(vhds.baothanhhoa.vn) - 65 năm gắn bó và cống hiến cho nghệ thuật múa và âm nhạc, ở tuổi ngoài 80, Nghệ sĩ nhân dân (NSND), biên đạo múa Hoàng Hải vẫn là “cánh chim” không mỏi trên hành trình nghiên cứu, khai phá với khát khao sáng tạo nghệ thuật.

NSND Hoàng Hải: Một đời say mê đi tìm cái đẹp trong văn hóa dân gian

65 năm gắn bó và cống hiến cho nghệ thuật múa và âm nhạc, ở tuổi ngoài 80, Nghệ sĩ nhân dân (NSND), biên đạo múa Hoàng Hải vẫn là “cánh chim” không mỏi trên hành trình nghiên cứu, khai phá với khát khao sáng tạo nghệ thuật.

NSND Hoàng Hải: Một đời say mê đi tìm cái đẹp trong văn hóa dân gianỞ tuổi ngoài 80, NSND, biên đạo múa Hoàng Hải vẫn say mê sáng tạo nghệ thuật.

Từ cái “duyên” với nghệ thuật

Ghé thăm NSND Hoàng Hải vào một ngày đầu xuân mới. Nổi bật trong không gian ngôi nhà ấm cúng là những giải thưởng, giấy khen, bằng khen, nhạc cụ và cả giấy vở... NSND Hoàng Hải tâm tình: “Với tôi, đến với nghệ thuật thực sự là cái duyên. Và người nghệ sĩ khi quyết định gắn bó với nghệ thuật ví như con tằm nhả tơ. Chỉ khi khổ luyện “rút ruột” nhả tơ thì mới hy vọng có những tấm lụa đẹp”.

Sinh ra ở vùng đất cổ Thanh Xá, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) trong gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật. Và ông kể về cái duyên với nghệ thuật của mình: “Những ngày còn nhỏ, tiếng đàn bầu da diết của ông Kẹn, tiếng nhị kéo thiết tha của ông Chiêm gần nhà đã khơi dậy đam mê nghệ thuật trong tôi. Đặc biệt, khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, trong đoàn người ngoài Bắc về Thanh Xá tản cư có một nhạc sĩ chơi đàn rất hay, khi đó tôi khoảng 11 tuổi, say mê tiếng đàn của người nhạc sĩ ấy vô cùng. Vì thế mà đã đi cấy thuê nhiều ngày để có tiền mua đàn học nhạc. Đến khi đi học ở trường huyện, tôi lại tình cờ có duyên gặp người thầy giáo giỏi chơi đàn. Ngày ấy, sau những giờ học trên lớp tôi đến nhà thầy, lúc nấu cơm, khi pha nước để được thầy… dạy đàn, thỏa mãn sở thích tuổi trẻ. Năm 1959, trên đường lên tỉnh đi nộp hồ sơ thi đại học vào ngành Kiến trúc, thấy có thông báo tuyển văn công thế là mạnh dạn vào đăng ký hát, không ngờ được tuyển. Hành trang đến với nghệ thuật khi ấy, ngoài đam mê, háo hức thì chỉ vỏn vẹn 2 bộ quần áo cũ cùng 5 hào bạc”.

18 tuổi, chàng trai trẻ Hoàng Hải là nghệ sĩ của đoàn văn công tỉnh nhà, thường xuyên đi hát phục vụ bộ đội và đồng bào miền núi. Sau thời gian phục vụ tại đoàn văn công, ông được đi học biên đạo múa hơn 2 năm của Trường múa Việt Nam; từ năm 1964 - 1968, ông tiếp tục được cử đi học biên đạo múa 4 năm tại Trường múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Chính thức từ đây, Hoàng Hải trở thành nhà biên đạo múa chuyên nghiệp.

Văn hóa dân gian là “kho tàng” cho người Nghệ sĩ khám phá

Rời trường múa Việt Nam trở về với xứ Thanh, công tác đoàn Ca múa tỉnh nhà (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn) nghệ sĩ Hoàng Hải lựa chọn chất liệu văn hóa dân gian để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật của mình. Ông chia sẻ: “Tôi nhớ lời thầy giáo mình là chuyên gia nước ngoài khi đó đã nói, hãy học “ngôn ngữ”, động tác của balê nhưng khi làm, hãy lấy chất liệu múa của dân tộc, vùng miền nơi mình sinh sống, phát triển nó để trở thành tác phẩm nghệ thuật thực sự”.

Như người nông dân nghiên cứu giống lúa mới cũng phải bắt đầu từ giống lúa cũ đã gắn bó bao đời, thì nghệ thuật cũng vậy. Tinh hoa văn hóa của cha ông được trao truyền trong đời sống văn hóa dân gian là điệu múa, câu hát, lời thơ… tất cả được chắt chiu tạo ra từ địa lý, khí hậu, vùng miền, mang hơi thở của cuộc sống và vì thế mà có sự khác biệt văn hóa - sức mạnh nội sinh ngàn đời của dân tộc Việt Nam. NSND Hoàng Hải trải lòng: “Nghệ thuật luôn sáng tạo không ngừng. Nhưng mọi sáng tạo đều phải dựa trên cái “gốc” bền. Với tôi, văn hóa dân gian của cha ông chính là cái gốc vững chắc để tôi thỏa thích làm mới, sáng tạo. Khi có cái gốc “vững” thì bạn sẽ đủ sức sáng tạo và thăng hoa. Ngược lại, mải miết chạy theo cái mới mà bỏ qua, đánh mất cái “gốc” bản sắc văn hóa dân tộc, cũng chính là “bỏ gốc lấy ngọn” sẽ không thể phát triển bền vững”. Quan điểm nghệ thuật của NSND Hoàng Hải đã được ông minh chứng trong chính những tác phẩm sáng tác của mình, ở đó là “nhịp sống, mạch thở” của đời sống, văn hóa dân gian được nâng tầm.

Với quan điểm đó, đầu những năm 1970 trở về với xứ Thanh, nghệ sĩ Hoàng Hải bắt đầu hành trình rong ruổi sưu tầm, nghiên cứu và cả “học” múa dân gian của đồng bào các dân tộc trên khắp vùng miền xứ Thanh. Ông học múa Xuân Phả, múa dân gian (múa đèn) Đông Anh, múa dân gian hò sông Mã. Ngược ngàn lên với đồng bào dân tộc miền núi, người nghệ sĩ lại say mê với cồng chiêng, phường bùa của người Mường, múa rùa của người Dao, múa xòe, trống chiêng; say mê nghiên cứu các điệu múa, âm nhạc của các dân tộc làm “vốn” sáng tạo. Từ đây, ông sáng tác nhiều tác phẩm múa như: múa Tung còn của người Mường, múa Đón dâu về bản (người Thái), múa Cầu mưa của người Mông, múa đi hội làng Xuân Phả, múa Vó ngựa Lam Kinh…

Trong đó đặc biệt phải kể đến tác phẩm vũ kịch “Vĩnh biệt hoa anh túc” do ông sáng tác, Đoàn Ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn) tham gia hội diễn Ca múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997 xuất sắc vượt lên 14 tác phẩm vũ kịch trong cả nước khi đó để giành Huy chương Vàng (HCV).

Không chỉ say mê với nghệ thuật múa, sâu thẳm trong con người nghệ sĩ Hoàng Hải là tình yêu dành cho âm nhạc. Vì thế, đầu những năm 1990, sau nhiều nỗ lực cùng quyết tâm ông đã thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trên con đường âm nhạc, cũng trên “cái gốc” chất liệu dân gian, ông lại ghi dấu với nhiều tác phẩm sáng tác được công chúng biết đến, như: Âm vang sông Mã, hợp xướng Hàm Rồng sông Mã, xe thồ Điện Biên, Bản mường trồng cây nhớ Bác, nhạc múa Khúc khải hoàn Xuân Phả, sông Mã bến đợi, Nổi trống đồng lên, Mang tiếng chiêng đi, Hào khí Lam Sơn, Vang vọng xứ Thanh…

NSND Hoàng Hải: Một đời say mê đi tìm cái đẹp trong văn hóa dân gianNSND Hoàng Hải luôn trăn trở với việc khai phá và nâng tầm nghệ thuật dân gian.

Nhạc sĩ Đồng Tâm, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận xét: “Cả cuộc đời say mê tận hiến cho nghệ thuật múa và âm nhạc, nghệ sĩ Hoàng Hải là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa xứ Thanh”.

Nói về “hai con người” biên đạo múa và sáng tác âm nhạc, NSND Hoàng Hải chia sẻ: “Với tôi, múa và sáng tác âm nhạc như hai đầu đôi quang gánh để đi thăng bằng trên con đường nghệ thuật. Trong múa có nhạc và trong nhạc có múa. Một người nghệ sĩ múa sẽ không thể “bay” lên nếu không hiểu về âm nhạc và ngược lại, những điệu múa cũng chắp cánh để âm nhạc thăng hoa hơn”.

Trong cuộc đời lao động và cống hiến của mình, nghệ sĩ Hoàng Hải đã vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; HCV tác phẩm Âm vang sông Mã; HCV vũ kịch Hoa anh túc; HCV tác phẩm Múa đèn; và 190 HCV, bạc tại liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng. Sau nhiều nỗ lực, năm 2016 Biên đạo múa, nhạc sĩ Hoàng Hải vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND - danh hiệu cao quý nhất dành cho người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Vinh dự hơn khi cuối năm 2022, NSND Hoàng Hải được tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm: Kịch múa Vĩnh biệt Hoa anh túc, múa Hò sông Mã, múa Hương đăng, múa Khúc khải hoàn. Nhìn lại con đường nghệ thuật mà mình đã trải qua, NSND Hoàng Hải lắng lòng: “Khi có đủ khát khao thì sáng tạo nghệ thuật là không giới hạn. Với tôi, được kế thừa, phát huy, phát triển giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông là may mắn và trách nhiệm”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]