(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Chuyện làm tăm đũa xả thải ra sông Mã dân kêu chán, bệnh tật đầy ra đấy mà có thay đổi được gì”? Sự bức xúc của người dân càng thúc giục tôi thêm quyết tâm lần ra manh mối khiến cho con sông huyền thoại của xứ Thanh đang đứng trước nguy cơ bị bức tử.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo sông Mã bị “bức tử” (Kỳ 1): Ngược ngàn Mã Giang

(VH&ĐS) “Chuyện làm tăm đũa xả thải ra sông Mã dân kêu chán, bệnh tật đầy ra đấy mà có thay đổi được gì”? Sự bức xúc của người dân càng thúc giục tôi thêm quyết tâm lần ra manh mối khiến cho con sông huyền thoại của xứ Thanh đang đứng trước nguy cơ bị bức tử.

“Đầu độc” sông bằng nước thải

Cơ duyên thuận lợi cho tôi khi cuộc điều tra được sự hỗ trợ đắc lực của người dân. Vượt chặng đường cả trăm cây số trên chiếc Dream đời cũ, tôi đến xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa khi trời đã nhá nhem. Biết chuyến đi điều tra về hoạt động xả thải tại các cơ sở chế biến lâm sản vùng thượng nguồn sông Mã của tôi, một người dân giọng gằn bức xúc: “Chuyện làm tăm đũa xả thải ra sông Mã dân kêu chán, bệnh tật đầy ra đấy mà có thay đổi được gì!”.

Đang giấc say, nửa đêm tôi bị dựng dậy với câu nói: “Nó lại xả thải, dậy đi!”. Đi một đoạn khá xa thì đến suối Ma Ham, bản Đỏ (xã Phú Thanh). Tiếp tục lần mò theo triền suối Ma Ham, đến cống xả thải được chôn ngầm dưới lòng đất. Trước mắt chúng tôi là một hệ thống cống, ống dẫn, được chôn ngầm qua đường quốc lộ 15C cũ được cho là của Công ty Bảo Yến đang xả thẳng ra suối Ma Ham. Thứ nước hôi thối, đỏ au đang tuồn đổ như dòng thác dữ hướng thẳng sông lớn. Tại cửa sông Mã, nước sủi bọt trắng xóa, bốc mùi. Nói rồi hắn thở dài: “Tôi cũng như hàng chục hộ dân đều phải phụ thuộc vào nguồn nước mặt, nước ngầm, nước sông để sử dụng, để sinh hoạt. Cái chết ngay tức thì vì nước độc - chưa thấy! Còn hệ lụy bệnh tật thì đã rõ: Người già chết nhiều vì ung thư; con trẻ thì phần lớn bị viêm xoang, các bệnh về đường ruột, đường hô hấp; dân không dám nuôi cá lồng, cá bè trên sông...

Hình ảnh xả thải tại suối Ma Ham.

Tối hôm đó, tôi không sao ngủ được trước thực trạng nhức nhối nơi đây! Nếu hàng chục cơ sở sản xuất “tất cả đều tìm đường đổ thải ra sông Mã” thì mức độ ô nhiễm lớn chừng nào! - hàng trăm câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu, rồi khi mở mắt trời đã sáng! (...)

Dọc tuyến sông Mã, chúng tôi mục sở thị hầu hết các cơ sở sản xuất lâm sản nơi đây. Có cả chục cơ sở khác nhau mà tôi nhẩm tính, nhưng chỉ có 1-2 cơ sở là có tên, có biển hiệu (trong đó có cả đơn vị xả thải đêm qua). Phần lớn là các chủ cơ sở tư nhân, tự lấp sông lập xưởng như: Hiếu Phương; Hiệu Dung; Duy Hiếu; ông Mạnh; bà Ngắn; ông Kiệm; Tuấn Vũ... phép phiếc gì đâu mà vẫn cứ rầm rộ năm này qua năm khác! Cơ sở nào cũng có cả chục công nhân, hoạt động liên tục vậy mà “không phép”, chính quyền và cấp chức năng cũng để họ ngang nhiên hoạt động?

Không chỉ những cơ sở nhỏ không phép, mặc sức xả thải ra môi trường mà dọc tuyến sông Mã chúng tôi còn bắt gặp hàng loạt các cơ sở lâm sản như: Cơ sở Xuân Dương; Hợp tác xã Hợp Phát; Hợp tác xã Sông Mã; Công ty Duyệt Cường... có quy mô lớn, được cấp phép hoạt động nhưng cũng không ngoại lệ. Gần đây nhất, các đơn vị chức năng đã mật phục bắt quả tang Công ty TNHH Duyệt Cường (đóng tại địa bàn xã Xuân Phú) xả thải ra môi trường vượt mức quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, chỉ tiêu TTS vượt 30,12 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12:2015/BTNMT về nước thải công nghiệp giấy, bột giấy, tổng số tiền phạt là 414.200.000 đồng... là một minh chứng.

Cuộc hành trình... lấn sông

Có mặt tại cơ sở Tiện Thúy, chứng kiến khu đất được cơ sở này đổ lấp, lấn chiếm hơn chục mét ra tới giữa lòng sông Mã. Được biết, vùng đất này đang nằm trong “tranh chấp” địa giới mấy mươi năm nay giữa 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Quá trình đó, người dân 2 tỉnh sống lẫn lộn vào nhau, họ đổ đất lập xưởng, lấn sông; mua bán trao đổi, hoạt động kinh doanh không phép, không ai quản lý... Tôi nhìn ra khúc sông bị bồi lấp, “cả khúc sông đoạn “tranh chấp”, họ đều đã phân chia nhau để mở xưởng lâm sản. Đất thì đất Thanh Hóa, người lại Hòa Bình; Người Hòa Bình nhưng trước đó Thanh Hóa lại cấp phép... lẫn lộn tùng phèo, chỉ có sông Mã là đang bị “bức tử”!”...

Sông Mã đang bị “bóp nghẽn”.

Thực trạng môi trường trên đang từng ngày “giết chết” dòng sông! Trả lời câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng trước thực trạng, bất cập trên, ông Trịnh Đức Du - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa, thừa nhận: “Tình hình thực tế phản ánh của phóng viên về xả thải, lấn sông là đúng! trách nhiệm bảo vệ môi trường là không biên giới”. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra bất lực khi lý giải: “Đó là địa phận “tranh chấp” địa giới giữa Thanh Hóa và Hòa Bình nên rất khó trong việc tiến hành kiểm tra, xử lý. Trường hợp Công ty Bảo Yến, đơn vị này đã nhiều lần bị xử phạt trong hoạt động môi trường, nhưng là vùng tranh chấp nên rất khó! Quyền sử dụng đất (bìa đỏ) của Công ty Bảo Yến thì do tỉnh Hòa Bình cấp còn giấy phép kinh doanh lại là Thanh Hóa cấp!?”

Phải chăng, do những bất cập như lời ông Du nói mà mức độ xử phạt đối với các cơ sở trên cũng có phần hạn chế!? Năm 2015, số đơn vị bị xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay (Công ty Bảo Yến (?); Cơ sở Xuân Dương tại xã Hồi Xuânbị xử phạt 2,5 triệu đồng; Chính Lan (Hợp tác xã Hợp Phát ở xã Xuân Phú) bị phạt 9 triệu; Hợp tác xã Sông Mã xã Xuân Phú xử phạt 7 triệu và năm 2016, duy chỉ Công ty Duyệt Cường bị lực lượng chức năng bắt quả tang đang xả thải ra môi trường, mức phạt hơn 400 triệu đồng... Một hồi suy nghĩ, ông Du vẫn không thể nhẩm tính được trên địa bàn mình quản lý có bao nhiêu cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản!? Còn chuyện đổ đất đá lấn sông làm cản trở dòng chảy, ông khá mơ hồ khi chỉ cung cấp một báo cáo của UBND huyện với lý giải: “Do một số hộ dân sinh sống ven bờ sông Mã có mái taluy âm, một số vị trí bị sạt lở nên một số gia đình xin ý kiến UBND xã để san lấp tránh ảnh hưởng!?”...

Sông Mã đang bị... “bức tử”!

Đình Giang - Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]