chữa khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Nhưng di chứng của tai nạn quá nặng nề, anh còn sống nhưng tổn thương nặng về cột sống khiến các giáo sư hàng đầu phải lắc đầu, không thể chữa lành đôi chân, anh Hùng bị liệt từ đó. Không những thế kiệt quệ về tài chính do chữa bệnh, công ty thì tan rã do không có người “cầm cương” và những đau đớn về tinh thần đối với người thân trong gia đình là không gì bù đắp nổi.

Anh Nguyễn Tuấn Hùng.

Từ một thanh niên khỏe mạnh, năng động, chơi giỏi các môn thể thao, là chủ của một doanh nghiệp thành công bỗng dưng trở thành người khuyết tật. Anh Hùng cũng phải trải qua quãng thời gian suy nghĩ “tăm tối” này, nhưng rồi gia đình nhất là người vợ tần tảo chăm lo cho anh trong suốt thời gian chữa bệnh cùng hai cháu nhỏ đã giúp anh trụ vững trở lại. Trong một lần chữa trị tại Trung tâm phục hồi chức năng ở Sầm Sơn, anh đã nhận dạy kèm cho một nhóm học sinh ôn thi đại học và có kết quả rất tốt. Nhận thấy nghề sư phạm như một cái duyên bén lại, từ đó anh dành khối óc vẫn còn rất thông tuệ và kiến thức tích lũy bao năm qua truyền đạt lại cho các em học sinh.

Chưa từng đứng trên bục giảng một ngày nào, lại không thể linh hoạt trong việc di chuyển, những ngày đầu làm giáo viên anh Hùng gặp nhiều trở ngại. Những điều đó nhanh chóng được anh bù đắp bằng vốn kiến thức khổng lồ, phương pháp dạy dễ hiểu. Và đến nay, sau 5 năm chính thức trở lại nghề giáo, đã có khoảng 100 học sinh được anh bồi dưỡng thi đậu đại học và ngày càng nhiều phụ huynh tin tưởng khả năng dạy học của anh.

Không những thế, anh Hùng còn tự hoàn thành bản thiết kế xe lăn dành cho người khuyết tật với những tính năng đặc thù. Bản thiết kế này được anh tặng cho người bạn làm cơ khí ở Ninh Bình với mong muốn tiết kiệm chi phí chế tạo xe lăn dành cho người khuyết tật như anh.

Anh Hùng chia sẻ: “Đến giờ có lẽ thành công lớn nhất trong cuộc đời tôi là chiến thắng được chính bản thân mình. Tôi không còn nghĩ mình là người bất hạnh, trở ngại nào rồi cũng có cách vượt qua chỉ khi ta không từ bỏ”.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]